Hôm qua (ngày 16-9-2009), tại TP Cần Thơ, Bộ môn Di truyền- Giống nông nghiệp (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp cùng Trường Đại học Công- Nông Tokyo (Nhật Bản)... tổ chức hội thảo “Triển vọng tạo nguồn nhiên liệu sinh học tại ĐBSCL”, nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển nhiên liệu sinh học. Hội thảo đã qui tụ các nhà khoa học của Nhật Bản, cùng các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ với báo cáo chuyên đề về hoạt động nghiên cứu sinh khối (BIOMASS) tại ĐBSCL và một số quốc gia vùng Đông Nam Á.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, ĐBSCL có nhiều loại nguyên liệu có thể chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học như: mỡ cá tra, rơm rạ, dừa sáp, cây năn tượng, cây dầu mè, bã mía, đậu nành... Từ nguồn nguyên liệu này đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Công- Nông Tokyo (Nhật Bản) và một số doanh nghiệp tư nhân Cần Thơ chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học, ethanol. Tuy nhiên, các hoạt động nghiên cứu BIOMASS còn khá mới mẻ và đòi hỏi phải có thêm thời gian nghiên cứu để ứng dụng vào cuộc sống. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho hoạt động chế biến ethanol, có đầu ra (tiêu thụ) ổn định, đồng thời không ảnh hưởng đến các ngành sản xuất hàng hóa khác. Các nhà khoa học cho rằng, cần mời gọi đầu tư và có chính sách khích lệ trong nghiên cứu BIOMASS. Qua đó, có thể thay thế dần nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và nông dân tham gia mô hình sẽ có điều kiện gia tăng thu nhập.
Hiện nay, các nhà khoa học Nhật Bản đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng đề án nghiên cứu, lai tạo giống dừa sáp - một nguồn nguyên liệu nhiều triển vọng. Theo tính toán, 1 kg dừa sáp cho 700g cơm dừa, từ đó sẽ trích được 80% dầu...
(Theo Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com