Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành mía đường : Phải phát triển nguyên liệu

Sự trồi sụt thất thường của diện tích và sản lượng mía, cũng như giá mía của nước ta trong những năm qua đủ cho thấy cần có quy hoạch chặt cho vùng nguyên liệuSự trồi sụt thất thường của diện tích và sản lượng mía, cũng như giá mía của nước ta trong những năm qua đủ cho thấy cần có quy hoạch chặt cho vùng nguyên liệu

Vừa qua, DĐDN có một lọat bài viết bàn về câu chuyện mía đường, trong đó có đưa ra những khúc mắc của hệ thống phân phối trong ngành mía đường, nhưng theo nhiều chuyên gia, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Vậy đâu là những góc khuất của ngành và giải pháp nào sẽ đưa ngành công nghiệp này phát triển đúng với tiềm năng của nó?

Cho dù sắp đến hồi kết và mọi người có thể “thở phào nhẹ nhõm”, nhưng chính cơn sốt nóng giá đường hiện nay đã bộc lộ những tồn tại và bất cập rất cơ bản của ngành nông - công nghiệp mía - đường nước ta. Do vậy, trong khoảng thời gian từ nay đến khi buộc phải mở cửa thị trường đường nước ta theo các cam kết đa phương không còn nhiều, nếu những tồn tại và bất cập đó không được khắc phục thì nguy cơ “thua cuộc trên sân nhà” là rất khó tránh.

80% các nhà máy đường khó có cơ tồn tại ?

Có thể nói, việc có tới 80% các nhà máy đường của chúng ta hiện nay có cơ để tồn tại hay không còn là điều khó khăn hơn nhiều so với các nguyên nhân khác.

Bởi lẽ, cho dù đã qua một đợt sắp xếp lại và đã cho “khai tử” một số, nhưng với 40 nhà máy đường hiện tại với tổng công suất chế biến mía chỉ là 175.750 tấn mía cây/ngày, tức là công suất bình quân mỗi nhà máy đường của nước ta hiện nay chỉ là 2.644 tấn mía cây/ngày. Trong đó, nếu không kể 8 “đại gia trong làng công nghiệp đường” của nước ta với tổng công suất 50 nghìn tấn mía cây/ngày, tức là công suất bình quân của nhóm này là 6.250 tấn mía cây/ngày, thì tổng công suất của 32 nhà máy đường còn lại chỉ là 55,7 nghìn tấn mía cây/ngày và công suất bình quân của mỗi nhà máy thuộc nhóm này chỉ là 1.742 tấn mía cây/ngày. Đây quả là những nhà máy đường “mi ni” không hơn không kém. Bởi trên thế giới, quy mô được coi là tối thiểu để đạt được hiệu quả kinh tế của một nhà máy đường phải vào khoảng 6-7 nghìn tấn mía cây/ngày như của nhóm  8 “đại gia trong làng công nghiệp đường” nước ta đã nói ở trên. Việc quy mô bình quân của các nhà máy đường Thái Lan hiện vào khoảng 12 nghìn tấn mía cây/ngày, của Australia khoảng 10 nghìn tấn mía cây/ngày, hay của Mexico tuy thấp hơn rất nhiều, nhưng cũng là 5 nghìn tấn mía cây/ngày... cũng đủ cho thấy điều đó.

Nhà máy đường và những người nông dân trồng mía nguyên liệu nói chung vẫn thiếu “sự kết dính” đủ chắc chắn bằng những quyền lợi và nghĩa vụ rành mạch và thỏa đáng.

Thực tế đó cho thấy, cho dù “sinh sau đẻ muộn” so với ngành công nghiệp đường của thế giới, nhưng “phong trào” ồ ạt xây dựng nhà máy đường cách đây hơn một thập kỷ không chỉ với quy mô “mini”, mà còn với công nghệ lạc hậu, thậm chí còn mua lại cả các nhà máy mà nước ngoài đã buộc phải dỡ bỏ, đang đặt ngành công nghiệp mía đường nước ta trước nguy cơ đổ bể hàng loạt khi thời điểm buộc phải mở cửa thị trường đường không còn bao xa.

Không những vậy, chính việc xây dựng ồ ạt các nhà máy đường dẫn đến tình trạng tổng công suất của ngành công nghiệp đường “đi trước thời đại” quá xa đã tước đi cơ hội tăng thêm dây chuyền ép mía để tăng gấp đôi công suất của không ít các nhà máy đường, bởi điều này càng dẫn đến tổng công suất của ngành công nghiệp đường càng vượt quá xa nhu cầu của nền kinh tế như đã nói ở trên.  

Đây có lẽ là thách thức khó vượt qua nhất của ngành nông - công nghiệp mía đường nước ta trong những năm tới.

Nói tóm lại, chính cơn sốt nóng giá đường này càng làm lộ rõ những tồn tại và bất cập rất lớn của các tổ hợp nông - công nghiệp mía - đường nước ta, cho nên tranh thủ tối đa thời gian vẫn còn được bảo hộ để cải thiện đáng kể sức cạnh tranh và có thể trụ được khi thị trường đường nước ta buộc phải mở cửa theo các cam kết đa phương đã đến rất gần có lẽ là cách thoát hiểm duy nhất.

Phát triển bền vững từ các vùng nguyên liệu

Để các nhà máy đường có thể tồn tại và phát triển, tiền đề không thể thiếu là phát triển các vùng mía nguyên liệu. Nguyên nhân cơ bản của cơn sốt nóng giá đường chưa từng có hiện nay bắt nguồn chủ yếu từ việc thiếu tiền đề này.

Rõ ràng, với tổng công suất 175.750 tấn mía cây/ngày của 40 nhà máy đường hiện nay, tổng cầu mía nguyên liệu đã lên tới trên 19 triệu tấn và nếu tính tỷ lệ mía có thể đưa vào chế biến công nghiệp là 80% (20% còn lại là làm giống và sử dụng cho các nhu cầu khác) thì tổng sản lượng mía phải lên tới 23,8 triệu tấn và sản lượng đường công nghiệp có thể đạt 1,9 triệu tấn. Và để đạt được sản lượng mía đó, nếu năng suất mía của nước ta đạt được trình độ trung bình 65 tấn/ha như của châu Á, thì tổng diện tích mía phải đạt 366 nghìn ha, còn nếu đạt được trình độ trung bình 75 tấn/ha của thế giới, thì tổng diện tích mía chỉ phải đạt trên 317 nghìn ha. Như vậy, với tổng sản lượng mía chỉ mới đạt 16,1 triệu tấn mía trong niên vụ vừa qua, nguồn cung mía vẫn còn thiếu 7,7 triệu tấn và 47,5%.

Nếu nhìn lại quá trình phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp này từ khi khởi động chương trình 1 triệu tấn đường cách đây 13 năm, có thể thấy, cho đến năm 1999 là thời đoạn nông dân nước ta hào hứng nhất, bởi diện tích dành cho cây công nghiệp mới mà cũ này đã đạt kỷ lục trên 344 nghìn ha, tăng bình quân tới 11,24%/năm trong giai đoạn 1995-1999, còn nếu tính từ năm 1990 đến thời điểm này thì tăng tới 11,37%/năm và sản lượng mía cũng đã đạt kỷ lục 17,76 triệu tấn.

Thế nhưng, sau thời điểm này, nông dân nước ta đã thất vọng với cây công nghiệp này và “vòng xoáy trồng - chặt” bắt đầu xuất hiện, bởi diện tích mía năm 2000 đã “rơi tự do” xuống chỉ còn 302 nghìn ha (giảm 42 nghìn ha và 12,2%) và sản lượng mía cũng rơi tự do xuống chỉ còn 15,044 triệu tấn (giảm 2,7 triệu tấn và 15,3%) và năm 2001 diện tích và sản lượng mía tiếp tục giảm, rồi lại tăng mạnh trong năm 2002 sau đó để rồi “nguội dần” từ đó đến nay. Điều đó bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu liên quan chặt chẽ với nhau sau đây:

Thứ nhất, cây mía không thể cạnh tranh nổi với một số loại cây trồng khác, điển hình nhất có lẽ là cây sắn. Các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, trái ngược hoàn toàn với cây mía, diện tích sắn từ 277 nghìn ha năm 1995 đã liên tục giảm và chạm đáy chỉ với 225 nghìn ha năm 1999, nhưng năm 2000 đã bắt đầu nhích lên và từ đó đến nay liên tục tăng, đạt kỷ lục 558 nghìn ha năm 2008. 

Trước hết, cho dù hầu như đã liên tục tăng trong suốt 18 năm qua, nhưng với năng suất mía chưa đạt ngưỡng 60 tấn/ha trong năm 2008 vừa qua, trình độ thâm canh cây công nghiệp này của nước ta có lẽ vẫn nằm trong “vùng trũng” của thế giới như nói trên.

Tiếp theo, do công nghiệp đường của nước ta đã “đi trước thời đại” quá xa, cho nên cũng đã đặt toàn bộ ngành nông - công nghiệp mía đường vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi lẽ, với tổng công suất 175.750 tấn mía cây/ngày của 40 nhà máy đường hiện nay như đã nói ở trên, giả định tổng sản lượng mía đã lên tới 23,8 triệu tấn và sản lượng đường công nghiệp có thể đạt 1,9 triệu tấn thì thị trường đường nước ta sẽ bị “chết chìm”. Bởi lẽ, với ngành đường vừa mới phát triển, giá thành sản xuất đường vẫn còn quá cao vừa do chi phí khấu hao còn quá lớn, vừa do chi phí mía nguyên liệu cũng chưa thể thấp, sẽ là quá khó để chúng ta có thể đẩy chí ít là khoảng nửa triệu tấn đường mỗi năm ra thị trường thế giới. Câu chuyện xuất khẩu những khối lượng đường nhỏ hơn thế rất nhiều những năm trước đây đầy khó khăn đủ cho thấy điều đó.

Cũng từ những thực tế đó nên thị trường đường trong nước vẫn rơi vào tình trạng luẩn quẩn: tăng mạnh sản lượng mía và sản lượng đường sẽ khiến giá đường giảm mạnh, nhưng càng giảm sản lượng mía thì các nhà máy đường càng chỉ hoạt động cầm chừng, giá thành sản xuất đường càng bị đẩy lên rất cao, còn khi nông dân quá mệt mỏi với cây mía và giảm mạnh diện tích trồng trọt. Sự trồi sụt thất thường của diện tích và sản lượng mía, cũng như giá mía của nước ta trong những năm qua đủ cho thấy điều đó.

Thứ hai, cho dù xét về bản chất thì các nhà máy đường với vùng mía nguyên liệu là các tổ hợp nông - công nghiệp hoàn chỉnh, tức là nhà máy đường và những người nông dân trồng mía nguyên liệu phải “cộng sinh” với nhau, bởi nghề trồng mía nguyên liệu muốn phát triển thì không thể thiếu nhà máy đường, và ngược lại, nhà máy đường muốn tồn tại thì cũng không thể thiếu vùng mía nguyên liệu. Nhưng trên thực tế, giữa hai thành phần này vẫn thiếu “sự kết dính” đủ chắc chắn bằng những quyền lợi và nghĩa vụ rành mạch và thỏa đáng.

ở những thời điểm nguồn nguyên liệu dồi dào, đồng nghĩa với triển vọng giá đường khó có thể đứng ở mức cao, giá mía thường được ép xuống bằng “chiêu” trữ lượng đường thấp cùng với những khó khăn, trở ngại đủ thể loại trong quá trình vận chuyển mía đến nhà máy, đặc biệt là trong thời đoạn chính vụ, mía thu hoạch dồn dập. Ngược lại, khi nguồn nguyên liệu khan hiếm, các “cuộc săn” mía xuất hiện, không ít nông dân phá vỡ hợp đồng để tăng thu nhập.

Không những vậy, trong trường hợp sốt nóng giá đường chưa từng có như vừa qua, những người nông dân trồng mía nguyên liệu cho nhà máy đường cũng là những người ngoài “cuộc chơi”, vì mía nguyên liệu mà họ cung ứng cho nhà máy đường đã mua đứt bán đoạn từ lâu.

Những thực tế đó đã đẩy không ít các nhà máy đường vào tình thế hết sức khó khăn trong việc phát triển các vùng mía nguyên liệu. Bởi lẽ, việc những người nông dân có tiếp tục trồng mía hay quay lưng lại với thứ cây trồng với giá cả quá “phập phù” như vậy tùy thuộc vào suy đoán của chính họ về triển vọng giá mía nguyên liệu và  thu nhập trong niên vụ tới.

Thay lời kết

Do vậy, hai vấn đề mấu chốt không thể không giải quyết để phát triển bền vững các vùng mía nguyên liệu, đồng thời cũng là tạo tiền đề để các nhà máy đường có thể tồn tại và phát triển là nhanh chóng nâng cao tối đa năng suất để tăng sức cạnh tranh của cây mía với các loại cây trồng khác. Về phương diện này, rõ ràng là ngành mía đường nước ta vẫn còn những tiềm năng rất lớn. Đây chắc chắn là hướng đi chủ đạo, bởi ngoài sức ép cạnh tranh của các loại cây trồng khác cho đến nay, cây mía và ngành công nghiệp đường của nước ta sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh cực kỳ mạnh của “những người khổng lồ” trên thị trường đường thế giới khi thị trường đường nước ta không còn bao xa sẽ buộc phải mở cửa theo các cam kết hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Thế nhưng, chỉ có vậy thì cũng chưa thể bảo đảm sự gắn kết giữa những người nông dân trồng mía với nhà máy đường. Rõ ràng, giữa họ cần có một “chất keo kết dính” đủ chắc để bảo vệ quyền lợi thỏa đáng và ràng buộc nghĩa vụ tương ứng của mỗi bên. Theo hướng này, một mặt, để “biến khách thành chủ”, cần thu hút những người nông dân trồng mía trở thành cổ đông của các nhà máy đường, và mặt khác, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế giá mía nguyên liệu theo giá đường thực tế trong suốt vụ tiêu thụ đường, chứ không thể theo giá đường trên thị trường ở thời điểm mua đứt bán đoạn mía nguyên liệu, đồng thời cũng chính là mùa vụ sản xuất đường sôi động nhất, cho nên giá đường cũng thường “bèo” nhất trong năm.

(Theo Hoàng Sơn - Hồng Kim Chuyên gia tư vấn Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 50 triệu USD tài trợ cho giáo dục đại học
  • Con số & sự kiện :Cán cân thanh toán tổng thể 2009 thâm hụt 1,9 tỉ USD
  • Cục An toàn VSTP nói gì trước nghi ngại sữa gây "dị ứng"?
  • Vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng có thể bị phạt tới 500 triệu đồng
  • Các Bộ trưởng “trần tình” về chỉ tiêu kinh tế - xã hội
  • Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Sản xuất mẻ xăng A95 và khí Propylene đầu tiên
  • Sắp trình đề án tái cấu trúc nền kinh tế
  • Xây dựng đường Vành đai 3, giai đoạn 2: Cao tốc giữa lòng Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi