Xoay quanh chủ đề Phục hồi nền kinh tế Việt Nam, gần 1.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2009 chỉ rõ, tham nhũng là một trong năm nút thắt lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Tham nhũng: Mối lo ngại hàng đầu
Ông Simon Andrews - Chủ tịch khu vực, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, kết quả điều tra từ 291 doanh nghiệp về cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam 2009 cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2009 tích cực hơn 2008.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn năm nút thắt lớn ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp. Đó là: cơ sở hạ tầng; tham nhũng; yếu kém trong thực thi luật, năng lực cán bộ, quy trình thực hiện; thủ tục hành chính; nguồn nhân lực.
Theo ông Simon, trong khi doanh nghiệp trong nước cho biết vẫn bị ảnh hưởng bởi tệ quan liêu, giấy tờ, nhũng nhiễu và việc diễn giải pháp luật theo ý chủ quan của công chức nhà nước thì doanh nghiệp nước ngoài cho rằng tham nhũng là thách thức lớn nhất.
Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) - ông Thomas Siebert khẳng định, tham nhũng là thách thức lớn của Việt Nam và là mối lo ngại hàng đầu của 70% doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Theo vị này, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã phát động phong trào chống tham nhũng từ năm 2004 nhưng trong suốt 5 năm qua hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.
Theo ông Thomas Siebert, các hệ thống kiểm soát hiện nay của Việt Nam chưa đủ để ngăn chặn các quan chức tham nhũng, biển thủ các khoản tiền dành cho công trình công cộng, đặc biệt là công trình hạ tầng.
Thực tế, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cho vay số lượng lớn để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn vốn vay đã bị hạn chế bởi tính thiếu hiệu quả và tham nhũng.
Kêu thủ tục hải quan
Còn theo ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham), những vấn đề về hải quan trong thời gian gần đây đã gây phiền hà cho nhiều doanh nghiệp Châu Âu.
Cụ thể như: thời gian thông quan kéo dài; chưa có sự đối xử bình đẳng với mọi hàng hóa; hàng hoá bị hư hại trong quá trình làm thủ tục hải quan...
“Ngành bán lẻ cũng vậy. Mặc dù đã mở cửa để các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tham gia kể từ 1-1-2009, nhưng việc thiết lập các Cty 100% vốn nước ngoài trong ngành dịch vụ vẫn chịu các rào cản hành chính và thủ tục rườm rà” - ông Alain Cany nói.
Ông Alexandre Legendre - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Canada (Cancham) khuyến nghị, để chống tham nhũng, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập một lực lượng chống tham nhũng tương tự như Ủy ban tư vấn cải cách thủ tục hành chính (ACAPR) để thúc đẩy việc thực hiện và tăng cường thực thi pháp luật trong mọi lĩnh vực.
Trước ý kiến của các đại biểu tham dự diễn đàn, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhất là tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tham nhũng nhằm hoàn thiện và hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Khi nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới, đa số các doanh nghiệp (61,87%) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn; 32,73% doanh nghiệp cho biết nền kinh tế Việt Nam sẽ không thay đổi; 5,4% doanh nghiệp nhìn nhận bi quan, cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể tồi tệ hơn.
(Báo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com