Với chủ đề “Phục hồi kinh tế Việt Nam”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2009- một hoạt động gắn với Hội nghị CG dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước do Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức đã diễn ra sáng nay (1/12) tại Hà Nội.
CôngThương - Các đồng Chủ tọa của Diễn đàn là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa và Giám đốc của IFC tại Việt Nam Simon Andrews.
Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế tại Việt Nam
Theo “Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2009” môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2009 tích cực hơn so với năm 2008. Ông Sinom Andrews- Giám đốc của IFC tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá cao công tác quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp cho biết, sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới. Theo ông Alain Cany- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham), các gói kích cầu của Chính phủ Việt Nam đã có tác dụng tốt, giúp kinh tế phục hồi, thể hiện trên hầu hết các ngành công nghiệp, tín dụng dễ tiếp cận, luân chuyển dễ dàng, chỉ số thị trường chứng khoán tăng gấp đôi… Tuy nhiên, ông Alain Cany nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy thay đổi cơ cấu kinh tế để tăng năng suất và phát huy tối đa các tiềm năng tăng trưởng còn tiềm ẩn, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, công bố lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ông Paul Fairhead- Chủ tịch Phòng thương mại Úc (Auscham) khẳng định, mặc dù còn nhiều vấn đề cần cải thiện về môi trường kinh doanh, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ châu Âu.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng khá tốt nhằm chống suy giảm kinh tế và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam cần tận dụng cơ hội khủng hoảng để cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế, khắc phục các điểm yếu và và tháo gỡ nút thắt nhanh chóng, nếu không sẽ làm mất tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp lần này, các hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Đại diện các hiệp hội đều cho rằng, cần đẩy mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Việt hợp tác chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và Nhà nước sẽ đảm bảo được sự phát triển của nền kinh tế. Theo ông Trần Anh Vương- Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chính phủ cần chính thức công nhận hình thức tập đoàn kinh tế tư nhân làm động lực giúp nền kinh tế có nhiều “đầu kéo” hiệu quả, để các doanh nghiệp trẻ có thể đem sức lực và tài năng công hiến cho đất nước.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho rằng, tính minh bạch, công tác quản lý, giải quyết các rào cản căn bản ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giải quyết tận gốc nạn tham nhũng và quan liêu là những vấn đề lớn Việt Nam cần quan tâm. Cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề được các hiệp hội doanh nghiệp cho là một nút thắt của nền kinh tế, cần phải tháo gỡ. Cải thiện được những vấn đề này sẽ giúp Việt Nam vượt lên khỏi một nền sản xuất dựa vào chi phí thấp để hướng tới một nền kinh tế phồn thịnh hơn. Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, thực hiện cải cách hành chính, nhất là thực hiện tốt Đề án 30 của Chính phủ sẽ giúp Việt Nam trở thành một địa điểm cuốn hút với các nhà đầu tư thế giới.
(Báo công thương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com