Tính chung 10 tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên đến 7,58%, tiệm cận ngưỡng 8% mà Chính phủ lên kế hoạch điều hành.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2011 dự kiến tăng
20% - 40%, nếu không chủ động nguồn cung sẽ khó giữ giá.
Cửa hẹp 2 tháng cuối năm
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ - Giá cả Tổng cục Thống kê, nhận xét diễn biến lạm phát năm nay có nhiều tháng trái quy luật. Điểm nhấn rơi vào các tháng 3, 9 và 10. Nếu như tháng 3 hằng năm, CPI thường giảm sau khi đã tăng mạnh vào dịp Tết thì năm nay vẫn tăng 0,75%, thiết lập đà tăng giá cho cả năm. Đến tháng 9, CPI bất ngờ tăng 1,31% do các địa phương đồng loạt tăng học phí giáo dục và xuất khẩu gạo được giá. Đến tháng 10, CPI cũng tăng đến 1,05% - mức cao nhất trong hơn 10 năm nay.
Đến thời điểm này, nhiều chuyên gia đã nhận định lạm phát cả năm 2010 khó dừng ở mức 8%. Ở góc độ người làm chính sách thống kê, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% rất khó đạt được.
Ông Thắng cho rằng CPI 2 tháng còn lại của năm không chỉ chịu áp lực tăng giá theo xu hướng giá cả hàng hóa cuối năm mà còn chịu ảnh hưởng của thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung. Theo chu kỳ lấy giá tính CPI, ảnh hưởng tăng giá các mặt hàng thiết yếu sau bão sẽ bắt đầu từ tháng 11 đối với Hà Tĩnh và Khu 4, nhất là với mặt hàng lương thực, thực phẩm. Giá lương thực tại các địa phương vùng ngoài Khu 4 trở ra phía Bắc, trong đó có Hà Nội, cũng sẽ biến động nhẹ do nguồn cung từ khu này giảm mạnh sau lũ.
Đề nghị không tăng giá điện, nước...
Ông Nguyễn Đức Thắng nhìn nhận điểm sáng trong công tác điều hành giá tại các địa phương là Hà Nội và TPHCM đang triển khai chương trình tháng khuyến mãi giảm giá lớn trong năm. Trong tháng 10, tốc độ tăng CPI ở TPHCM thấp hơn mức chung của cả nước do công tác bình ổn giá được thực hiện hiệu quả, trở thành bài học cho các nơi khác. Như vậy, nếu hai đầu tàu kinh tế kiềm chế tốt lạm phát, mức tăng chung của cả nước phần nào bớt căng thẳng.
Trong quý III/2010, Chính phủ cũng quyết tâm thực hiện các giải pháp kiềm chế tăng giá bằng Chỉ thị 1875/CT-TTg, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác điều hành giá trên địa bàn mình; tập trung vào các biện pháp bảo đảm cung - cầu hàng hóa, không để sốt giá, khan hàng. Các doanh nghiệp phải báo cáo việc hình thành giá, đăng ký, kê khai giá bán đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2011 dự kiến tăng 20%-40% so với bình thường, nếu không chủ động nguồn cung sẽ khó giữ giá. Bộ này đề nghị từ nay đến cuối năm, không tăng giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, như: điện, than, nước sinh hoạt, cước vận chuyển... dù về chủ trương, đây là các mặt hàng được xác định là không thể kéo dài bao cấp giá và đang được từng bước thực hiện theo giá thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết để không xảy ra hiện tượng tác động dây chuyền, giúp các mặt hàng khác giữ nguyên được giá bán trong thời điểm cuối năm.
Trước thực tế này, Tổng Công ty Xăng dầu VN đã cam kết dự trữ tăng 20% và bình ổn giá từ nay đến cuối năm.
Siết chặt việc quản lý giá Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, thay cho Nghị định 169/2004 đang bộc lộ nhiều bất cập. Dự thảo bổ sung 6 hành vi vi phạm: Vi phạm về trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá; găm hàng đầu cơ lợi dụng để tăng giá, ép giá; không báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu liên quan đến chi phí sản xuất lưu thông, giá hàng hóa do Nhà nước định giá; vi phạm chính sách quản lý giá đối với những mặt hàng thuộc danh mục phải đăng ký, kê khai giá; vi phạm cơ chế đăng ký kê khai, công khai thông tin về giá và vi phạm về hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Dự thảo này cũng quy định phạt 20 triệu - 30 triệu đồng đối với hành vi niêm yết giá hoặc thu tiền bán hàng, phí dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép. |