Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lương công chức và cải cách hành chính

Ngày càng có nhiều công chức bỏ việc trong các cơ quan nhà nước để làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nguyên nhân chính là lương thấp nhưng bên cạnh đó còn là những câu chuyện khác.

Bỏ công chức vì lương?

Báo cáo mới đây từ hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho thấy chỉ trong giai đoạn 2003 – 2007 đã có tới 16.000 cán bộ công chức tự nguyện ra khỏi các cơ quan công quyền. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở thị trường lao động sôi động nhất cả nước là TP.HCM, khoảng 40%, tương đương với khoảng 6.500 người. Trong hai năm trở lại đây tuy chưa thống kê nhưng có nhiều quan chức đã tự nguyện rời bỏ cơ quan công quyền gây xôn xao dư luận như ông Lương Văn Lý, phó giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, ông Kiều Hữu Dũng, vụ trưởng vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc ngân hàng Nhà nước…

Tại một cuộc khảo sát được thực hiện với 460 công chức thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ Thuỷ sản (cũ), tỉnh Nam Định và Hoà Bình thì có tới 50% công chức trả lời lý do chính để họ có thể bỏ việc là lương. Tuy nhiên thực tế có thể không hoàn toàn như vậy.

Hiện tại hệ thống lương thưởng và trợ cấp của cán bộ công chức rất phức tạp. Phần lương chính được tính theo lương tối thiểu nhân với hệ số. Trong những năm gần đây lương tối thiểu được nâng hàng năm và hệ thống thang bảng lương đã được điều chỉnh. Tuy vậy, theo kết quả nghiên cứu do Ban nghiên cứu của Thủ tướng thực hiện cách đây mấy năm cho thấy lương chỉ chiếm khoảng 30% thu nhập trung bình của cán bộ công chức.

Như vậy 70% còn lại sẽ bao gồm trợ cấp, thưởng, thu nhập bổ sung và cả… tiền phong bì. Hiện đang có tám loại trợ cấp, cộng thêm với thưởng, hai loại này chiếm khoảng 10% thu nhập của cán bộ công chức. Một số công chức phải làm thêm để bổ sung thu nhập cho mình như làm dự án, tham gia vào các hội đồng phê duyệt… Tổng kết lại, thu nhập chủ yếu của cán bộ công chức từ việc làm “tay trái” này và tiền phong bì, chiếm khoảng 60% thu nhập.

Theo báo cáo chung từ các nhà tài trợ, với cách tính thực tế này thì thu nhập trung bình của cán bộ công chức đang cao hơn khu vực tư nhân. Chỉ có một số vị trí đặc biệt, khu vực tư nhân mới trả cao hơn Nhà nước. Như vậy thực tế cho thấy những công chức trình độ cao sẽ được khu vực tư nhân “mời chào” với mức lương cao gấp nhiều lần. Còn lại, không phải công chức nào cũng sẵn lòng bỏ cơ quan công quyền để ra đi.

Và tệ phong bì

Luôn luôn không hài lòng về thu nhập của mình là tâm trạng khá phổ biến đối với các công chức. Kết quả điều tra 460 công chức từ hai bộ và hai địa phương cho thấy điều đó. Chính điều này sẽ nảy sinh không ít vấn đề, cản trở quá trình thực hiện cải cách hành chính.

Theo báo cáo, tới cuối năm 2009 đã có 84% các sở thuộc tỉnh, thành phố, 99% đơn vị cấp quận huyện và 96% cấp xã đã thực hiện mô hình một cửa. Đây là mô hình được đánh giá tương đối thành công khi người dân không còn phải xếp hàng dài chờ giải quyết các thủ tục hành chính hoặc không được trả lời về kết quả. Tuy nhiên, kết quả một cuộc điều tra quy mô nhỏ với 300 người dân tại tỉnh Dăk Lăk trong năm 2009 cho thấy, có 20% số người được hỏi vẫn phải nhờ người hỗ trợ mới hoàn thành được các thủ tục giấy tờ, một số người phải nhờ đến “môi giới” và khoảng 5 – 6% người được hỏi phải trả thêm tiền phí ngoài khoản thu theo quy định.

Hiện tại, các thủ tục hành chính đã được rà soát lại và bị buộc cắt giảm 30% ở tất cả mọi lĩnh vực nhưng thực tế vẫn tồn tại những quy định tạo ra kẽ hở cho tệ phong bì. Báo cáo kết quả cuộc điều tra ở tỉnh Dăk Lăk cho ví dụ, để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng đất đai, bộ phận hành chính một cửa đã yêu cầu nộp nhiều loại giấy tờ như: chứng nhận nguồn gốc mảnh đất và các chứng nhận khác. Mất từ 2 – 4 tháng và nhiều lần đi lại người dân mới hoàn thành các yêu cầu này. Trong khi đó nếu làm qua đường “dịch vụ” thì thời gian đã nhanh hơn và đương nhiên là phải tốn kém hơn nhiều so với khoản thu theo quy định.

Đương nhiên không phải tất cả mọi công chức đều ở những vị trí có thể dễ dàng cho việc nhận phong bì nhưng rõ ràng điều này đang ngày càng trở thành lối hành xử phổ biến. Khi nó càng phổ biến thì sự minh bạch ngày càng mất đi và người ta càng muốn tạo cơ hội cho mình thêm thu nhập bằng việc xây dựng các văn bản có nhiều kẽ hở và không rõ ràng. Có lẽ bởi thực tế này nên trong quá trình cải cách tiền lương, việc nâng lương cho toàn bộ cán bộ công chức đã không được coi là ưu tiên số một vì cho dù có nâng lương cũng khó cải thiện được.

(Theo Tây Giang // SGTT Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi