Ngày 14.1, theo chuyên gia về giá Bộ Tài chính thì thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước. Cụ thể, các DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ nặng.
Trước khó khăn này, Bộ Tài chính giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng xuống còn 0% và tiếp tục cho xả quỹ để bình ổn giá xăng dầu.
Căng thẳng về giá
Ngày 14.1, trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, các DN này như đang “ngồi trên lửa” vì giá thị trường vẫn đang trong xu thế tăng cao. Cụ thể, giá bán tại thị trường Singapore ngày 13.1, xăng A92 có mức giá lên tới 105,65USD/thùng, diesel 0,05S đạt ngưỡng 110,41USD/thùng, diesel 0,25S giá 109,96USD/thùng, dầu hỏa có giá 110,71USD/thùng và madút có giá tới 537,44USD/tấn. Đây là mức giá quá cao khiến các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước lỗ nặng. Đại diện các DN cho rằng đây thực sự là sức ép lớn lên thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương kiềm chế tăng giá bán lẻ xăng dầu ít nhất đến hết Tết Nguyên đán. Việc kiềm chế giá này tạo thuận lợi cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác, nhưng lại tác động mạnh đến các DN đang phải căng sức để kiềm chế giá.
Theo bảng tính giá cơ sở của Petrolimex thì hiện nay theo tỉ giá quy định, giá CIF các mặt hàng xăng về đến cảng VN đã là 12.838đ/lít, diesel 0,05S là 13.264đ/lít và dầu hỏa là 13.334đ/lít. Sau đó, các mặt hàng này phải tính áp các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí xăng dầu gồm 1.000đ/lít xăng, 500đ/lít diesel và 300đ/lít dầu hỏa, cùng các chi phí gồm định mức kinh doanh 600đ/lít xăng, dầu; định mức lợi nhuận 300đ/lít xăng dầu; trích quỹ bình ổn giá 300đ/lít xăng dầu. Với cơ cấu hình thành giá này, giá thành của xăng A92 đã lên tới 18.939đ/lít, diesel 0,05S là 16.797đ/lít và dầu hỏa là 17.281đ/lít. Trong khi đó, giá bán hiện hành của xăng A92 chỉ là 16.400đ/lít - tức là DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đã lỗ tới hơn 2.500đ/lít. Tương tự, giá bán của diesel là 14.750đ/lít - DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lỗ tới hơn 2.000đ/lít và dầu hỏa có giá bán là 15.100đ/lít - DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lỗ hơn 2.100đ/lít.
Điều đáng nói là theo nhận định của các chuyên gia, năm nay mùa đông tại Châu Âu khắc nghiệt hơn nên nhu cầu sử dụng nguồn nhiên liệu này cũng tăng mạnh. Trong khi đó tại Mỹ, lượng dầu dự trữ cũng giảm mạnh khoảng 2,2 triệu thùng. Tại thị trường trong nước, dịp gần tết cũng là lúc nhu cầu vận tải cũng như sản xuất tăng mạnh nên tác động lớn đến lượng xăng dầu tiêu thụ. Với những yếu tố này, việc các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối gặp khó khăn là khó tránh khỏi, trong khi vẫn đòi hỏi yêu cầu dự trữ an ninh năng lượng và đảm bảo cung cấp cho thị trường.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ngày 14.1, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã vào cuộc để gỡ khó cho DN kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 07/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế NK ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. Cụ thể từ ngày 14.1, mức thuế suất thuế NK xăng dầu sẽ được điều chỉnh. Đối với mặt hàng xăng, mức thuế giảm từ 6% xuống còn 0%; đối với mặt hàng dầu hoả, mức thuế giảm từ 6% xuống còn 2%; đối với mặt hàng dầu diesel, mức thuế giảm từ 2% xuống còn 0%; dầu madút giảm từ 5% xuống còn 2%.
Song song với động thái này, Bộ Tài chính cũng có văn bản tiếp tục yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán. Đồng thời, DN được sử dụng thêm quỹ bình ổn để bù phần chênh lệch do giá xăng, dầu thế giới tăng cao. Cụ thể là từ ngày 15.1, các nhà NK, kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng thêm 600đ/lít (từ 1.000đ lên 1.600đ/lít) từ quỹ bình ổn giá để bù đắp chi phí đối với mặt hàng dầu diesel. Còn các mặt hàng khác như xăng, dầu hỏa và dầu madút, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi để có công cụ hỗ trợ khi giá thế giới tăng mạnh. Theo Bộ Tài chính, với mức chi như hiện tại, quỹ bình ổn có thể sử dụng sang tháng 3.2011. Ngoài ra, quỹ bình ổn vẫn được bổ sung hằng ngày do sự đóng góp của chính NTD với 300đ/lít xăng, dầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối thì hiện nay, do mức giá xăng dầu trong nước đang thấp, trong khi tại thị trường Lào và Campuchia lại có mức giá cao hơn. Chính vì thế, rất nhiều cá nhân đã mang lậu xăng dầu sang bên kia biên giới để kiếm lời. Đây thực sự là hành vi không thể chấp nhận được, không chỉ gây phương hại đến các DN kinh doanh xăng dầu đang phải bù lỗ cao, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường cũng như nguồn hàng xăng dầu. Các DN đề nghị lực lượng chức năng cần kiểm soát gắt gao, không để xăng dầu chảy sang bên kia biên giới. Đồng thời, các DN cũng khuyến cáo người dân cần thực sự có ý thức tiết kiệm, tạo điều kiện hỗ trợ DN trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, nguồn cung hàng hóa và bình ổn giá của mặt hàng xăng dầu.
(Báo lao động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com