Năm 2009, ngành thuế gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ thu do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong nước và thế giới. Từ nay đến cuối năm, ngành thuế đã xác định phải nỗ lực thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp mới có thể khai thác tích cực các nguồn thu bù đắp số thiếu hụt do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế.
Sụt giảm và khó khăn
Tổng thu nội địa 7 tháng đầu năm do ngành thuế quản lý ước đạt 57,5% dự toán, bằng 91,3% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 48,7% dự toán, bằng 72% so cùng kỳ. Thu nội địa không kể dầu thô ước đạt 59,9% dự toán, bằng 97% so cùng kỳ.
Nhiều khoản thu quan trọng đạt thấp so với mức thực hiện cùng kỳ cả về số tuyệt đối và tiến độ thực hiện dự toán như thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,9% dự toán, giảm 3,4% so với cùng kỳ; khu vực ngoài quốc doanh đạt 55%, giảm 5,6% so với cùng kỳ; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 49,6% dự toán, bằng 74,1% so với cùng kỳ;... Một số khoản thu bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán, tăng so với cùng kỳ năm trước như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 69,2% dự toán, tăng 4,1% so với cùng kỳ, lệ phí trước bạ ước đạt 60,8%, tăng 0,7%. Có 29/63 địa phương thu bảy tháng đạt khá, hơn 65% dự toán, 49/63 địa phương có mức tăng so với cùng kỳ, còn lại 14/63 địa phương thu giảm so cùng kỳ.
Nhiệm vụ công tác thuế năm 2009 triển khai trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến kinh tế nước ta làm cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm, nhiều ngành sản xuất phải cắt giảm và thu hẹp. Ngoài ra, còn thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên cả nước ảnh hưởng trực tiếp việc làm và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về việc miễn, giảm thuế và giãn thuế trên diện rộng, góp phần tích cực vào kết quả bước đầu ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Tuy nhiên, do thực hiện các biện pháp miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh gặp khó khăn, số thuế dự tính giảm là 20.200 tỷ đồng, trong đó: giảm, giãn khoảng mười nghìn tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại Thông tư 03/2009/TT-BTC, Thông tư số 12/2009/TT-BTC và Thông tư số 85/2009/TT-BTC; giảm khoảng 4.600 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Thông tư số 13/2009/TT-BTC và Thông tư số 85/2009/TT-BTC; miễn hơn 4.500 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân quy định tại Thông tư số 27/2009/TT-BTC; giảm 1.100 tỷ đồng lệ phí trước bạ theo Thông tư 85/2009/TT-BTC đã tạo áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2009 của ngành thuế. Thêm vào đó, năm 2009, nhiều luật thuế được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm thu, tích tụ vốn cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sự suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) sáu tháng đầu năm đạt 3,9%, thấp hơn nhiều so mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2008 và mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2009 (tăng 6,5%). Nhiều mặt hàng có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tiêu thụ chậm như ô-tô giảm 26,8% so với cùng kỳ; giá khí giảm nhiều so cùng kỳ và hụt thu lớn; cà-phê mặc dù tăng 22,3% về lượng nhưng doanh thu lại giảm 12,2%, cao-su giảm 0,7% về lượng, và giảm 44,1% về doanh thu, thủy sản giảm 10,7% về doanh thu... Kinh tế suy giảm còn ảnh hưởng lớn việc triển khai đấu giá đất của các dự án, làm giảm các nguồn thu liên quan như lệ phí trước bạ nhà, đất; thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản... Theo thống kê ban đầu, suy giảm kinh tế tác động làm giảm thu NSNN trong sáu tháng khoảng hơn 4.800 tỷ đồng so với dự toán.
Thực hiện các giải pháp
Ðối với thu ngân sách từ nay đến hết năm 2009, toàn ngành phải thực hiện tốt công tác dự báo khả năng thực hiện nhiệm vụ thu trên địa bàn, có biện pháp khai thác những nguồn thu có tiềm năng để bù đắp phần thiếu hụt do tác động của các chính sách miễn, giảm, giãn thuế. Các khoản thu liên quan đến đất, cho thuê đất, ngành thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nắm bắt, rà soát, kiểm tra toàn bộ danh sách các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn; tổng hợp đầy đủ từng đối tượng được giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng bất động sản,... để tổ chức thu các khoản thu liên quan theo quy định.
Tăng cường quản lý thuế đối với các lĩnh vực, mặt hàng có thế mạnh, khai thác những nguồn thu có tiềm năng. Tăng cường kiểm tra, rà soát kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp để có các biện pháp chấn chỉnh, xử phạt nghiêm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế và hoàn thuế, thường xuyên rà soát để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời những đối tượng có dấu hiệu gian lận thuế để thu được tiền thuế, tiền phạt vào NSNN đúng thời hạn. Xử lý dứt điểm, và kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp dây dưa, chây ỳ để đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản nợ đọng để phấn đấu giảm hụt thu tới mức thấp nhất.
Ðẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những thủ tục hành chính không phù hợp, những khâu công việc còn chậm trễ để có biện pháp khắc phục ngay, rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian tuân thủ thuế, thực hiện kê khai nộp thuế và thủ tục hành chính thuế. Tiếp tục triển khai cơ chế "một cửa" trong việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu thủ tục hành chính thuế. Triển khai cơ chế một cửa liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp dấu. Từng bước áp dụng hình thức kê khai thuế điện tử, mở rộng mạng lưới nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế,... Cùng với việc tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, phối hợp các ngành, các cấp giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện được tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Riêng đối với thuế thu nhập cá nhân, tổ chức triển khai thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh vào ngân sách Nhà nước ngay sau khi hết thời hạn miễn thuế. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị chi trả thu nhập và các cá nhân nộp thuế trong việc xác định thu nhập chịu thuế, kê khai giảm trừ gia cảnh, khấu trừ, tính thuế.
Kinh tế suy giảm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Tuy các gói giải pháp chống suy giảm, kích cầu của Chính phủ đã hỗ trợ kịp thời và phát huy tác dụng. Song, hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn số doanh nghiệp vẫn khó đạt được kết quả như mong muốn trong năm 2009. Do đó, để thu hồi, ngăn chặn nợ đọng gia tăng thì ngoài việc thực hiện linh hoạt những giải pháp xử lý nợ đọng thuế của cơ quan thuế rất cần có sự nỗ lực, tự giác của cộng đồng doanh nghiệp. Ngành thuế đã và đang tập trung rà soát, đối chiếu, đánh giá, xác định nguyên nhân nợ thuế, thực hiện gia hạn nộp thuế đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ thuế đối với những trường hợp có khả năng nộp nhưng chây ỳ.
Ngoài ra, trong công tác đấu tranh chống nợ đọng thuế rất cần có sự phối hợp của người dân và của các cơ quan chức năng để thu thập thông tin về tình trạng nợ đọng thuế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của người nộp thuế, tuyên truyền chính sách thuế cho nhân dân hiểu và tự giác chấp hành.
(Theo GIA ÐOAN // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com