Thông tin sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đóng cửa để sửa chữa đã được loan đi trên báo chí từ cách đây 2 tháng. Tuy nhiên đến thời điểm này, câu hỏi chính xác là ngày nào đóng cửa, phải ứng phó với “sự cố” này ra sao, vẫn chưa được trả lời.
Một “khủng hoảng”
Đầu tháng 2.2011, thông tin phát đi từ Cụm cảng hàng không quốc tế Phú Bài cho biết, dự kiến sân bay Phú Bài sẽ đóng cửa đường băng trong 1 tháng (từ 5.5 – 5.6) để sửa chữa do mặt đường băng xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sáng 17.4, ông Đỗ Chí Thành - Giám đốc Cụm cảng hàng không quốc tế Phú Bài - lại cho biết: “Sân bay Phú Bài sẽ đóng cửa vào ngày 13.5, kéo dài khoảng 1 tháng. Nhưng cho đến thời điểm này, đó cũng chỉ là mốc dự kiến bởi Tổng cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản đề xuất việc này lên Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Thủ tướng”.
Sốt ruột nhất với chuyện này là các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Nguyễn Quốc Thành - Chủ tịch HĐQT Cty du lịch Hương Giang - bức xúc: “Một việc lớn như vậy, nhưng đến thời điểm này, những người làm du lịch như chúng tôi cũng chỉ biết được qua báo chí.
Đúng ra, Cụm cảng hàng không Phú Bài phải có thông báo chính thức cho các đơn vị lữ hành ít nhất trước 6 tháng để chúng tôi chuẩn bị ứng phó. Không chỉ riêng Hương Giang, mà tất cả các hãng lữ hành khác đều bị thiệt hại lớn do rất nhiều khách du lịch (đã đăng ký tour trước đó cả 6 tháng và 1 năm), các hội nghị định tổ chức ở Huế..., khi đọc tin trên báo đã huỷ tour đến Huế trong thời điểm này...”.
Ông Paul Stoll - Giám đốc điều hành khách sạn Celador - nói: “Việc đóng cửa sân bay thường được lên kế hoạch trước để ngành du lịch chủ động điều chỉnh các chương trình. Đồng thời, các nhà điều hành tour nước ngoài phải được thông báo để họ thông báo lại cho khách, để tránh những kiện tụng liên quan đến trách nhiệm về quyền lợi của người tiêu dùng. Việc này (đóng cửa sân bay) sẽ là một bước thụt lùi nữa trong việc phát triển điểm đến Huế mà trước đó đã phải chịu nhiều ngập lụt, các vấn đề liên quan đến bệnh tật và những đợt thời tiết giá lạnh...".
Ứng phó thế nào?
Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 17.4, ông Ngô Hoà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: “Thú thật là đến bây giờ, tôi vẫn chỉ “nghe nói” chứ chưa nhận được thông tin gì chính thức về vấn đề này; Tổng cục Hàng không Việt Nam cũng chưa có văn bản chính thức gửi cho UBND tỉnh, nên chưa có phương án ứng phó với những tác động chắc chắn sẽ rất lớn của việc đóng cửa sân bay. Có điều chắc chắn là sắp tới, UBND tỉnh sẽ họp bàn với các bên liên quan như ngành du lịch, hàng không và chính quyền UBND thành phố Đà Nẵng để cùng bàn phối hợp cách giải quyết”.
Theo ông Nguyễn Quốc Thành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn không nên chờ được cứu, mà hãy tự cứu lấy mình bằng cách phối hợp hoặc tự tổ chức phương tiện để đón khách đến Huế từ sân bay Đà Nẵng. Ông Paul Stoll đề xuất: Thời điểm đóng cửa sân bay, Tổng cục Hàng không Việt Nam không nên hoãn các chuyến bay đến Huế mà nên chuyển hướng qua sân bay Đà Nẵng. Sau đó, sử dụng xe buýt tiện nghi để cung cấp dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Những dịch vụ này nên miễn phí đối với những du khách có vé máy bay đến Huế và xem đây là một giá trị cộng hưởng vì khách có dịp chiêm ngưỡng đèo Hải Vân và cảnh đồng quê. Đặc biệt, chính quyền Thừa Thiên - Huế nên triệu tập những cuộc họp với giới truyền thông để thông báo về việc đóng cửa sân bay và cách xử lý tình hình của các cơ quan chức năng, sau đó báo cáo tình hình đã xử lý như một trường hợp điển hình trong phương cách giải quyết.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com