Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khai thác titan: Triệt để mà thân thiện môi trường

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Hội địa hóa Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) qua dự án “Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ thân thiện môi trường để khai thác titan trong cồn cát ven biển huyện Phù Mỹ - Bình Định”. 

Nhiều hệ lụy do “dễ làm, khó bỏ”

Điều dễ nhận thấy tại các công trường khai thác titan là địa hình sau khai thác bị thay đổi hoàn toàn. Đây là hệ quả của phương thức khai thác chủ yếu bằng cách đào hố sâu 5 - 7m (có nơi đến 12m) rồi dùng máy bơm hút nước lẫn cát chứa quặng từ đáy hố lên, đổ vào các cụm vít xoắn đặt trên mặt đất để tuyển và thu hồi quặng. Nước thải và cát sau tuyển đổ ra khu vực bên cạnh, gây xáo trộn địa hình và ô nhiễm môi trường.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận, chủ nhiệm dự án, cho rằng, những hệ lụy từ việc khai thác titan đều do doanh nghiệp chỉ chăm chăm tìm kiếm khoáng sản mà không quan tâm đến hậu quả môi trường. Để tìm cách giải quyết, nhóm nghiên cứu đã khảo sát các khu vực khai thác và xây dựng quy trình riêng.

Doanh nghiệp áp dụng quy trình này không cần đầu tư tiền mà chỉ cần sắp xếp, tính toán một cách khoa học cũng giải được cả bài toán kinh tế và môi trường.

Sử dụng nhiều bè một lúc với phương thức khai thác cuốn chiếu vừa tiết kiệm, vừa tận thu được tài nguyên. Ảnh: PN

Từ việc phân tích, đánh giá công nghệ tại những điểm khai thác quặng tại huyện Phù Mỹ, Bình Định và khảo sát dọc các tỉnh ven biển miền Trung, nhóm nghiên cứu kết luận rằng, để tránh gây thay đổi địa hình, thay vì đào mỗi nơi một hố để hút cát, chỉ cần đào một hố rộng, sâu. Như vậy, một hố lớn có thể chứa nhiều bè với nhiều vít tuyển và được khai thác tiến dần về phía trước. Bè tuyển được di chuyển tịnh tiến, đi đến đâu hết đến đó, phần cát thải được đẩy lùi lại phía sau để tự hoàn thổ mà không mất nhiều công sau khai thác.

Với việc bố trí liên hoàn nhiều bè nổi trong một hố, đơn vị khai thác có thể tận dụng hết quặng giữa các bè. Các chuyên gia cho rằng, cách làm này hạn chế tối đa tình trạng bốc hơi nước do đào quá nhiều hố và để trống sau khai thác.

Tuy nhiên, để làm được điều này, GS Thuận cho rằng, doanh nghiệp phải dựa trên số liệu địa chất trước đó để biết rõ trữ lượng khoáng sản có thể khai thác để tính toán diện tích hố đào và trữ lượng quặng, tránh thất thu tài nguyên.

Cần biện pháp mạnh tay

Không chỉ đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu còn xây dựng quy trình công nghệ riêng, trong đó có vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. GS Thuận cho rằng: “Cần lắm sự can thiệp mạnh tay của các cơ quan quản lý vì xây dựng quy trình là một chuyện, còn việc thực hiện lại là chuyện khác”.

Trong vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch tổng thể phát triển dài hạn cồn cát ven biển. Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với UBND huyện, xã có sa khoáng; quy hoạch sử dụng đất dải cồn cát ven biển, trong đó qui định rõ diện tích đất dùng cho đất rừng phòng hộ, khai thác khoáng sản và các mục đích khác; kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản của các công ty, xí nghiệp khai thác quặng trên địa bàn trong việc chấp hành luật pháp và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Quy trình được thử nghiệm tại điểm khai thác titan thuộc huyện Phù Mỹ tỏ ra hiệu quả. Các đơn vị khai thác không tốn nhiều nhân công vận chuyển bè, nhất là việc cát sau tuyển được sử dụng để tự hoàn thổ.

Nhóm nghiên cứu đang tiến hành các thủ tục nghiệm thu dự án. GS Thuận cho biết, dự án được thực hiện trong hai năm với nguồn tài trợ 50.000 USD của Chương trình phát triển Liên hợp quốc. “Tôi mong muốn với quy trình này, các điểm khai thác titan trên cả nước sẽ giải quyết được bài toán xung đột giữa kinh tế và môi trường trước đó, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nhà nước”, GS Thuận nói.

Quy trình công nghệ khai thác titan thân thiện môi trường

1. Quy hoạch tổng thể khu vực có quặng titan, cấp phép theo luật
2. Tiến hành thăm dò trên diện tích được cấp phép
3. Thiết kế khai thác (xác định hàm lượng biên, độ sâu, số lượng bè, chọn vị trí, hướng khai thác…)
4. Mở hố khai thác
5. Tiến hành khai thác bằng phương thức tịnh tiến bè nổi theo lối cuốn chiếu
6. Tổ chức tuyển quặng, tuyển thô, tuyển tinh
7. Hoàn thổ kịp thời kết hợp trong quá trình khai thác, trả lại dạng địa hình vốn có của cồn cát
8. Trồng lại rừng phi lao, kết hợp với trồng cây công nghiệp
9. Chia sẻ lợi ích với cộng đồng (hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, người nghèo, đoàn thể xã hội…)
10. Làm tròn nghĩa vụ doanh nghiệp đối với nhà nước (nộp thuế, phí môi trường...)

(Theo Báo đất việt)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi