Theo Sở Công thương, các ngành công nghiệp (CN) ưu tiên, CN mũi nhọn TP năm 2010 đạt giá trị SXCN 71.621 tỷ đồng, chiếm 68,5% toàn ngành CN Hà Nội, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2010 đạt 15,81%, cao hơn mức chung 11,34% của ngành CN toàn TP. Điều đó cho thấy vai trò then chốt của các ngành CN này.
Thực tế có nhiều sản phẩm CN ưu tiên mũi nhọn (ƯTMN) liên tục vươn lên vào nhóm dẫn đầu cả nước về uy tín thương hiệu: Ngành cơ khí có sản phẩm ôtô tải, ôtô khách, trạm trộn bê tông, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, cửa nhựa nhôm…; ngành dệt may có màn tuyn, giày xuất khẩu (XK); hay ngành chế biến với sản phẩm bia, sữa tươi, sữa chua… Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành CN này cũng tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới… Năm 2010, ngành CN ƯTMN giải quyết việc làm cho gần 3,1 vạn lao động, chiếm 1/2 tổng số lao động toàn ngành CN Hà Nội; Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn mặt bằng chung, thể hiện ở số lượng lớn DN nộp ngân sách cao, thu nhập khá…
Tuy nhiên, mặc dù ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội đã hình thành từ giai đoạn đầu đổi mới (năm 1986), song theo TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc Trung tâm thông tin và Nghiên cứu khoa học NXB Chính trị quốc gia, vốn trải qua nhiều cương vị công tác tại Hà Nội, đánh giá: Hà Nội chưa có phương pháp đúng đắn xác định mũi nhọn kinh tế, việc triển khai thực hiện chưa tốt do cơ chế tổ chức thiếu đồng bộ, quyết tâm chưa cao. TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội thì cho rằng: CN ƯTMN không nhất thành bất biến mà phải được thường xuyên bổ sung lĩnh vực, sản phẩm mới. Ví dụ Thủ đô là nơi tập trung nhiều nhất về nghề và làng nghề thủ công nghiệp, trong đó có những nghề có thể phát triển dần thành ngành mũi nhọn, như sản xuất đồ gỗ cao cấp với thị trường ngày mở rộng. Ngành mũi nhọn bên cạnh gắn với XK thì phải tìm cách chiếm lĩnh thị trường trong nước.
"Ngành CN ƯTMN của Hà Nội phải tạo được bản sắc riêng, không cần dàn trải mà cần lựa chọn ngành mũi nhọn trên cơ sở sản phẩm mũi nhọn" - GS. Phạm Đắp, ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận định. Muốn vậy, Sở Công thương cần nhanh chóng khảo sát sâu rộng, nhắm vào các DN thế mạnh điển hình, mời các chuyên gia phân tích kỹ lưỡng để tìm ra sản phẩm mũi nhọn. Khi lựa chọn rồi thì cần chính sách phát triển cụ thể. Chẳng hạn, nếu Hà Nội chọn sản xuất lắp ráp xe máy là ngành mũi nhọn thì phải vạch ra lộ trình tăng tỷ lệ nội địa hóa cho nó, hoặc chọn may cao cấp là mũi nhọn thì cần chuyển từ gia công sang may thương hiệu giá trị cao.
Ngành may mặc của Hà Nội là ngành giải quyết nhiều lao động và có kim ngạch XK lớn, nên nhiều ý kiến cho rằng cần được ưu tiên phát triển. Ông Thân Đức Việt - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho rằng: Chúng ta không thể làm hết từ A - Z, mà cần tập trung vào công đoạn hoặc sản phẩm có lợi thế. Đối với May 10, đó là sản phẩm bộ vest và sơ mi XK. Sở dĩ hàng may mặc Trung Quốc cạnh tranh tốt chính bởi họ chú trọng đầu tư phát triển vùng dệt may chuyên doanh để tạo sản lượng lớn. Ví dụ như xác định Quảng Châu là kinh đô quần bò thế giới, họ đã quy hoạch riêng một vùng, đầu tư khu công nghiệp với nhà xưởng và hệ thống xử lý nước thải hiện đại, DN chỉ cần lắp đặt máy móc là hoạt động được ngay. "Về nghiên cứu phát triển, không có Nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi cũng phải làm. Nhưng dù ít dù nhiều, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tận dụng. Nên nếu có khoản hỗ trợ nào của Nhà nước, cần sớm thông tin cụ thể cho DN" - ông Việt nói.
(Báo điện tử Kinh tế & Đô thị)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com