Học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông công lập khác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ về tiền ăn, nhà ở. Ngoài ra, trường phổ thông dân tộc bán trú cũng sẽ được hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị.
![]() |
Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú sẽ được hỗ trợ tiền ăn, ở - Ảnh minh họa |
Đây là nội dung Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo.
Hỗ trợ tiền ăn bằng 40%, tiền ở 10% mức lương tối thiểu chung
Để được hưởng chính sách hỗ trợ nói trên, học sinh tiểu học, THCS ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn phải đang học và được bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc các trường phổ thông công lập khác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.
Quy định cụ thể mức hỗ trợ, dự thảo nêu, về tiền ăn, học sinh tiểu học, THCS bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung (bằng 50% mức học bổng của học sinh dân tộc nội trú), không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Còn về nhà ở, học sinh tiểu học, THCS bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung, không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Trường phổ thông dân tộc bán trú là trường chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này. Trường phổ thông dân tộc bán trú có 50% học sinh trở lên của trường là người dân tộc thiểu số và ít nhất 25% học sinh (đối với trường tiểu học), ít nhất 50% học sinh (đối với trường tiểu học và THCS, trường THCS) là học sinh bán trú. (trích Điều 2 - Dự thảo) |
Đầu tư cơ sở vật chất cho trường phổ thông dân tộc bán trú
Dự thảo quy định, trường phổ thông dân tộc bán trú sẽ được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: 1- Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành; 2- Các dụng cụ thể dục thể thao, nhạc cụ, ti vi, báo chí phục vụ sinh hoạt thể dục thể thao, văn hóa cho học sinh bán trú; 3- Trang bị cho khu bán trú tủ thuốc dùng chung, có các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất.
Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú do ngân sách địa phương bảo đảm, lấy từ nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao trong kế hoạch hàng năm.
Rất cần chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn
Theo báo cáo của các địa phương, năm học 2008 - 2009 có khoảng 144.124 học sinh ở bán trú tại 1.657 trường của 24 tỉnh. Trong đó số học sinh người dân tộc thiểu số ở bán trú chiếm tới 96,12%, học sinh nữ chiếm tỷ lệ đáng kể (40,68%). Ở nhiều địa phương, mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú phủ khắp các huyện trong tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang…). Tại tỉnh Hà Giang, 100% các xã, huyện vùng cao đều có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Thực tiễn chứng tỏ mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và hoàn thành phổ cập giáo dục ở vùng dân tộc; nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đưa con em đi học.
Tuy nhiên trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, hiện nay, mô hình này đang gặp một số khó khăn như nơi ăn, ở của học sinh bán trú còn thiếu thốn, chưa đảm bảo an toàn. Có đến 82,81% trường chưa có giường chắc chắn cho học sinh bán trú; 92,19% trường chưa có chỗ ở bán trú đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Nhiều khu bán trú không có hoặc thiếu nhà vệ sinh, nhà tắm, 16,92% trường chưa có nhà vệ sinh; 84,38% trường chưa có nguồn nước đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc hiện nay còn cao, khả năng cung cấp lương thực của gia đình cho con em thường không liên tục, khiến các em có thể bị đứt bữa, đặc biệt vào những kì giáp hạt. Bữa ăn của các em còn rất đạm bạc và thiếu dinh dưỡng. Sự quyên góp, ủng hộ của cộng đồng và các tổ chức xã hội cho học sinh bán trú chưa thường xuyên.
Trước thực tiễn trên, một số địa phương có đông học sinh bán trú cũng đã ban hành chính sách riêng và xây dựng đề án hỗ trợ cho học sinh bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú như Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đắk Lắk... Tuy nhiên, cho đến nay còn nhiều địa phương khác chưa nhận được sự hỗ trợ mang tính ổn định cho loại trường này.
Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú là hết sức cần thiết, nhằm giúp cho con em đồng bào các dân tộc ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn ổn định được đời sống vật chất và tinh thần để học tập, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS ở vùng dân tộc, đồng thời góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này.
(Theo Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com