Theo số liệu công bố ngày 24-3 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,75% so với tháng trước. Với mức tăng này, CPI ba tháng đầu năm đã tăng 4,12% và CPI bình quân quý I năm nay tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI thì chỉ có nhóm bưu chính - viễn thông giảm giá 0,2%, còn lại các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng giá với mức tăng từ 0,15% đến 1,38% so với tháng trước. Tăng giá cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,38%. Theo Tổng cục Thống kê, do giá xăng, dầu, giá điện tăng đồng thời tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và USD tăng nên đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá một số vật liệu xây dựng tăng như giá thép gạch xây dựng tăng từ 5 đến 10%... Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng giá cao thứ hai với mức tăng 1,03%, trong đó đáng chú ý là CPI của nhóm lương thực tháng này đã giảm 0,9% sau khi tăng khá cao ở tháng trước (tăng 2,94%) do các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ thu đông với năng suất khá cao. Còn nhóm thực phẩm và nhóm ăn uống ngoài gia đình đều tăng lần lượt ở mức 1,5% và 1,75%. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của nhóm hàng này đã chậm lại so với tháng 2-2010. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại như nhóm giao thông tăng 0,92%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,5%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,39%... Tăng giá thấp nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép với mức tăng 0,15%. Trong tháng 3, chỉ số giá vàng tăng 1,21% và chỉ số giá USD tăng 1,28% so với tháng trước.
Phó Vụ trưởng Thương mại, dịch vụ, giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Ðức Thắng cho biết, mức tăng CPI 0,75% của tháng 3 đã giảm so với mức tăng 1,96% của tháng 2 vừa qua, cho thấy tốc độ tăng giá đã chậm lại. Song, mức tăng này cũng là khá cao so với thông lệ hằng năm. Những năm bình thường, CPI của tháng 3 thường giảm hoặc tăng không đáng kể do là tháng sau Tết. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay do vẫn còn trong thời gian lễ hội sau Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ vui chơi giải trí sau Tết cũng tiếp tục tăng nên giá cả tăng theo. Ngoài lý do nêu trên, thì CPI tháng 3 tăng còn do tác động của việc tăng giá xăng, dầu, giá điện và điều chỉnh tỷ giá USD khiến một số nguyên liệu đầu vào tăng giá. Về CPI quý I, nếu so với những năm trước thì mức tăng 4,12% của CPI ba tháng đầu năm nay là cao. Ba tháng đầu năm 2006, CPI chỉ tăng 2,81%, ba tháng đầu năm 2007, con số này là 3,02%, còn năm 2008 và 2009 là hai năm đột biến nên không thể so sánh.
Cùng chung quan điểm này, theo TS Vũ Ðình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Học viện Tài chính), nếu theo quy luật thì CPI tháng 3 có thể giảm hoặc chỉ tăng ở mức 0,5%. Song thực tế, CPI đã tăng tới 0,75%. Nếu tính từ năm 2000 trở lại đây (ngoại trừ năm 2008) thì CPI của tháng 3 năm nay đã ở mức xấp xỉ với tháng 3-2004 (0,8%), trong khi đó, cả năm 2004 CPI tăng tới 9,5%. Tuy nhiên, CPI tháng 3 này tăng không phản ánh chính xác quy luật thị trường bởi CPI tăng do tác động của nhiều yếu tố chủ quan như việc điều chỉnh tỷ giá USD từ ngày 10-2, tăng giá xăng, dầu từ ngày 21-2 và tăng giá điện từ ngày 1-3... Hàng loạt chính sách này đã khiến diễn biến của CPI tháng 3 vượt khỏi quy luật bình thường. Do vậy, khó có thể dựa vào CPI tháng 3 và CPI quý I năm nay để có thể dự báo cho cả năm 2010. Phó Vụ trưởng Nguyễn Ðức Thắng cho rằng, trong tháng 4 tới, có thể thấy nhóm lương thực có xu hướng giảm giá, nhóm thực phẩm ổn định hơn vì tháng Tết đã tăng giá rất cao và hy vọng sẽ giảm giá vì tiêu dùng ổn định do hết lễ hội. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều yếu tố làm tăng giá chưa lường hết được. Chẳng hạn việc tăng giá điện và xăng tác động lớn đến đời sống và sản xuất, nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì khả năng tháng sau, giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa thể giảm ngay mà vẫn đứng ở mức cao.
Mặc dù đều cho rằng CPI của tháng 3 năm nay rất khác so với mọi năm nhưng nhiều chuyên gia đều nhận định, mức tăng CPI 0,75% của tháng 3 và 4,12% của quý I là dấu hiệu cảnh báo việc thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát cả năm nay dưới mức 7% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra là khó khăn. Vì vậy, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có kiềm chế lạm phát vẫn phải được đặt lên hàng đầu. TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh này, cần theo dõi sát diễn biến thị trường, tập trung thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, nhất là sử dụng đồng bộ các công cụ điều tiết thị trường.
(Theo Thu Hà // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com