Vấn đề này đã được các chuyên gia đưa ra phân tích, mổ xẻ tại Hội thảo “Thị trường kinh doanh xăng dầu: Những vấn đề quản lý nhà nước và kinh doanh xăng dầu hiện nay” do Viện Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 21/9 tại Hà Nội.
Nghịch lý... bù lỗ Mặc dù nhà nước đã trao quyền cho doanh nghiệp xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng thời gian qua các doanh nghiệp đầu mối vẫn bức xúc bởi việc điều chỉnh giá vẫn phải xin phép các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Vương Đình Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội cho rằng, với chính sách giá và thuế hiện nay của nhà nước thì quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa có. Doanh nghiệp vẫn phải đăng ký giá với liên bộ và chờ đợi sự chấp thuận mới được điều chỉnh. Trong khi đó, thuế nhà nước điều chỉnh lại luôn bất ngờ khiến doanh nghiệp mất đi yếu tố cạnh tranh, dẫn đến khó giảm giá thành.
"Thuế không ổn định, nếu 1 tàu chở dầu có giá 20 triệu USD mà thuế nhập khẩu doanh nghiệp không biết trước thì nhập về chậm 1 ngày sẽ bị đội giá thành lên rất cao và doanh nghiệp không thể hạ giá thành để cạnh tranh được," ông Dung nói.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Dung, chính việc phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích giữa nhà nước-doanh nghiệp và người tiêu dùng đã dẫn đến tình trạng lộn xộn trong điều hành giá xăng dầu như thời gian qua.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nêu ý kiến, do ngân sách không đảm bảo cho việc bình ổn giá nên đã dẫn đến hiện tượng đột biến về giá như thời gian qua. Mặt khác, chính sách thuế và phí chưa linh hoạt nên đã nảy sinh việc "bù lỗ" của nhà nước.
"Nghịch lý là thời điểm giá lên đỉnh tới mức 147 USD/thùng và giảm xuống 47 USD/thùng lại là giai đoạn nhà nước phải bù lỗ nhiều nhất bởi chính sách thuế và phí kém linh hoạt," ông Bảo nhận định.
Sẽ không tiếp tục bù lỗ cho doanh nghiệp
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cần xem xét việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đã theo cơ chế thị trường chưa.
"Ngoại trừ các nước sản xuất xăng dầu sẽ có mức giá giảm xuống, còn giá xăng dầu các nước chỉ khác nhau ở khoản thu từ thuế xăng dầu để nộp vào ngân sách nhà nước," Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhận định.
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, để giải quyết bài toán xăng dầu hiện nay cần phải giải quyết được bài toán về lợi ích giữa nhà nước-doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Nếu giá xăng dầu tăng thì nhà nước và doanh nghiệp được lợi, còn giá giảm chỉ có người tiêu dùng được lợi, nên cần tách quyền lợi của nhà nước ra khỏi quyền lợi của doanh nghiệp," ông Ánh nói.
Theo các chuyên gia, để lành mạnh thị trường kinh doanh xăng dầu thì việc giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong một khung giá và biên độ cho phép là cần thiết đồng thời việc qui định thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giữa các lần cũng để doanh nghiệp quyết định.
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Trưởng ban Xuất nhập khẩu 2, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh giá lên hoặc xuống phải gần hơn nữa so với diễn biến của giá dầu thế giới và khu vực. Việc điều chỉnh xăng dầu cần có khoảng thời gian nhất định, tối thiểu là 20 ngày để doanh nghiệp hoạch toán các chi phí.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nhà nước cần tổ chức bộ máy quản lý kinh doanh xăng dầu cho gọn nhẹ, đúng yêu cầu nhằm tránh việc lúng túng trong việc xử lý giá như thời gian vừa qua cũng như giám sát chặt chẽ việc tiêu dùng xăng dầu tiết kiệm, tránh lãng phí trong khi nguồn tài nguyên này đang cạn kiệt dần.
Giải thích cho việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng, do tiêu thụ xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu mà giá thế giới thì liên tục biến đổi trong khi chính sách đưa ra luôn có độ trễ nên việc điều hành thời gian qua có lúng túng là khó tránh khỏi.
Tùy từng bối cảnh kinh tế mà nhà nước phải áp dụng các chính sách ưu tiên khác nhau nhằm phục vụ mục tiêu chung của đất nước.
"Bối cảnh nào thì ưu tiên đặt mục tiêu nào lên trên - đó là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô," ông Thỏa nhấn mạnh.
Về điều hành giá xăng dầu thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo giá thị trường, có lên có xuống và sẽ không chấp nhận cơ chế bù lỗ cho doanh nghiệp./.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ thực hiện như sau:
- Đối với trường hợp điều chỉnhtăng giá, khi giá vốn bình quân trong thời gian dự trữ lưu thông tăng đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Khi giá vốn tăng từ trên 7-12% so với giá bán lẻ hiện hành doanh nghiệp được quyền tăng giá 7%, cộng thêm 60% của mức giá vốn tăng từ 7-12%; 40% của giá vốn tăng còn lại được bù đắp bằng quĩ bình ổn giá.
Khi giá vốn tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, nhà nước sẽ công bố áp dụng một biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp bình ổn như: cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá ở mức độ nhất định, ngừng trích quĩ bình ổn giá, giảm thuế…
- Đối với trường hợp điều chỉnhgiảm giásẽ làm ngược lại với qui trình tăng giá: Tức là trong khoảng giá giảm 7% doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Từ trên 7-12% doanh nghiệp giảm giá bán lẻ tương ứng. Với mức trên 12%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các chính sách điều tiết như thuế, quỹ bình ổn giá… doanh nghiệp tiếp tục giảm giá bán, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm giá và số lần giảm giá. |