Gia tăng chi phí sản xuất sẽ mở màn khi giá điện tăng. Ảnh: Đức Thanh |
Việc Bộ Tài chính có quan điểm khác hẳn Bộ Công thương trong đề xuất giá điện mới cho năm 2010, với việc nghiêng về 2 phương án cao nhất đã cho thấy sự phức tạp thực sự của giá điện đối với đời sống xã hội.
Trước đó, trong quá trình làm việc của Tổ Xây dựng giá điện để thẩm định 4 phương án giá điện năm 2010 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất, dựa trên các mức giá than khác nhau, các chuyện gia của hai bộ này cũng không thể thống nhất được với nhau về việc chọn phương án giá than nào để tính phương án giá điện tương đương. Cuối cùng, từng bộ lại tự ủng hộ những lập luận của riêng mình với các phương án cụ thể được đề nghị lên Chính phủ.
Bộ Công thương với phương châm “giá điện có tăng, nhưng sẽ không tạo ra đột biến bất ngờ” đã ủng hộ phương án tăng giá lên mức bình quân là 1.019 đồng/kWh, tương đương với phương án giá than tăng 15%.
Còn Bộ Tài chính, với quan điểm nếu giá điện tăng ở mức thấp như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian nữa mới thực hiện được chỉ đạo của Chính phủ về việc đưa giá than vận hành theo cơ chế thị trường. Chưa kể, việc duy trì mãi giá than ở mức thấp sẽ làm méo mó thị trường, ngành than sẽ tiếp tục khó khăn đã chọn các phương án cao hơn.
Tức là tăng giá điện lên 10,7%, tương đương với phương án giá than bằng 90% giá than của thị trường xuất khẩu. Còn nếu không thì cũng giá điện cũng phải tăng 6,8%, tức là giá than bằng giá thành than mà kiểm toán Nhà nước năm 2008 kết luận.
Dĩ nhiên thì Bộ nào cũng có lý do để bảo vệ phương án mà mình đưa ra. Tuy nhiên bởi sự tác động rộng lớn của giá điện tới nền kinh tế và đời sống xã hội của người dân nên việc lựa chọn phương án giá điện thích hợp sẽ có những hiệu ứng đáng kể.
Với thực tế giá điện hiện nay, câu chuyện sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả dường như chưa được cả người dân và các doanh nghiệp quan tâm mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng của nhu cầu sử dụng điện luôn cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là một minh chứng cụ thể. Giá điện chưa hợp lý không chỉ khiến cho người dùng lãng phí mà còn không khuyến khích đầu tư vào phát triển nguồn, nhằm đảm bảo nhu cầu cho phát triển kinh tế.
Câu chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải trả lại nhiều dự án nguồn điện bởi không thu xếp được vốn hay rất nhiều dự án điện của các chủ đầu tư khác vẫn chưa thể khởi công được cũng bởi lý do tương tự là một thực tế hiện hữu.
Nhưng nếu chọn mức tăng giá điện thỏa mãn các nhà sản xuất năng lượng (gồm cả điện lẫn than) thì nền kinh tế cũng phải đối diện với việc nhiều ngành kinh tế khác sẽ phải gia tăng chi phí sản xuất. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu chọn mức tăng giá điện cao nhất, trên 10%, tiền điện tăng thêm ở các ngành sản xuất khoảng trên 4.000 tỉ đồng. Với ngành cấp nước, giá thành có thể tăng tới 4 - 5%; với sản xuất phôi thép, ximăng, sợi, chi phí có thể tăng 0,3 - 1,2%. Còn với người dân, chi cho tiền điện có thể tăng thêm tới 2.300 - 2.400 tỉ đồng.
Còn nếu chọn phương án giá điện thấp hơn một chút (không phải phương án của Bộ Công thương) thì khối sản xuất, kinh doanh cũng phải trả thêm trên 2.000 tỉ đồng. Tỷ lệ tăng giá thành ở các ngành như cấp nước, điện phân sẽ trên 2%. Tiền điện dân phải trả thêm khoảng trên 2.100 tỉ đồng.
Năm 2010, mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả nước được đề ra là 12%. Đây là một con số không cao so với khoảng 5 năm trở lại đây, không tính năm 2009. Với thực tế nhiều sản phẩm làm ra vẫn chưa cạnh tranh ngang ngửa với hàng nhập khẩu cùng loại ngay trên sân nhà thì việc gia tăng chi phí sản xuất mà mở màn là giá điện chắc chắn sẽ càng khiến cho nhiều doanh nghiệp phải vất vả tìm đường trụ lại.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com