Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nâng cao vị thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tháng 6 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/CP về Trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ - đề cập toàn diện về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật, xúc tiến mở rộng thị trường về thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực... Quyết sách trên cho thấy Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới lực lượng sản xuất rất đỗi hùng hậu này.
 
Sớm khắc phục bất cập để phát triển bền vững
 
Hơn hai thập kỷ gần đây nhờ có chủ trương phát triển nhiều thành phần kinh tế của Nhà nước và Luật doanh nghiệp, hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và được nâng lên về chất lượng, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết lao động, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân...
 
Với hơn 400.000 doanh nghiệp chiếm 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên khắp nước ta các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã sử dụng hơn 50% lực lượng lao động trong hệ thống doanh nghiệp và tạo ra 40% giá trị hàng hóa, đóng góp gần 20% tổng ngân sách quốc gia. Tuy nhiên vì sự phát triển quá nhanh và chưa thật chủ động bước vào hội nhập kinh tế, phần lớn doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn và thách thức. Một số vấn đề thời sự kinh tế đang được đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam như sau:
 
Về môi trường pháp lý mặc dù đã có Luật doanh nghiệp và Chính phủ đã ban hành chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trên thực tế quá trình cụ thể chính sách này chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, không kịp thời, khiến một số doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và chưa thật sự được bình đẳng trong môi trường cạnh tranh với một số thành phần kinh tế khác. Một số tồn tại này cùng thủ tục hành chính ở cấp cơ sở nay vẫn còn rườm rà vì thế cũng khiến không ít doanh nghiệp chưa phát huy được tiềm năng vốn có.
 
Hiện tại khả năng tiếp cận với các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ngân hàng của nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hội đủ các điều kiện được vay theo quy định của Ngân hàng. Có thể nói một số định chế ngân hàng chưa sát hợp với điều kiện của đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế trên thị trường tài chính ít doanh nghiệp có khả năng tham gia phát hành cổ phiếu, trái phiếu và sự huy động vốn qua lại giữa cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế.
 
Nhìn chung công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta còn lạc hậu, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vẫn đang sản xuất thủ công, lao động qua đào tạo cơ bản kể cả nhà lãnh đạo quản lý và người lao động mới có khoảng 30%. Vì thế năng suất lao động kém, chi phí sản xuất còn nhiều giá thành sản phẩm, dịch vụ cao không tạo được ưu thế cạnh tranh.
 
Nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện hoặc chưa có ý thức tiếp cận đầy đủ thông tin về luật, về chính sách về thị trường trong nước và quốc tế và nếu có thì thông tin chưa được cập nhật hoặc phiến diện; ấy là chưa kể có doanh nghiệp bị tác động bởi những dự báo "đồn thổi", gây rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
 
Ðể Nghị định 56/CP Thật sự đi vào cuộc sống
 
Song hành với sự phát triển của doanh nghiệp, hệ thống hiệp hội xã hội nghề nghiệp đã ra đời và phát triển; đây là ngôi nhà chung của doanh nghiệp được hội tụ trên cơ sở tự nguyện nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Hiệp hội còn là nơi chuyển tải những kiến nghị của doanh nghiệp đến các cơ quan có thẩm quyền và là môi trường truyền đạt việc thực hiện chính sách của Ðảng, Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đổi mới công nghệ, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu...
 
Theo định hướng này tháng 7-2005 Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã được thành lập. Ðến nay đã có ở 39 tỉnh có hội và chi hội, có ba văn phòng đại diện ở ba khu vực, có 11 đơn vị trực thuộc và năm văn phòng đại diện ở nước ngoài với hơn 17.000 hội viên. Tuy mới thành lập, còn thiếu kinh nghiệm và lực lượng cán bộ chuyên trách còn mỏng nhưng năm năm qua Hiệp hội đã có nhiều hoạt động thiết thực như: tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trên diện rộng để phản ánh trực tiếp với các cấp lãnh đạo ở Trung ương, các ngành và địa phương có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tham gia hoàn thiện chính sách phát triển kinh doanh, sản xuất, giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin kinh tế.
 
Hiệp hội cũng thực hiện nhiều hội thảo trong nước, ngoài nước, tham quan, khảo sát tổng kết mô hình sản xuất, kinh doanh sáng tạo và hiệu quả, thâu nạp và phổ biến kinh nghiệm của những doanh nghiệp thành đạt biết nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức. Từ thực tiễn sinh động trong sản xuất, kinh doanh đã kiến nghị một số giải pháp cùng cả nước vượt qua hai cuộc lạm phát cao và suy giảm kinh tế. Hiệp hội đang hướng mạnh vào việc bổ túc tri thức quản trị kinh doanh cho doanh nhân đa dạng hóa hình thức tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp xuất sắc có nhiều đóng góp cho sự phát triển. Những hoạt động này tuy chưa thật sâu và rộng nhưng bước đầu tạo nên động lực cho doanh nghiệp củng cố vị thế trong cộng đồng.
 
Ðể tiếp tục phát huy khả năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công cuộc phát triển kinh tế, nguyện vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp là Nhà nước cần sớm ban hành Luật về hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo khung luật thích ứng với bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và phù hợp thông lệ quốc tế.
 
Nghị định 56 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được doanh nghiệp phấn khởi đón nhận, tuy nhiên nhiều nội dung cần tiếp tục cụ thể hóa và đồng bộ như tạo điều kiện mặt bằng sản xuất kinh doanh, vốn đào tạo nguồn lực đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa trải qua lạm phát và suy giảm kinh tế sớm ổn định sản xuất kinh doanh.
 
Trong những năm tới phấn đấu để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có tổ chức thành viên và tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các văn phòng đại diện Hiệp hội ở trong và ngoài nước. Ý thức rõ sức mạnh của thông tin Hiệp hội cần làm tốt việc cung cấp thông tin kinh tế kể cả cập nhật những biến động từ thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp.
 
Các hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân cần hướng mạnh vào việc thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước như: tái cấu trúc nền kinh tế, nâng chất lượng nguồn lực, tăng cường hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển thị trường nội địa, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Trước mắt tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị định 56/CP về Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát huy tiềm năng, của cộng đồng doanh nghiệp, khắc phục khó khăn tình thế, chớp thời cơ hậu suy giảm kinh tế để phát triển bền vững. Ðội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam quyết phấn đấu trở thành lực lượng xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

(Theo Bao Nhandan)

  • Bổ sung hơn 57.000 tấn gạo vào dự trữ quốc gia
  • Phát triển kinh tế bền vững bằng năng lượng tái tạo
  • Quyết định mới về bồi thường, tái định cư: Phải đồng thuận cao mới ban hành
  • Giảm thuế, giá xăng dầu vẫn khó giảm
  • Bộ Công Thương kiến nghị bỏ 38 dự án thủy điện
  • VUSTA tập hợp, thu hút trí thức tham gia xây dựng đất nước
  • Báo cáo Quốc hội về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
  • Ngành phần mềm Việt Nam: Hợp đồng lớn thuộc về nước ngoài
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi