Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mở rộng đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng. Ảnh Trần Việt (TTXVN)

Với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trong những năm qua, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã giúp hàng vạn hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mở rộng ngành nghề, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Cùng với vốn tự có và vốn tín dụng ngân hàng, nhiều hộ nông dân đã từng bước đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi,  hình thành các vùng chuyên canh lúa hoa màu và cây công nghiệp có tỷ suất hàng cao như vùng lúa đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long; vùng cây công nghiệp dài ngày như chè, cà-phê ở Tây Nguyên; vùng cây ăn quả lâu năm ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc. Trên địa bàn nông thôn đến nay có nhiều tổ chức tín dụng hoạt động như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể làm dịch vụ tài chính, các tổ tiết kiệm vay vốn... tạo thành những kênh huy động vốn và cho vay tại chỗ, cung cấp vốn đến hộ nông dân với phương châm cạnh tranh bình đẳng. Nhờ chính sách đầu tư vốn của nhà nước nên nông nghiệp, nông thôn nước ta đã ổn định, phát triển khá toàn diện.

Tuy nhiên, mặc dù đã có các Quỹ tín dụng của xã, vốn vay của các ngân hàng nhưng trên thực tế, nhiều hộ nông dân có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất vẫn chưa được đáp ứng kịp thời. Mức đầu tư cho thâm canh và hiệu quả kinh tế của thâm canh còn thấp, mang tính đơn lẻ, sản xuất của nhiều hộ nông dân còn mang tính chắp vá, phân tán, dẫn đến năng suất lao động thấp. Vì thế, mức dư nợ bình quân cho vay hộ nông dân đến nay đã được nâng lên khoảng hơn 10 triệu đồng/hộ, nhưng vẫn còn thấp so với số chi phí người nông dân bỏ ra, nhất là với những hộ làm kinh tế trang trại. Nhiều vùng kinh tế ở các huyện đồng bằng còn mang tính thuần nông, chưa có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời, sản xuất còn mang tính đơn giản, chưa phải là sản xuất hàng hóa nên thị trường tín dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân chưa được mở rộng. Ðối với huyện vùng sâu, vùng xa, do kinh tế hàng hóa chưa phát triển nên vốn ngân hàng đầu tư chưa được mở rộng. Ðiển hình như các huyện ở các tỉnh miền núi, dư nợ cho vay chỉ từ 30 đến 40 tỷ đồng, bao gồm vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội. Số vốn đầu tư của ngân hàng còn nhỏ trong khi tiềm năng kinh tế tự nhiên còn rất lớn.

Ðể vốn đầu tư của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước, cần thực hiện những giải pháp sau:

Trước hết, cần phải có chính sách đầu tư như về vốn, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ và phải giải quyết đồng bộ, đồng thời có chính sách trợ giá nông sản cho nông dân để họ phấn khởi, yên tâm đầu tư cho sản xuất.

Thứ hai, tập trung vốn cho sản xuất nông nghiệp như khai hoang mở thêm diện tích, đến năm 2010 đất cho sản xuất nông nghiệp sẽ có khoảng 9,67 triệu ha, đất nuôi trồng thủy sản 1,44 triệu ha, đất trồng cây cà-phê từ 450 đến 500 nghìn ha, diện tích cây chè từ 120 đến 140 nghìn ha tập trung ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, vùng Tây Nguyên và duyên hải Bắc Trung Bộ, đất trồng cây lương thực bảo đảm ổn định sản lượng lúa khoảng 40 triệu tấn, thực hiện an ninh lương thực. Ðể đạt được mục tiêu trên thì mức đầu tư cho một ha đất canh tác phải tăng gấp đôi so với hiện nay, mức dư nợ cho vay kinh tế hộ ở vùng đồng bằng bình quân một huyện phải đạt từ 450 đến 500 tỷ đồng.

Thứ ba, các chi nhánh ngân hàng cơ sở, quỹ tín dụng nhân dân căn cứ vào quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp trên từng địa bàn để xây dựng dự án đầu tư vốn vào từng đối tượng cây, con phù hợp quy hoạch chuyển đổi trên từng địa bàn, trước mắt phải nhằm vào các mục tiêu như tăng thêm giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho hộ nông dân, gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Thứ tư, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau của Nhà nước và vốn tự có của các hộ nông dân, các doanh nghiệp, các ngân hàng cần mở rộng đối tượng đầu tư vốn trung dài hạn, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để chủ động kích cầu đầu tư đối với các thành phần kinh tế để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyển đối cơ cấu nông lâm, thủy sản. Ðồng thời nâng mức cho vay không hạn chế đối với hộ nông dân có nhu cầu sản xuất hàng hóa (có thể lên đến hàng trăm triệu đồng) nếu như qua thẩm định dự án họ có khả năng trả nợ và căn cứ vào khả năng tài chính của tổ chức tín dụng sẽ nâng mức cho vay bình quân một hộ, không để tình trạng mức đầu tư quá thấp như hiện nay. Suất đầu tư trên một ha đất canh tác; trên một đầu con gia súc, gia cầm, phấn đấu đạt mục tiêu từ 50 đến 100 triệu đồng/ha. Ðồng thời tiếp tục cho khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi tiền vay và xử lý kịp thời những khoản vốn cho vay bị rủi ro như thiên tai, dịch bệnh xảy ra đối với các hộ nông dân để họ yên tâm đầu tư vào những chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Thứ năm, tiếp tục cải tiến phương thức cho vay vốn của ngân hàng theo hướng giảm bớt các thủ tục phiền hà, bảo đảm hộ dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng, thuận tiện. Phải gắn kết giữa thị trường tiền tệ và thị trường hàng hóa với vai trò ngân hàng là cầu nối của mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông); triển khai có hiệu quả việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với hộ nông dân theo Quyết định số 80/2002/QÐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu, để khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của mỗi vùng, đối với các hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa, các hộ làm kinh tế trang trại mang tính sản xuất hàng hóa phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho vay. Mở thêm các điểm giao dịch của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi cho hộ nông dân đến gửi tiền, vay vốn không chỉ có các điểm giao dịch hiện nay của hệ thống Ngân hàng nông nghiệp mà phải mở thêm điểm giao dịch mới của ngân hàng cổ phần đô thị về nông thôn, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tập trung ở những vùng kinh tế hàng hóa phát triển, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang từng bước được hình thành, đồng thời nâng mức cho vay đến 100 triệu đồng để các hộ chủ động sản xuất mùa vụ.

(Theo ÐỖ XUÂN TRƯỜNG // Báo Nhân dân điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi