Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, hướng nào?

Giá trị của ngành công nghiệp nội dung có tới 70- 80% là “của những người chơi game đóng góp". - tinkinhte.com
Giá trị của ngành công nghiệp nội dung có tới 70- 80% là “của những người chơi game đóng góp".

Mặc dù ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã và đang tăng trưởng khá nhanh nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, manh mún và năng suất thấp.

Mạnh số lượng, yếu chất lượng
 
Tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/12, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ năm 2000 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp công nghệ thông tin luôn đạt từ 20- 25%/năm. Năm 2008, doanh thu của ngành này đạt hơn 5,22 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2007; năm 2009 cũng ước đạt gần 20%, tương đương khoảng 6,26 tỷ USD.

Nổi bật là một số ngành như công nghiệp phần mềm, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình là 35%/năm; công nghiệp nội dung số tăng trên 55%/năm; công nghiệp phần cứng, điện tử luôn thuộc top 10 ngành công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao; đã có nhiều khu công nghiệp, trung tâm công nghệ thông tin tập trung ở Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…

Mặc dù vậy, theo ông Đường, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ thông tin đều có quy mô nhỏ, manh mún và năng suất thấp. Như ngành công nghiệp điện tử và phần cứng máy tính đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại có giá trị gia tăng rất thấp, chủ yếu là lắp ráp, trong khi công nghệ lõi - lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao thì lại chưa được đầu tư.

Ngành công nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng phát triển chủ yếu là… tự phát, mới chỉ tập trung vào các dịch vụ giải trí, các sản phẩm nội dung số nhập ngoại vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các sản phẩm được phát hành.

“Dù ngành công nghiệp nội dung số đạt 700 hay 800 triệu USD nhưng có tới 70- 80% giá trị là “của những người chơi game đóng góp”, chứ đâu phải mạnh về sản xuất, ngành công nghiệp nội dung số đã có gì đâu”, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty phần mềm Quang Trung nói.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những năm tới, ngành này sẽ còn phát triển rất mạnh do xu hướng hội tụ ngày càng sâu rộng giữa điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin. Đặc biệt là ngành nội dung số sẽ có xu hướng phát triển bùng phát, khi các dịch vụ, tiện ích được dự báo sẽ phát triển mạnh trên nền công nghệ 3G.

“Hơn nữa, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp của nhiều nhà đầu tư và các công ty đa quốc gia, như Intel, Samsung, Foxcon…”, báo cáo của Bộ này cho biết.
    
Cần có những công ty chiến lược

Theo dự tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2015, doanh thu của toàn ngành này sẽ đạt khoảng 25,5 tỷ USD, với tốc độ trung bình hàng năm là 20%, trong đó công nghiệp phần cứng là 8 tỷ USD, phần mềm là 2,2 tỷ; nội dung số là 2,3 tỷ và công nghiệp viễn thông là 13 tỷ USD. Còn mục tiêu đến năm 2020, doanh thu toàn ngành đạt khoảng 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều chuyên gia tâm huyết đặt ra là liệu Việt Nam sẽ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin theo hướng mạnh về sản xuất, để tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng của Việt Nam hay chỉ là nước tiêu thụ, ứng dụng mạnh các sản phẩm, phát minh của thế giới.

Một số ý kiến cho rằng, để có một nền công nghiệp công nghệ thông tin mạnh thì Việt Nam phải có những công ty, tập đoàn chiến lược của mình.

Sở dĩ nền công nghiệp công nghệ thông tin của Trung Quốc đang phát triển mạnh là do nhà nước này đã có những chính sách hỗ trợ, đầu tư rất mạnh vào các công ty chiến lược của mình như Huawei, ZTE, Lenovo và lấy các công ty này làm xương sống để phát triển.

Trong khi đó, theo ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ DVJ VinaCapital, lý do Đài Loan cũng có nền công nghiệp công nghệ thông tin đang khá phát triển là nhà nước đã có chính sách mạnh để “kéo” những kỹ sư Đài Loan đang làm bên Mỹ về để xây dựng các trung tâm sản xuất phần cứng của quốc gia.

“Để phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, Việt Nam cần phải có những chính sách riêng để xây dựng các công ty, trung tâm chiến lược, mạnh về công nghệ thông tin cho Việt Nam và trong chuỗi cung ứng sản phẩm quốc tế”, ông Phúc chia sẻ.

(Theo Mạnh Chung // Vneconomy)

  • Vượt qua thiên tai, nông nghiệp giành thắng lợi toàn diện
  • Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009 đạt 1197,5 nghìn tỷ đồng
  • 2010 sẽ đạt 1,2 triệu tấn hàng qua cảng Chân Mây
  • Hướng tới hạ giá thành điện năng tại Việt Nam
  • Ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế
  • Năng lượng mặt trời, tiềm năng lớn ở Việt Nam
  • “Không có chuyện khan hiếm gạo”
  • Vinafood 2: Nên bán gạo cho Philippines
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi