Thủy điện hiện cung cấp 6.500 MW trong tổng nguồn cấp điện hiện nay là 19.000 MW (chiếm 34%). Thủy điện chiếm tỷ trọng khá lớn bởi giá thành phát điện của thủy điện rẻ hơn so với nhiệt điện chạy than, khí và dầu. Cũng chính từ thực tế đó mà thủy điện vẫn là lựa chọn đầu tư đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy có đóng góp không nhỏ vào hệ thống điện quốc gia, nhưng thủy điện cũng luôn khiến ngành điện ở thế bị động, do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Hệ quả là, cả nền kinh tế luôn lo lắng thiếu điện mỗi khi mưa ít, lũ không có.
Thực tế cho thấy, năm 2008, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát được 10,141 tỷ kWh điện, nhưng năm nay, kế hoạch đặt ra cho nhà máy điện này chỉ là 8,5 tỷ kWh mà cũng rất khó đạt được (tính đến ngày 20/9 mới phát được 5,5 tỷ kWh, bằng 62% kế hoạch).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tính đến giữa tháng 9, tổng lượng nước đến hồ Hòa Bình là 2,398 tỷ m3, hụt 35,3% so với mức 3,707 tỷ m3 của trung bình nhiều năm; hồ Tuyên Quang đạt 513 triệu m3, hụt 16,4% so với trung bình nhiều năm (614 triệu m3); đến hồ Thác Bà là 341 triệu m3, hụt 27,3% so với trung bình nhiều năm (469 triệu m3). Hiện tại, tổng lượng nước ở 3 hồ này là 9,470 tỷ m3, ít hơn 2 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2009.
Ở các hồ thủy điện nói chung, nguyên nhân thiếu hụt là do mưa ít. Còn với riêng hồ thủy điện Hòa Bình còn có lý do từ việc hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước từ ngày 15/5/2010 để chuẩn bị cho việc phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 12 năm nay. Tính tới nay, lượng nước đã giữ lại trong hồ Sơn La là 1,675 tỷ m3.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, với các dự báo hiện nay thì còn thiếu khoảng 7,6 tỷ m3 nước mới hoàn thành kế hoạch sản lượng điện giao đầu năm và đảm bảo tích nước hồ Sơn La. Nhưng ngay cả trường hợp không phải tích nước hồ Sơn La và nếu nước hồ Hòa Bình giữ nguyên ở mức hiện nay thì sản lượng điện phát ra cũng chỉ đạt 7,5 tỷ kWh, kém xa so với con số 10,141 tỷ kWh của năm 2008.
Tình trạng nghiêm trọng cũng diễn ra tương tự ở miền Trung, do mưa ít.
Thiếu nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cấp điện, nên EVN đã dự tính đề nghị các cơ sở sản xuất thép, xi măng chia sẻ khó khăn này, khi tổng mức tiêu thụ điện của các cơ sở sản xuất thép và xi măng hiện nay gần 3.500 MW.
Tuy nhiên, xét về sâu xa, việc phụ thuộc lớn vào thủy điện và kéo theo là phụ thuộc vào thời tiết - vốn là yếu tố khó dự báo, sẽ chưa thể thay đổi ngay, nếu giá điện vẫn chưa theo cơ chế thị trường. Thực tế cho thấy, dù có nhiều dự án được đưa ra để nhà đầu tư ngắm nghía, lựa chọn, nhưng việc triển khai còn rất hạn chế.
Cho tới thời điểm hiện nay, Dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường đang được Bộ Công thương hoàn thiện. Một quan chức của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, do chi phí phát điện chiếm trên 70% tổng chi phí và biến động nhiều theo giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, nên trong thiết kế cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường, giá bán điện được điều chỉnh định kỳ tự động để thu hồi các phát sinh chi phí khi giá nhiên liệu cho phát điện (than, khí, dầu) và tỷ giá ngoại tệ biến động so với giá tính toán trong phương án giá điện cơ sở hàng năm.
Trong khi đó, chi phí truyền tải điện chỉ chiếm 7 - 8%, chi phí phân phối và bán lẻ điện chiếm dưới 20% trong tổng chi phí sản xuất - kinh doanh điện hàng năm. Chi phí của các khâu này không chịu tác động do biến động của giá nhiên liệu trong năm, đồng thời ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá do chiếm tỷ trọng nhỏ, nên được điều chỉnh theo từng năm.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com