Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hiện nay cả nước có hơn 8.500 chợ truyền thống, 615 siêu thị, khoảng 102 trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện ích, nhưng kinh doanh chợ truyền thống vẫn chiếm trên 80% thị phần phân phối, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm chưa đầy 20% thị phần này. Định hướng phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2011-2020 của Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 40% thị phần phân phối.
Bên lề Hội nghị Tham tán Thương mại với chủ đề: "Phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2011-2020," Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên về một số chỉ tiêu mà ngành công thương đặt ra trong giai đoạn này.
- Thưa Thứ trưởng, xin bà cho biết chi tiết về nội dung phát triển thị trường trong nước mà Bộ Công Thương đang xây dựng trong giai đoạn từ 2012-2020.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Quan điểm phát triển thị trường trong nước từ 2011-2020 sẽ bám sát các tiêu chí sau: đầu tiên là tập trung phát triển hệ thống phân phối sâu rộng lên khắp các tỉnh thành trong cả nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiếp đến là tạo mối liên kết để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn cho hệ thống phân phối. Đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng thương mại để thúc đẩy thị trường trong nước và cuối cùng là mở cửa thị trường bán lẻ theo lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO.
- Vậy những chỉ tiêu cụ thể nào được đặt ra trong giai đoạn này thưa Thứ trưởng?Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Dự kiến tăng trưởng về thị trường khoảng 10% năm (không kể các yếu tố về giá).
Tiếp đến là tỷ trọng về lưu chuyển hành hóa trong nước chiếm 20% GDP và tăng dần hạ tầng thương mại cũng như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường, đặc biệt là hệ thống phân phối hiện đại.
Một yếu tố quan trọng mà ngành công thương phải làm tốt đó là tăng cường công tác dự báo về thị trường để có điều tiết và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Có thể thấy, sự thành công của thị trường nội địa trong năm 2011 được thể hiện rất rõ như: mức luân chuyển hàng hóa của cả nước dự kiến đạt 1.994 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng 29,3% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng trưởng từ 7% đến 8%).
Chúng ta biết trong thời kỳ khủng hoảng
kinh tế thế giới với nhiều bất ổn về thị trường nhưng tốc độ luân chuyển hàng hóa bán lẻ ở mức như vậy là tương đối cao và thị trường cũng đạt được nhiều tiến bộ.
Đặc biệt, vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để tạo thành chuỗi đang là điểm mới và là điểm sáng của thị trường trong nước.
Trước kia, doanh nghiệp nào chỉ biết doanh nghiệp đó, nhưng nay đã hình thành các chuỗi và tạo ra mối liên kết với nhau để tạo ra sự cung ứng hàng hóa và lưu thông để tiết kiệm chi phí và tạo ra sức mạnh tổng thể.
Sự liên kết của các địa phương hiện nay cũng ngày càng sâu rộng hơn và từ ký kết đến thực hiện cũng gần nhau hơn.
Đơn cử vừa rồi đã có sự ký kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam bộ để tạo thành chuỗi, còn hàng Việt tại các chợ truyền thống hiện cũng đang là kênh được triển khai rất rộng.