Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam cần chuyển từ cạnh tranh về giá cả sang cạnh tranh sáng tạo trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ. Ảnh: Lê Toàn. |
Thị trường viễn thông Việt Nam không còn là mảnh đất màu mỡ và dễ khai thác như những năm trước, các nhà cung cấp dịch vụ đang phải tìm cách tăng trưởng trong môi trường kinh doanh ngày một khó khăn bởi sự bão hòa, nhất là khả năng phát triển khách thuê bao và dịch vụ thoại...
Tham gia Diễn đàn tăng trưởng viễn thông Việt Nam 2010 với chủ đề “Tối đa hóa các cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam” do Bộ Thông tin-Truyền thông phối hợp với Frost & Sullivan tổ chức hôm 14-9, ông Prakash Sadagopan, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng Convergys, cho rằng thị trường viễn thông di động tại Việt Nam sắp bão hòa về dịch vụ thoại và phát triển khách thuê bao. Các nhà cung cấp dịch vụ nên làm gì? “Doanh thu trung bình trên một khách thuê bao cũng ngày càng giảm, vì thế các mạng di động cần đầu tư cho những công nghệ mới để đa dạng hóa dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần sáng tạo những mô hình kinh doanh mới trên cơ sở hạ tầng hiện hữu”, ông Prakash Sadagopan nói.Ở một góc nhìn khác, ông Marc Einstein, người quản lý công nghiệp và công nghệ thông tin khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Frost & Sullivan, cho biết kết quả một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức này ở một số quốc gia trong khu vực cho thấy, Việt Nam đang tụt hậu về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (e-mail, ứng dụng phần mềm, dịch vụ dữ liệu, Internet…) so với các nước khác trong khu vực. “Đây là một thực tế đáng buồn của các doanh nghiệp Việt Nam, song lại chính là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp viễn thông”, ông nói. Ông Marc Einstein cho rằng, để tối đa hóa các cơ hội kinh doanh, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần phải thay đổi mô hình kinh doanh, cần chủ động hơn trong việc ứng dụng công nghệ để tăng cường việc cung cấp dịch vụ ra thị trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với các đối tác để cung cấp các dịch vụ đa dạng cho khách hàng. Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ di động không chỉ cạnh tranh với nhau mà cần phải chấp nhận cạnh tranh cả với những nhà cung cấp dịch vụ Internet. Ông Marc Einstein nói: “3G được triển khai tại Việt Nam khi đã đủ độ chín về công nghệ, thiết bị… do đó cơ hội tăng trưởng cho ngành viễn thông Việt Nam vẫn còn. Vấn đề là, các nhà khai thác dịch vụ viễn thông cần phải nắm bắt những cơ hội đó ra sao mà thôi”. Với kinh nghiệm làm việc và cung cấp dịch vụ tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông Tony Kalcina, Giám đốc sản phẩm của Clarity, cho rằng ngành viễn thông Việt Nam có thể tham khảo những thành công và sai lầm đã diễn ra trên thế giới để tìm ra những bài học và cơ hội cho riêng mình. Ông Tony Kalcina cho rằng những điển hình thành công trong ngành viễn thông trên thế giới thời gian gần đây xuất phát từ cách tiếp cận khách hàng mới. “Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng rồi mới phát triển và ứng dụng công nghệ, chứ không phải sáng tạo công nghệ xong mới đi tìm khách hàng”, ông nói. Ông Tony Kalcina khuyến cáo trên thế giới đã có nhiều sự sáng tạo diễn ra bởi những công ty không có truyền thống về viễn thông. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nếu không nâng cao năng lực trong việc cung cấp những dịch vụ mới và sáng tạo thì sẽ trở thành nhà cung cấp đường truyền Internet thuần túy cho các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet, mà lúc đó thì dịch vụ nội dung lại chiếm phần lớn doanh thu. Ông Tony Kalcina nhấn mạnh: “Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần biết sáng tạo công nghệ hoặc sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ nhưng vẫn cần phải chú ý đến yếu tố làm sao cho những công nghệ đó đem lại hiệu quả trong kinh doanh. Đây là một thách thức lớn cần phải vượt qua. Có nhiều doanh nghiệp biết sáng tạo công nghệ nhưng lại không biết cách thương mại hóa nó nên cũng thất bại trong hoạt động kinh doanh. Viễn thông Việt Nam cần phải chuyển từ cạnh tranh về giá cả sang cạnh tranh sáng tạo trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ”. Nên triển khai WiMAX Việt Nam vừa có một số doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm WiMAX. Ông Michael Lai, Giám đốc điều hành Packet Networks (P1), Malaysia, đơn vị đầu tiên thương mại hóa WiMAX tại Malaysia và châu Á, cho rằng: “P1 mới cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng với công nghệ WiMAX được hai năm tại Malaysia nhưng đã thu hút được hơn 200.000 khách thuê bao. Công nghệ 4G đang tạo ra cơ hội đầu tư và tăng trưởng trong ngành viễn thông. Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng viễn thông nếu nhanh chóng cung cấp dịch vụ WiMAX”. Ông Michael Lai cho rằng Việt Nam có thể áp dụng câu chuyện thành công về WiMAX của P1. Việt Nam và Malaysia có điểm tương đồng về diện tích nhưng dân số Việt Nam đông gấp ba lần Malaysia nên cơ hội phát triển còn lớn hơn. Chưa kể đến tỷ lệ truy cập Internet băng thông rộng ở các gia đình Malaysia hiện khoảng 50%, thì tỷ lệ này ở Việt Nam mới khoảng 20%. Thị trường Internet băng thông rộng cá nhân tại Việt Nam còn hấp dẫn – mới có gần 4% người dân Việt Nam truy cập Internet băng thông rộng cá nhân qua điện thoại, trong khi tại Malaysia là 12%. Theo ông Michael Lai, Việt Nam là một thị trường hứa hẹn nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh WiMAX.Ông Michael Lai nói: “P1 được hình thành bởi niềm tin rằng trong tương lai Internet cũng sẽ trở thành một thứ không thể thiếu và gắn liền với con người như điện. Internet băng thông rộng sẽ như nguồn điện của thế giới số. Trong tương lai, nhu cầu kết nối thông qua Internet sẽ còn cao hơn dịch vụ thoại trong viễn thông di động. Băng thông rộng sẽ không bão hòa như dịch vụ thoại. Thị trường băng thông rộng không bao giờ thấy đủ, bởi thế giới nội dung đang đi nhanh hơn với hạ tầng”. P1 hiện bao phủ khoảng 40% diện tích của Malaysia, 60% còn lại dự kiến sẽ được tiếp cận trong hai năm tới. “Chỉ trong hai năm, P1 đã được công nhận trong khu vực và trên toàn cầu. Sau khi P1 kinh doanh tốt, nhiều đối tác đã tham gia đầu tư vào P1 như: Intel đầu tư 15 triệu đô-la Mỹ, SK Telecom đầu tư 100 triệu đô-la”, ông Michael Lai cho biết. Ông Michael Lai khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng cung cấp dịch vụ WiMAX, và không nên lo lắng vì đây là công nghệ mới. “Với người sử dụng, công nghệ không phải là vấn đề, khách hàng thường không quan tâm đó là công nghệ gì mà chỉ quan tâm doanh nghiệp có cung cấp một dịch vụ băng thông rộng thuận tiện hay không”.P1 có được thành công một phần là nhờ nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Malaysia đã xây dựng chiến lược băng thông rộng quốc gia, có những chương trình miễn thuế 100% cho việc đầu tư vào lĩnh vực băng thông rộng, miễn các loại thuế nhập khẩu các thiết bị liên quan; ban hành chế độ miễn thuế cho những công ty sử dụng Internet băng thông rộng và hỗ trợ 40% phí lắp đặt…
(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com