Theo dự báo của ADB, tăng trưởng GDP của VN năm 2010 sẽ đạt mức 6,5%. Lạm phát được dự kiến vào khoảng 8,5% |
Theo phân tích của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ VN đã có những chính sách mạnh mẽ và kịp thời để nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. ADB nâng mức dự báo tăng trưởng của VN năm 2009 lên 4,7%. Tuy nhiên cảnh báo, VN đang đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng.
ADB vừa công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2009 (ADOU). Theo đó, nền kinh tế VN vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tương đối tốt, nhờ các chính sách mở rộng tài khóa và tiền tệ thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư tài chính trong nước.
Những chính sách tích cực
Ông Ayumi Konishi - Giám đốc quốc gia ADB tại VN đưa ra nhận xét, chúng tôi đánh giá tích cực những chính sách của Chính phủ VN từ chính những kết quả mà các bạn đã đạt được. VN đã hạn chế tới mức thấp nhất các tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu.
Để vượt qua khủng hoảng, Chính phủ VN đã áp dụng một loạt biện pháp kích thích tài chính như: cắt giảm tạm thời 30% tỷ lệ thuế DN cho các DNNVV, hỗ trợ thêm tài chính cho các hộ nghèo, hỗ trợ lãi suất 4% và thúc đẩy việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tổng chi phí cho các biện pháp này ước tính 145,6 nghìn tỷ đồng. Do áp dụng các gói kích cầu trên, thâm hụt ngân sách năm 2009 đã tăng lên tới 7% GDP. Chính vì mục tiêu bù đắp thâm hụt, ADB vừa ký cho Chính phủ VN vay 500 triệu USD.
Cẩn trọng rủi ro
Bên cạnh những thành công thì đi liền với nó là những rủi ro. Đã có những dấu hiệu về sự trở lại của lạm phát. Nguyên nhân bắt nguồn từ giá tiêu dùng thế giới cao hơn do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và sự gia tăng nhanh của cung tiền trong nước. Theo ông Bahodir Ganiev – Chuyên gia kinh tế của ADB tại VN, tỷ lệ lạm phát tại VN đã giảm mạnh từ đầu năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, VN vẫn có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực. Dự kiến năm 2009, tỷ lệ lạm phát ở VN sẽ khoảng 6,8%. Trong khi tính trung bình các nước Đông Nam Á chỉ tăng khoảng 2,5%. Còn tính chung các nước đang phát triển ở Châu Á sẽ tăng khoảng 1,5%.
Để hạn chế nhập khẩu, Chính phủ VN đang quản lý chặt chẽ hơn ngoại tệ. Việc thiếu ngoại tệ trong thị trường chính thức đã làm giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái tại chợ đen vẫn ở mức cao. Điều này gây khó khăn cho các DN, dẫn tới việc thanh toán gián tiếp đối với trao đổi ngoại tệ tăng lên trong thị trường chính thức, và làm tổn thương môi trường kinh doanh. Hơn nữa, tình trạng khan hiếm ngoại tệ đã làm nảy sinh kỳ vọng phá giá và đặt sức ép phá giá đồng VN trên chợ đen.
Số dư tài khoản vốn chuyển biến từ tình trạng thặng dư thành thâm hụt do có sự suy giảm của dòng FDI chảy vào và dòng chảy ra của đầu tư gián tiếp cũng như vốn ngắn hạn. Cán cân thanh toán chung bị thâm hụt và tổng dự trữ chính thức đã giảm xuống 17,6 tỷ USD vào cuối tháng 6/2009, từ 23 tỷ USD cuối năm 2008. Theo dự báo của ADB, tăng trưởng GDP của VN năm 2010 sẽ đạt mức 6,5%. Lạm phát được dự kiến vào khoảng 8,5%. Đồng thời, ADB cũng đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ VN:
Thứ nhất, duy trì cân bằng giữa kính thích tăng trưởng trong ngắn hạn thông qua các biện pháp kích cầu với việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.
Thứ hai, tránh việc thực hiện thêm các biện pháp kích thích tài chính trước khi đánh giá kỹ lưỡng các tác động trung hạn của những biện pháp đã được thực hiện.
Thứ ba, áp dụng và bắt đầu ban hành số liệu về lạm phát cơ bản.
Thứ tư, hạn chế tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trên thị trường chính thức, thông qua việc kết hợp giữa các chính sách thắt chặt tiền tệ, bán thêm ngoại tệ và áp dụng chính sách tỷ giá ngoại hối linh hoạt hơn.
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com