Ông Đỗ Thức: “Cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra, không còn có một giải thích nào khác cả” - Ảnh: Anh Quân. |
“Cần phải nói thêm với các nhà báo, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát là mất cân đối tiền - hàng và tiền mà nhiều hơn hàng thì không thể không có lạm phát được”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức giải thích.
Dẫn số liệu thống kê của nhiều năm gần đây, ông Thức lập luận, tổng phương tiện thanh toán tăng cao hơn tốc độ tăng GDP từ năm 2007 đến nay. “Nếu chiều hướng ấy không được khắc phục thì chắc chắn việc giá cả gia tăng còn là thách thức”, ông khẳng định.
VnEconomy chuyển tới độc giả những nội dung chính của buổi họp báo này.
Cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong một số lần giải trình gần đây cho rằng lạm phát cao không phải nguyên nhân tiền tệ. Lập luận của Tổng cục Thống kê về vấn đề này như thế nào?
Ông Đỗ Thức: Rõ ràng, trong nền kinh tế nào thì tiền và hàng cũng luôn luôn song hàng với nhau, và cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra, không còn có một giải thích nào khác cả.
Tôi không nói Thống đốc hay chính sách sai. Về kinh tế, tôi đề nghị nên hiểu rõ căn nguyên. Còn sâu xa hơn nữa, chúng ta cũng hiểu là khi nền kinh tế cứ ổn định, phát triển tốt, vững chắc thì không có hiện tượng tiền nhiều hơn hàng.
Chúng tôi chỉ biết trên cơ sở số liệu mà đánh giá. Còn bảo chính sách tiền tệ đúng hay sai thì Tổng cục Thống kê không thể nói được điều ấy.
Cứ tăng tổng phương tiện thanh toán lên thì là một yếu tố tiềm ẩn, tích lũy qua nhiều năm và đến lúc nào đó tiền lớn hơn hẳn hàng thì năm ấy sẽ là năm mà biểu lộ ra lạm phát. Nó rất đúng theo quy luật.
Thế còn thông qua tài liệu đã công bố, tín dụng năm nay tăng 27% - 28%. Rõ ràng tăng dư nợ tín dụng là tốt để đảm bảo phát triển nền kinh tế, nhưng có thể Thống đốc nói là so sánh năm nay với năm trước, còn mức độ tích lũy của nó thì Thống đốc không nói.
Tôi cho rằng để hiểu nền kinh tế thì phải hiểu cả quá trình của nó. Và đây cũng là một trong những cái chúng ta phải chú ý trong năm 2011. Nếu không chú ý một cách đầy đủ vấn đề này thì là thách thức rất lớn trong kiềm chế lạm phát. Và để đạt con số lạm phát 7% như Quốc hội đặt ra phải làm cực kỳ quyết liệt.
Chúng ta cũng hình dung có những năm chỉ số giá tăng cao, sau đấy từ mặt bằng đã cao rồi thì năm tiếp theo có thể đứng nhưng với điều kiện cân đối tiền và hàng. Chứ còn nếu chúng ta không đạt được cân đối này thì nguy cơ lạm phát là còn.
Vậy còn những nguyên nhân nào khác không?
Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Vừa qua, báo chí đề cập rất nhiều nguyên nhân của làm phát, có người nói do tiền tệ, có người cho là đầu tư không hiệu quả nhưng chưa thấy ngành nào nhận trách nhiệm. Qua số liệu, chúng tôi tính toán trong lạm phát, nếu lấy con số tháng 12 so tháng 12 là tăng 11,75% thì yếu tố tiền tệ đóng góp vào lạm phát khoảng 4,65%, còn lại là các yếu tố khác 7,1%. Còn nếu mà tính bình quân thì đóng góp khoảng 50%, tức là tiền tệ và các yếu tốt khác là đóng vai trò 50/50.
Tất nhiên tôi rất đồng cảm với cách điều hành nền kinh tế thời gian vừa qua. Đối với nền kinh tế của chúng ta, ngoại tệ đổ vào rất nhiều, thu hút FDI rất là lớn. Cái nữa là tỷ giá ngân hàng phải hỗ trợ xuất khẩu, không tăng nhiều, cho nên là đạt được kết quả như vậy theo tôi là khả quan. Tôi đánh giá cao điều hành, tất nhiên là còn một số hạn chế.
Còn liên quan giữa đầu tư dẫn đến lạm phát. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tổng đầu tư toàn xã hội năm 2010, khu vực nhà nước chỉ có 38,1%, còn lại là của khu vực đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước.
Thế thì khu vực đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước là đầu tư hiệu quả, còn nhà nước thì chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình trọng điểm, nó sẽ có phát huy tác dụng. Nên, cho là đầu tư dẫn tới lạm phát là không thỏa đáng.
Lạm phát ảnh hưởng đến đời sống người dân, thể hiện trên con số thống kê về tiết kiệm của nền kinh tế như thế nào? Nhân đây cũng đề nghị cho biết chênh lệch tiết kiệm và đầu tư dẫn đến hệ quả gì?
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia: Trong một số năm gần đây, nền kinh tế tiếp tục tăng trường, nhưng do cơ cấu tiêu dùng cuối cùng tăng nhanh nên tiết kiệm trong một số năm giảm. Ví dụ, năm 2006 tiết kiệm khoảng 36,3% GDP thì năm 2009 còn 29,2% và 2010 thì còn 28,5% GDP. Trong khi đó, vốn đầu tư của chúng ta vẫn chiếm 41-42% GDP.
Cho nên, để có đầu tư trong bối cảnh tiết kiệm giảm nên phải đi vay, trong đó chủ yếu là vay nước ngoài (năm 2006, tỷ lệ vốn đầu tư phải đi vay từ nước ngoài hơn 15% nhưng đến 2009 thì khoảng 40% GDP - PV).
Sau này, chúng ta phải xem xét hiệu quả đầu tư và vốn đi vay, làm sao đảm bảo sản xuất có lãi và hiệu quả.
Tổng cục Thống kê nhìn nhận thế nào về những nguyên nhân sẽ tiếp tục tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong năm tới và khả năng đạt mục tiêu kiềm chế CPI 7% trong năm 2011?
Bà Trần Thị Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Chúng tôi thấy rằng có nhưng nguyên nhân có thể tác động đến chỉ số này, cả từ bên ngoài cũng như nội tại.
Ví dụ bên ngoài thì đánh giá tăng trưởng các nước vẫn tiếp tục tăng, có tăng thấp hơn 2010 nhưng cho dù có nhẹ hơn chăng nữa, kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi, và khi đã phục hồi thì nhu cầu về sản xuất tăng lên, giá nguyên vật liệu trên thế giới có thể sẽ tăng và chúng ta trong tổng kim ngạch nhập khẩu có đến 60% nguyên vật liệu, nếu tính máy móc nữa thì tổng nhập cho sản xuất lên đến 90%, nên tác động là khó lường. Yếu tố nữa là tiềm ẩn dịch bệnh thiên tai cũng khó lường.
Còn về nội tại, rõ ràng trong điều kiện sản xuất của chúng ta hiện nay, có mất cân đối giữa tiền và hàng thì nó sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng, độ trễ một vài tháng trong đầu năm 2011, trực tiếp là mấy tháng sắp tới.
Và mặc dù chúng ta đã có chuẩn bị nguồn hàng thì trước nhu cầu tăng như vậy, giá cả vẫn có thể tăng những tháng đầu năm. Tuy nhiên, hy vọng với những chính sách và biện pháp quyết liệt hơn nữa thì các tháng tiếp theo sau Tết sẽ kiềm chế và có thể giảm, tốc độ tăng chậm, để chúng ta giữ được bình ổn và giữ được trong năm 2011 phấn đấu đạt 7%.
Tăng trưởng đang tạo đà
Đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,78% của năm nay trong tổng thể nền kinh tế thì ý nghĩa của con số này như thế nào?
Ông Hà Quang Tuyến: Năm 2010, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nhiều khó khăn và tăng thấp so với Việt Nam, trong nước gặp một số khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, giá cả tăng… thì tăng trưởng 6,78% của Việt Nam cho thấy sự phục hồi nhanh và khá cao của nền kinh tế.
Và có điều đặc biệt là tất cả các khu vực của nền kinh tế đều có tăng trưởng khá, một số khu vực đạt mức tăng trưởng ở mức cao của thời kỳ trước khủng hoảng.
Ông Đỗ Thức: Tốc độ 6,78% trong thời điểm hiện nay là đáng ghi nhân, cũng là mức để chúng ta khẳng định với thế giới, Việt Nam đã ra khỏi các nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, với mức thu nhập bình quân đầu người 1.168 USD/người.
Thứ hai, lớn hơn nữa là nó còn tạo đà cho năm sau. Tốc độ tăng GDP thường có xu hướng, nếu diễn biến kinh tế như vừa qua, hy vọng tăng trưởng GDP năm tới cũng ở tốc độ cao. Nếu theo xu hướng này, Tổng cục Thống kê chúng tôi cũng dự báo năm tới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%.
Đồng thời, tăng GDP thì tăng đời sống. Như Tổng cục Thống kê tính, năm nay tổng tiêu dùng cuối cùng của dân cư cũng tăng 9,4% so với năm 2009; tổng tích lũy cũng tăng lên 10,4%. Thì rõ ràng nó là kết quả của tăng GDP.
Trong kết quả tăng trưởng này, cơ cấu ngành và cơ cấu thành phần kinh tế dịch chuyển như thế nào?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước hết là nhìn vào cơ cấu kinh tế của chúng ta theo ba khu vực, hiện nay có những cái mới. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm dần. Thay vào khu vực nông nghiệp giảm thì khu vực công nghiệp - xây dựng đã tăng về tỷ trọng. Còn khu vực dịch vụ thì có giảm, nhưng mà giảm nhẹ.
Nhìn vào GDP theo phương pháp sử dụng - cơ cấu giữa tích lũy, tiêu dùng và xuất nhập khẩu - năm 2010 cho thấy để GDP tăng 6,78% thì vai trò tiêu dùng trong nước là quan trọng, bên cạnh đó là xuất nhập khẩu. Tích lũy năm nay cũng tăng hơn, điều này cho thấy đây là cơ sở để tạo tiền đề cho tăng trưởng năm sau.
Một điều nữa, hiện nay chúng ta nói nhiều về cơ cấu lại nền kinh tế nhưng cơ cấu lại như thế nào, giải pháp như thế nào thì cũng chưa thấy ở đâu đưa ra.
Cái nữa là hay nói đầu tư không hiệu quả nhưng nếu không đầu tư thì làm sao tăng trưởng được, tất nhiên là phải đầu tư hiệu quả, liên quan đến chất lượng tăng trưởng GDP. Nhưng tôi xin hỏi lại, nền kinh tế của chúng ta, nếu không đầu tư để mà tăng được GDP thì bức tranh của chúng ta có đạt được kết quả như những năm vừa qua hay không?
Thế thì phải đầu tư mà tăng hiệu quả, chứ không thể đánh đổi bằng giảm đầu tư được.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com