Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chống lại việc sữa ngoại tăng giá

Trong khi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn đang rối bời trong việc kiểm soát và quản lý giá sữa, rất nhiều văn bản về quản lý giá vẫn còn phải chờ sửa đổi chặt chẽ hơn, Ba Bộ Y tế, Tài chính, Công thương vẫn đang nghiên cứu cách “tăng cường liên kết” hơn nữa, thì sữa ngoại vẫn nhởn nhơ và vẫn ngang nhiên tăng giá. Trong bối cảnh này, “vũ khí” hữu hiệu nhất  đang nằm trong tay người tiêu dùng.

Khó khăn trong kiểm soát giá sữa

Mặc cho cơ quan Quản lý giá trong nước kết luận không có cơ sở để tăng giá, các hãng sữa ngoại vẫn ngang nhiên tăng giá thậm chí ngay trước khi Thông tư mới nhằm thắt chặt việc quản lý giá sữa chính thức có hiệu lực.

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: “Doanh nghiệp sữa vin vào cớ nhà nước điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, chi phí ở nước ngoài tăng và nước sở tại áp đặt giá cao nên họ phải tăng theo. Tuy nhiên, những nguyên nhân này không hợp lý, đặc biệt là lý do biến động giá ở nước ngoài, bởi thời điểm này giá nguyên liệu rất ổn định. Thêm nữa, không phải tất cả các hãng sữa đều tăng, mà chỉ một vài hãng lợi dụng tình hình để đơn lẻ tăng giá”.

Tuy vậy, ông Tuấn vẫn phải thừa nhận: “Nhập nguyên liệu thì kiểm soát được giá, công khai trên thị trường. Nhưng với những sản phẩm thành phẩm, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khống chế giá, thông báo do giá ở nước ngoài tăng, để tăng giá trong nước. Ví dụ như doanh nghiệp có thể viện lý do nghiên cứu công thức tốn kém hàng trăm triệu USD, chi phí giành cho nghiên cứu lâm sàng, chi phí tiếp thị, quảng cáo, tiền trả lương, chi phí vận chuyển, bến bãi. Cái này rất đáng lo ngại”.

 Đầu năm 2009, Bộ Tài chính lập 2 đoàn thanh tra chẩn đoán lại cơ cấu giá, đã phát hiện có những doanh nghiệp chi cho quảng cáo vượt 19 lần mức qui định. Thậm chí cơ quan quản lý còn phát hiện những buổi mang danh là “thử nghiệm lâm sàng”, thực tế là tổ chức giới thiệu sản phẩm.  

  “Đã đến lúc chúng ta xem xét toàn bộ vấn đề chứ không chỉ là tập trung chống hạ giá để trốn thuế. Xu hướng giảm thuế để kích thích nền kinh tế hội nhập nhiều hơn với thế giới. Trong khi Việt Nam là thị trường mới tiềm năng, nhiều nhà sản xuất nước ngoài nhắm tới, nhưng ở trong nước họ chịu sự kiểm soát của nhiều cơ quan, nên có thể họ chọn làm giá ngay từ nước ngoài. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý biên giới cần phải vào cuộc, nghiên cứu cách thức chống nâng giá khống”. Ông Tuấn đề xuất.

Quyền lựa chọn trong tay người tiêu dùng

Khi người tiêu dùng đã có thói quen sử dụng các sản phẩm sữa trong sinh hoạt hàng ngày thì cũng đồng nghĩa với sự lệ thuộc và chấp nhận sự tăng giá sữa một cách vô lý của các hãng sữa nước ngoài. Bên cạnh đó, tâm lý sính đồ ngoại, hàng ngoại bao giờ cũng tốt hơn hàng nội, sự thờ ơ trong việc bảo vệ quyền lợi của mình đã khiến các doanh nghiệp ngày càng lộng hành.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) dự báo thị trường sữa chưa cho thấy dấu hiệu bình ổn. Mặc dù Chính phủ đã đưa sữa vào danh mục hàng nhạy cảm và sử dụng nhiều biện pháp quản lí, kiểm soát giá nhưng giá sữa vẫn tăng ngoài kiểm soát. Trong khi doanh nghiệp ngày càng có quá nhiều mánh khóe để tăng giá sữa thì các công cụ quản lý nhà nước về giá lại rối rắm và thiếu hiệu quả. Hàng loạt các văn bản đang chờ sửa đổi. Cơ quan Hải quan và Quản lý giá giờ mới tính chuyện sẽ ngồi lại với nhau, thì công cụ hiệu quả nhất để chống lại sự lộng hành của các doanh nghiệp sữa chính là người tiêu dùng.

 Chúng ta đã có bài học về VEDAN, doanh nghiệp vi phạm pháp lệnh môi trường, người tiêu dùng đã dạy cho doanh nghiệp một bài học bằng cách tẩy chay sản phẩm của Vedan, thì đối với sữa, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng. Quyền lựa chọn nằm trong tay khách hàng, tại sao chúng ta lại chấp nhận những sự tăng giá vô lý của một số hãng sữa. Người tiêu dùng hoàn toàn có vũ khí trong tay để bảo vệ lợi ích của mình và chống lại các hãng sữa lộng hành” – ông Nguyễn Anh Tuấn đặt dấu hỏi.  

Sữa nội không thua kém sữa ngoại

Trong nhiều cuộc hội thảo về sữa và giá sữa, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã  công bố một kết quả nghiên cứu về hiệu quả cải thiện tăng trưởng và vi chất trên trẻ em 24-36 tháng tuổi dùng một sản phẩm sữa nội của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế). Sau ba tháng nghiên cứu trên gần 600 trẻ em cho kết quả, sản phẩm sữa nội có hiệu quả tương đương về phát triển chiều cao và hiệu quả hơn về phát triển cân nặng so với sữa ngoại.  

TS Nguyễn Thị Lâm cho biết việc chọn sữa cho trẻ cần căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ em Việt Nam, gồm các chất cơ bản hoặc vi chất thường bị thiếu như đạm, béo, canxi, canxi, i ốt…, chứ không phải dựa trên các dưỡng chất bổ sung DHA, ARA và không nên chạy theo những thông tin quảng bá về sữa vốn ồn ào.

Theo tiến sĩ Lâm : các chất cơ bản vẫn cần thiết đối với trẻ em Việt Nam hơn là những chất bổ sung. Như vậy, rất có thể, các ông bố bà mẹ sẽ “chạy” theo mua các sản phẩm sữa đắt tiền, không được chế biến dành cho trẻ em Việt Nam, trong khi con mình vẫn bị thiếu chất.  Để trẻ hấp thu đầy đủ các dưỡng chất cần có một cơ thể khỏe mạnh, bữa ăn cân đối. Nếu không, rất có thể trẻ uống sữa có bổ sung vi chất nhưng không hấp thu được. Do đó, để nuôi dạy một đứa trẻ thông minh, giỏi giang, bố mẹ cần tập trung vào nhiều yếu tố chứ không thể kỳ vọng vào… sữa.

 Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ siết chặt việc kiểm soát chi phí quảng cáo đối với mặt hàng sữa. Nếu các doanh nghiệp chi quá 10% cho chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại đối với mặt hàng sữa, cơ quan có thẩm quyền sẽ thu lại phần chênh lệch nếu doanh nghiệp hạch toán cao hơn; yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại giá bán hàng hóa phù hợp với các yếu tố cấu thành giá. Khảo sát về giá và chi phí cấu thành giá sữa do Bộ Tài chính thực hiện mới đây cho thấy, nếu doanh nghiệp giảm được các chi phí quảng cáo và tiếp thị (khống chế được chi phí quảng cáo ở mức 10%) thì chắc chắn giá thành sữa sẽ giảm khoảng 30%.

(Theo Hân Hương // Nhandan Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi