Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến vào Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay thế Luật NHNN hiện hành trước khi trình Kỳ họp Quốc hội thứ 6.
NHNN cần thể hiện được quyền tự chủ, tính độc lập của ngân hàng trung ương |
Theo Dự thảo Luật NHNN thay thế Luật NHNN hiện hành, thì NHNN Việt Nam vẫn là cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Hoạt động của NHNN nhằm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự vận hành an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Dự thảo, NHNN thực hiện nhiệm vụ xây dựng định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định; triển khai các định hướng, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ và các giải pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đạt định hướng chỉ tiêu lạm phát đã được Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Dự thảo chưa trao đầy đủ thẩm quyền cho NHNN với tư cách là một ngân hàng trung ương (NHTW), nên phần nào hạn chế tính linh hoạt và tự chủ của NHNN trong quá trình hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
Trên thế giới có 2 mô hình NHTW: hoặc là cơ quan trực thuộc Quốc hội, hoặc là cơ quan trực thuộc Chính phủ, nhưng dù theo mô hình nào thì về nguyên tắc, NHTW cũng đều phải đảm bảo tính độc lập trong việc thực thi chính sách tiền tệ quốc gia và giám sát an toàn của hệ thống tài chính - tín dụng vì mục tiêu ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Văn Tuyến (Đại học Luật Hà Nội), nếu Việt Nam lựa chọn mô hình coi NHTW là cơ quan của Chính phủ, thì cũng cần nhìn nhận cơ quan này như là một thiết chế đặc biệt, không hoàn toàn là một cơ quan hành chính.
Đánh giá Dự thảo Luật NHNN, ông Tuyến cho rằng, nhìn tổng thể, NHNN vẫn là một cơ quan hành chính, với một số hoạt động đặc thù. Điều này thể hiện ở chỗ, việc thiết kế bộ máy tổ chức của NHNN quá cồng kềnh, với hệ thống chi nhánh tại các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và vẫn rất coi trọng hoạt động quản lý hành chính nhà nước giống như tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính.
Ông Tuyến đề xuất, việc thiết kế Luật NHNN cần đảm bảo tính tương đồng với thông lệ quốc tế, nghĩa là tăng cường chức năng giám sát của NHTW đối với hệ thống tổ chức tín dụng thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô và hạn chế việc sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp sâu và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Các quy định về chức năng và thẩm quyền của NHTW cần được thiết kế theo hướng chuyển dần chức năng quản lý hành chính nhà nước thành chức năng giám sát và kiểm soát an toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời với việc cải cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức của NHTW bằng việc thành lập chi nhánh cấp vùng, thay vì đặt các chi nhánh cấp tỉnh như hiện nay.
Luật gia Vũ Xuân Tiền (Hội Luật gia Hà Nội) cũng đề xuất nên xây dựng một NHTW có vị trí tương đối độc lập với các cơ quan khác, như NHTW của Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, Mexico... Còn nếu Quốc hội vẫn nhất trí thông qua mô hình NHNN như Dự thảo, thì cũng cần phải có khái niệm giải thích cụ thể về cơ quan ngang bộ, bởi hiện nay, chưa thấy văn bản nào quy định về cơ quan ngang bộ.
Tổ chức, hoạt động của NHTW ảnh hưởng rất lớn đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng, ổn định giá trị đồng tiền, an ninh tiền tệ của một quốc gia, vì vậy, TS. Lê Thị Thu Thủy (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng theo quan điểm là Luật NHNN phải thể hiện được quyền tự chủ, tính độc lập của NHTW trong việc hoạch định và thực hiện các vấn đề về chính sách tiền tệ quốc gia.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com