Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa đồng ý Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
![]() |
Công tác xã hội sẽ phát triển thành một nghề của người lao động - Ảnh minh họa |
Hội nghị này dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 - 10/9/2010.
Trước đó, Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 đã được Thủ tướng chính thức phê duyệt vào tháng 3/2010 và có hiệu lực triển khai từ 10/5/2010.
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển công tác xã hội thành một nghề ở Việt Nam với tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 2.347 tỷ đồng.
Đề án được chia thành 2 giai đoạn: 2010-2015 và 2016-2020. Trong giai đoạn 2010-2015, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.
Giai đoạn 2016-2020, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên công tác xã hội theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và theo nhóm đối tượng. Phát triển đội ngũ cán bộ viên chức ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo kế hoạch, từ năm 2010-2020, sẽ tiến hành tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 60.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội. Cụ thể, đào tạo, đào tạo lại cho 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học (bình quân 3.500 người/năm); tập huấn kỹ năng cho 25.000 cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội (bình quân 2.500 người/năm).
Hiện có khoảng 20.000 người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Tuy nhiên, đa số (chiếm hơn 81%) là chưa qua đào tạo hoặc đào tạo trái ngành, chưa được học những kỹ năng khoa học cần thiết về công tác xã hội.
Năm 2009, mới có khoảng 1.500 sinh viên tốt nghiệp cử nhân công tác xã hội trên cả nước, đây được xem là lực lượng đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong quá trình phát triển, hội nhập kinh tế, thường nảy sinh những thách thức, sức ép lên cộng đồng, gia đình và cá nhân, đòi hỏi các dịch vụ bảo trợ xã hội và phúc lợi ngày càng chuyên nghiệp hơn để hỗ trợ và can thiệp kịp thời cho những đối tượng có hoàn cảnh bất hạnh, yếu thế trong cuộc sống hiện tại. Chính bởi vậy đã đến lúc công tác xã hội trở thành một nghề được thừa nhận về tầm quan trọng và ảnh hưởng đối với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Ngành công tác xã hội hiện là ngành mới đào tạo ở Việt Nam. Hiện có khoảng 23 trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội với số lượng sinh viên ra trường là hơn 1.000 người mỗi năm. Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc tại các cơ quan của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương, hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các loại đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội… Họ cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội. |
(Theo Gia Vi // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com