Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã “kêu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ trước việc các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tranh thủ giá điện rẻ để đầu tư ồ ạt vào Việt nam và xuất khẩu thép sang nước khác…
Ngành điện “kêu cứu” tới Chính phủ
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, EVN đã “kêu cứu” về việc có quá nhiều nhà đầu tư nhà máy sản xuất thép làm cho quy hoạch ngành thép Việt Nam bị phá vỡ, gây khó khăn cho việc đầu tư hệ thống điện và ảnh hưởng tới việc cung cấp điện.
Thống kê đến ngày 30/8/2009, Việt Nam có 65 dự án sản xuất gang, thép có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể một số nhà máy thép do Vnsteel quản lý).
Trong đó, chỉ có 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc thỏa thuận của Bộ Công Thương.
Điều đáng nói là mặc dù mới sử dụng chưa tới 50% công suất song theo ước tính của ngành điện, hàng năm các nhà máy thép đã tiêu thụ tới khoảng 3,5 tỷ kWh, làm phá vỡ quy hoạch về điện do phải liên tục điều chỉnh, bổ sung, đồng thời làm cho lưới điện hiện hữu bị phá nát, manh mún.
Điển hình như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2006 đến nay đã qua 7 lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện. Trong khi đó, hệ thống điện quốc gia chưa có dự phòng công suất, làm tăng khối lượng đầu tư xây dựng của ngành điện, ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp điện cho các ngành khác và sinh hoạt của nhân dân.
Về giá bán điện, hiện nay EVN đang bán cho các nhà máy thép bình quân là 909,28 đồng/kWh (tương đương 4,78 USD cent/kWh), trong khi đó giá bán điện bình quân cho công nghiệp (trong đó có thép) tại các nước trong khu vực rất cao như Thái Lan là 8,12 cent/kWh, cao hơn 3,34 cent/kWh (169,9%); Singapore là 14,1 cent/kWh, cao hơn 9,32 cent/kWh (294,4%); Indonesia là 6,7 cent/kWh, cao hơn 1,92 cent/kWh (140%).
“Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài muốn tranh thủ giá điện rẻ để đầu tư ồ ạt vào Việt nam và xuất khẩu thép sang nước khác” - Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh khẳng định.
Ban hành giá điện theo công suất đăng ký
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Cường - Chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng phần lớn các doanh nghiệp thép đều đang sử dụng công nghệ không đạt chuẩn. Điều này không những khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, ảnh hưởng tới môi trường mà còn gây tốn rất nhiều điện năng.
Không ít trường hợp công nghệ từ Trung Quốc đã không còn được sử dụng nhưng lại được doanh nghiệp Việt Nam ở các địa phương nhập về. Ở Trung Quốc hiện nay có quy định lò điện phải trên 50 tấn/mẻ và lò cao công suất trên 1.000 m3 trở lên mới được xây dựng mới.
Trong khi đó, doanh nghiệp của ta, do nhiều nguyên nhân như vốn, kinh nghiệm... lại nhập loại lò điện chỉ có công suất 20 - 30 tấn/mẻ và loại lò cao công suất 200 - 300 m3.
Việc sử dụng các lò luyện thép công suất nhỏ đã làm tiêu tốn điện năng nhiều hơn, nhiên liệu sử dụng nhiều hơn so với lò tiêu chuẩn, làm tăng giá thành sản phẩm.
Đó cũng chính là lý do khiến Bộ Công Thương đã phải kiến nghị UBND các tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không đủ điều kiện (công nghệ và máy móc lạc hậu như lò cao có công suất dưới 200 m3; lò điện và lò chuyển dưới 20 tấn/mẻ).
Trước tình hình các dự án thép phát triển ồ ạt như vừa qua làm ảnh hưởng tới hệ thống điện quốc gia, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam.
Đối với các dự án sản xuất thép có nhu cầu công suất điện lớn (từ 100MVA trở lên) đề nghị giao cho chủ đầu tư xây dựng nguồn điện để sử dụng, phần dư công suất điện sẽ bán lại cho hệ thống điện quốc gia.
EVN cho rằng, hiện hệ số sử dụng công suất của các nhà máy thép mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế, do đó, việc phát triển thêm các dự án mới cần phải được cân nhắc kỹ.
Đồng thời, EVN cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hàng giá điện theo công suất đăng ký, để các nhà đầu tư đăng ký đúng nhu cầu điện, tránh lãng phí trong việc đầu tư công trình điện