Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vượt qua thiên tai, nông nghiệp giành thắng lợi toàn diện

Khép lại năm 2009, ngành nông nghiệp đã trải qua nhiều khó khăn như bão lũ ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên; rét, hạn hán ở các tỉnh phía bắc; triều cường, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía nam; sâu bệnh gây hại nhiều diện tích lúa trên cả nước. Với sự điều hành của Chính phủ cùng nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và bà con nông dân, ngành nông nghiệp vẫn có được những kết quả khả quan.
 
Tăng sản lượng vụ đông-xuân

Năm 2009, là năm được dự báo có nhiều khó khăn hơn so với năm 2008 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do vậy, việc duy trì sự tăng trưởng bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành nông nghiệp đặt ra. Ngay từ đầu năm, ngành tập trung triển khai các chương trình nhằm đưa nông nghiệp từng bước tiến nhanh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết thúc năm 2009, cả nước gieo trồng 7,38 triệu ha, năng suất lúa đạt 52,8 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 38,9 triệu tấn, tăng 200 nghìn tấn so với năm 2008.

Vụ đông xuân 2008-2009, các tỉnh phía bắc gieo cấy hơn một triệu ha lúa, đạt sản lượng hơn 6,7 triệu tấn, tăng 10 nghìn tấn so vụ đông xuân trước. Diện tích lúa lai thương phẩm ở các tỉnh tăng lên gần 100 nghìn ha. Ngoài ra, diện tích rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày đều vượt so với cùng kỳ, trong đó, đậu tương tăng 1.600 ha. Mặc dù, diễn biến thời tiết phức tạp và bất lợi kéo dài trong suốt những thời điểm sinh trưởng quan trọng của lúa đông xuân đã hạn chế và ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lúa, trong đó phải kể đến như: nhiệt độ bình quân cao hơn mọi năm, chế độ mưa bất thường, đợt gió mùa muộn vào đúng thời điểm lúa trỗ; thời tiết bất thường tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Tuy nhiên, những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết và sâu bệnh đã phần nào được khắc phục nhờ chủ trương tăng cường trà lúa xuân muộn dựa trên cơ sở những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, sức chống chịu tốt. Cộng với việc giá phân bón giảm mạnh là một trong những nhân tố góp phần quan trọng và tích cực vào kết quả khả quan của vụ đông xuân năm 2008-2009. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm rút ra trong những năm gần đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chỉ đạo các địa phương chuyển mạnh sang trà lúa xuân muộn và trà lúa mùa sớm để tận dụng giai đoạn thời tiết thuận lợi, vừa tránh được những đợt rét hại vừa hạn chế ảnh hưởng của vụ xuân ấm, đồng thời đổi mới cơ cấu giống lúa theo hướng tăng cường sử dụng các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, sức chống chịu tốt, năng suất cao thay cho những giống dễ nhiễm sâu bệnh hiện nay.

Các địa phương vùng duyên hải miền trung diện tích xuống giống toàn vùng trong vụ đông xuân 2008-2009 đạt 101,1% kế hoạch. Tuy mưa lũ đầu vụ gây thiệt hại gần 30 nghìn ha lúa đã gieo sạ, nông dân bị động không có giống để gieo sạ lại, nhưng được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và kinh phí địa phương, các tỉnh đã tập trung được nguồn hạt giống lúa lai, lúa thuần bảo đảm chất lượng cung ứng cho nông dân... Kết thúc vụ đông xuân, toàn vùng đạt bình quân trên 55 tạ/ha, tăng hơn năm trước khoảng bảy tạ/ha; sản lượng đạt hơn nghìn tấn, tăng hơn năm 2008 khoảng 120 nghìn tấn. Vụ đông xuân bội thu làm nức lòng nông dân các tỉnh thành khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Ðây cũng là tiền đề khá thuận lợi cho sản xuất hè thu.

Tại đồng bằng sông Cửu Long vụ đông xuân 2008-2009, bà con nông dân xuống giống hơn một triệu ha, đạt 102,23% kế hoạch, tăng 18.000 ha so với cùng kỳ. Trong thắng lợi đó, về mặt chính quyền, các địa phương trong vùng đã chỉ đạo tốt cơ cấu thời vụ bảo đảm gieo sạ tập trung, tránh rầy. Mặc dù thời vụ bị ảnh hưởng do nước rút chậm nhưng nông dân đã kịp thời đưa nhiều giống lúa mới, phẩm chất gạo tốt, năng suất cao, kháng sâu bệnh vào sản xuất; cân đối tỷ lệ trồng các giống lúa thường và lúa chất lượng cao trên đồng không vượt quá 30% mỗi giống. Nhờ tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo khoa học của ngành nông nghiệp, như làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng, chủ động nước tưới tiêu, gieo sạ đồng loạt, phòng trừ sâu bệnh, thâm canh tổng hợp, quản lý dịch hại theo phương pháp IPM, bón phân cân đối, rầy nâu và nhiều loại dịch bệnh khác không bùng phát, lúa phát triển tốt. Các địa phương phân công cán bộ kỹ thuật bám cơ sở, cùng nông dân giám sát đồng ruộng, chăm sóc lúa theo biện pháp khoa học hữu hiệu nên vụ đông xuân này các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa, với sản lượng đạt gần 10 triệu tấn.

Nâng chất lượng rau màu

Cục Trồng trọt cho biết, diện tích cây vụ đông năm nay chỉ đạt khoảng 500 nghìn ha, thấp hơn so với kế hoạch khoảng 70 nghìn ha. Trong đó, diện tích ngô là 155 nghìn ha, hầu hết các vùng đều thấp hơn kế hoạch. Các tỉnh có diện tích ngô giảm so với vụ đông 2008 là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ và Nam Ðịnh. Nguyên nhân chính làm diện tích ngô giảm là do mưa bão gây ngập úng ở Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó trồng ngô yêu cầu thời vụ nghiêm ngặt, chi phí giống, phân bón cao nhưng giá ngô không cao, hiệu quả thấp hơn các cây khác nên nông dân không mở rộng diện tích. Nhưng tại các vùng đồng bằng ven đô thị, nhóm ngô nếp, ngô thực phẩm tiếp tục tăng do có hiệu quả kinh tế khá cao, thân lá tươi làm thức ăn xanh cho gia súc trong mùa đông. Hầu hết diện tích bảo đảm thời vụ, thời tiết đầu vụ mưa đều, thuận lợi cho ngô sinh trưởng phát triển tốt. Ðối với cây đậu tương, diện tích ước đạt 80,5 nghìn ha, bằng 107% so cùng kỳ. Ðiều đáng ghi nhận đối với đậu tương đông 2009 là có hơn 50 nghìn ha diện tích đậu tương gieo vãi, trong đó Hà Nội khoảng 21 nghìn ha, Hà Nam 11,2 nghìn ha, Thái Bình 8,2 nghìn ha, Ninh Bình 5,5 nghìn ha. Cây lạc diện tích khoảng tám nghìn ha bằng 90% kế hoạch, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng gieo trồng 1,6 nghìn ha, đông bắc 1,57 nghìn ha, tây bắc 400 ha...  Rau đậu các loại diện tích gieo trồng đạt hơn 100 nghìn ha. Hiện nay, nhóm rau ưa ấm như dưa chuột, bí xanh được gieo trồng trên đất chuyên màu nhiều diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Ðiều đáng mừng trong sản xuất rau vụ đông 2009 là nhiều địa phương đã tập trung đẩy mạnh sản xuất rau theo VietGAP, phục vụ công nghiệp chế biến và sản xuất theo hợp đồng được gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh đã tổ chức liên kết sản xuất vùng rau an toàn với quy mô 15 nghìn ha, trong số đó có 700 ha đã được kiểm soát về mẫu đất, nước và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT.

Chủ động đối phó với biến đổi khí hậu

Vụ đông xuân 2009-2010 phía bắc có kế hoạch gieo cấy lúa hơn 1,1 triệu ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 60,6 tạ/ha, sản lượng bảy triệu tấn. Tuy nhiên, theo dự báo, do lượng mưa thấp hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm nên dòng chảy các sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 30%, lượng nước dự trữ tại các hồ thủy điện giảm. Trong đó, mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuống thấp, khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước và khô hạn trên diện rộng ở vùng Ðông Bắc, miền núi phía bắc và trung du Bắc Bộ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ðể chủ động chống hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương cần theo dõi diễn biến của thời tiết để vận hành tích nước cho các hồ chứa, quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi... bảo đảm cấp nước suốt vụ; tổ chức nạo vét các cửa dẫn nước, hệ thống kênh mương và thủy lợi nội đồng, sửa chữa cống lấy nước... bảo đảm đủ điều kiện đưa nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng và chuẩn bị các phương tiện để hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần có giải pháp chuyển sang trồng cây cạn đối với những chân ruộng cao, xa nguồn nước tưới. Các địa phương cần lưu ý bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen trên lúa, ngô xuất hiện ở nhiều nơi tại các tỉnh miền bắc để có biện pháp phòng trừ triệt để ngay từ đầu tránh nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng. Ðối với vụ đông xuân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến nay đã xuống giống hơn 800 nghìn ha đạt 54,2% so kế hoạch. Nhìn chung thời vụ xuống giống lúa vụ đông xuân 2009-2010 các địa phương đã thực hiện triệt để theo khuyến cáo tránh rầy trong toàn vùng và căn cứ vào dự báo rầy nâu di trú của từng tỉnh trên cơ sở theo dõi bẫy đèn. Các nguyên tắc xuống giống tập trung, tránh rầy trong từng khu vực, từng cánh đồng đã được áp dụng một cách kiên quyết, đồng bộ. Tuy nhiên, để vụ đông xuân có kết quả tốt các địa phương nên có kế hoạch bơm tát để xuống giống ở vùng ảnh hưởng nước lũ rút chậm, gia cố đê bao, bờ vùng, bờ thửa để chủ động trong việc xuống giống lúa theo thời vụ; kiên trì bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao. Từng tỉnh, thành một số giống chủ lực, giống bổ sung và một vài giống lúa triển vọng để có thể thay thế khi gặp những điều kiện không thuận lợi. Ðặc biệt cần chú ý theo dõi bệnh đạo ôn trên lúa đông xuân và các dịch bệnh khác để phòng trừ kịp thời.

 

(Theo Bài và ảnh: Hoàng Hùng/NhanDan)

  • Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009 đạt 1197,5 nghìn tỷ đồng
  • 2010 sẽ đạt 1,2 triệu tấn hàng qua cảng Chân Mây
  • Hướng tới hạ giá thành điện năng tại Việt Nam
  • Ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế
  • Năng lượng mặt trời, tiềm năng lớn ở Việt Nam
  • “Không có chuyện khan hiếm gạo”
  • Vinafood 2: Nên bán gạo cho Philippines
  • Sẽ đổi mới để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi