Khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy, bị quá tải nên bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang. Ảnh: Thanh Hương. |
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur, từ đầu năm 2011 đến ngày 15-11, cả nước ghi nhận 87.434 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 địa phương; trong đó đã có 147 trường hợp tử vong tại 28 tỉnh, thành phố.
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh tay, chân, miệng vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh rằng truyền thông thay đổi hành vi trong việc phòng chống dịch bệnh là rất quan trọng. Bà cho biết “sẽ tập trung vào biện pháp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tại tổ dân phố, cầm tay chỉ việc cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ...”.
Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG, ông Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách mảng dự phòng, cố vấn Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM, lại nói: “Tôi dự đoán dịch tay, chân, miệng sẽ còn “lình xình” lâu. Với năng lực hiện nay, chỉ có thể kiểm soát dịch đến như thế chứ không thể đòi hỏi giảm nhanh ngay được. Thay đổi hành vi là chuyện không đơn giản”.
Vì sao như vậy? Và truyền thông y tế đã làm được gì để hỗ trợ việc thay đổi hành vi?
Truyền thông y tế: còn xa mới bằng quảng cáo dược
Thử xem xét trường hợp truyền thông tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung (CTC), bệnh do tác nhân chính là Human Papilloma Virus (HPV) gây ra. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do ung thư CTC cao nhất thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 6.224 ca phát hiện mắc ung thư, trong đó 3.300 ca tử vong. Trong khi đó, ung thư CTC là một bệnh có thể phòng ngừa và khả năng chữa khỏi rất cao nếu được phát hiện sớm.
Năm 1999, Dự án phòng chống ung thư CTC Việt - Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy một chương trình tầm soát Pap (còn gọi là xét nghiệm phết tế bào CTC) ở Việt Nam là không đắt tiền, khả thi và rất hiệu quả về chi phí. Nghiên cứu đã khuyến nghị Việt Nam phát triển chương trình tầm soát này trên toàn quốc trong 10 năm, với đầu ra là mọi phụ nữ trong đối tượng tầm soát được xét nghiệm Pap năm năm một lần. Nghiên cứu còn khuyến nghị tổ chức các đợt tầm soát tiếp cận người dân, và rất chú trọng truyền thông thay đổi hành vi trực tiếp thông qua nhân viên y tế cộng đồng.
Thế nhưng, ngay trong chương trình khám phụ khoa ngoài bệnh viện của y tế dự phòng được thực hiện một năm hai lần với kinh phí quốc gia cũng không thu hút nhiều người do chưa truyền thông tốt. Kết quả một điều tra vào năm 2007 về sức khỏe sinh sản ở Cà Mau trên tổng số 5.396 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cho thấy gần một nửa số người được phỏng vấn không biết khái niệm các bệnh lây qua đường tình dục (STDs) và chỉ một phần có nhận được một số thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì vậy số phụ nữ có hiểu biết và khám, phòng bệnh ung thư CTC càng rất ít. Phần lớn các ca bệnh chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối, thông qua cơ hội khám các bệnh khác.
Trong khi tình hình tầm soát ung thư CTC vẫn chưa có gì tiến triển, năm 2008, các chiến dịch quảng cáo vaccin ngừa ung thư CTC được các công ty dược phẩm tung ra rầm rộ gây nhiều tranh cãi. Về hiệu quả phòng bệnh, vaccin chỉ phù hợp với những lứa tuổi nhất định, đồng thời chỉ ngừa được 3-4 chủng HPV phổ biến trong số hàng trăm chủng virus gây ung thư CTC. Quan trọng hơn, với mức chi phí vaccin khoảng 1,7 triệu đồng/người, người nghèo khó lòng chi trả nổi.
Đã có những nghiên cứu của giới y khoa khuyến nghị và chứng minh một cách khoa học tính phù hợp và hiệu quả chi phí của một chiến lược tầm soát từ cách đây 12 năm. Vậy nhưng đến nay các hoạt động tầm soát và truyền thông hỗ trợ tầm soát ung thư CTC dường như vẫn bị bỏ ngỏ so với quảng cáo vaccin của các công ty dược.
Lơ là y tế dự phòng
Với một số bệnh liên quan đến công tác y tế dự phòng như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy... từ hơn 20 năm qua, các tổ chức phi chính phủ đã tài trợ khá nhiều cho công tác truyền thông cộng đồng nhưng tính bền vững không cao. Năm 2007 và 2009, khi xảy ra dịch tiêu chảy cấp tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo khẩn cấp phòng chống dịch và đẩy mạnh truyền thông, nhưng dịch vẫn hoành hành suốt nhiều tháng và lan ra các tỉnh, thành phía Bắc. Dịch bệnh tay, chân, miệng hiện nay cũng không nằm ngoài tình trạng này.
Theo báo cáo đánh giá thực trạng của các đối tác trong hoạt động truyền thông vì trẻ em năm 2009 của Unicef (thực hiện ở cấp trung ương và bốn tỉnh), các cơ quan truyền thông liên quan y tế - hay còn gọi là giáo dục sức khỏe - từ trung ương đến địa phương khá đông đảo. Tuy vậy, chưa có đơn vị đảm nhận vai trò là bộ phận thường trực điều hành chung. Ở hầu hết các cấp, nhân lực trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động truyền thông y tế không nhiều, thiếu ổn định và phần lớn là kiêm nhiệm. Các hoạt động truyền thông y tế manh mún, chủ yếu làm theo phong trào; năng lực lập kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe cũng còn rất hạn chế.
Tương tự, tài liệu đánh giá năm 2008 về hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện (thực hiện tại tám tỉnh) của dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế thực hiện cũng kết luận hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện còn rất yếu kém. Kết quả đánh giá cho thấy chưa có cơ chế rõ ràng cho y tế dự phòng tuyến huyện hoạt động chủ động. Cơ sở vật chất hầu hết xuống cấp và chưa đủ diện tích theo tiêu chuẩn y tế dự phòng, thiếu trang thiếu bị, nhân lực thiếu và yếu, nguồn kinh phí quá eo hẹp, đặc biệt công tác giám sát dịch ở cộng đồng còn rất sơ sài...
Trong khi đó, các bệnh viện, trung tâm y tế ở các thành phố phần lớn chỉ tập trung vào chuyên môn y tế lâm sàng, phần truyền thông y tế không được chú trọng, ngoại trừ một số dự án được quốc tế tài trợ. Ví dụ, kể cả khi người dân đã đến chích ngừa viêm gan siêu vi B, nếu xét nghiệm dương tính thì cũng chỉ được cho biết như vậy. Không có các kênh tư vấn, hướng dẫn tại chỗ về việc điều trị nhiễm siêu vi B và tầm soát ung thư gan. Trách sao số người mắc bệnh và tử vong do ung thư gan tăng chóng mặt trong những năm qua.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com