Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam. Tuyến đường này bắt đầu tại cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc (xã Bình Ngọc, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) với chiều dài khoảng 3.041 km.
Việt Nam quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển dài 3.041 km |
Đây là tuyến đường bộ đi sát biển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Tuyến đường bộ ven biển được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có kết hợp với việc đầu tư xây dựng mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông và phù hợp với các quy hoạch khác trong vùng, khu vực. Đây không phải là một trục dọc quốc gia, chưa liên tục tại các cửa sông lớn.
Tuyến đường bộ ven biển được xây dựng phải phù hợp với điều kiện thủy, hải văn và đặc biệt lưu ý tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển có thể kết hợp với hệ thống đê biển và hệ thống đường phòng thủ ven biển nhằm tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 892 km đường ven biển với số vốn dự kiến là 16.012,69 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện khoảng 1.058 km vào giai đoạn sau năm 2020 với số vốn 12.119,62 tỷ đồng.
Tổng quỹ đất cần bổ sung cho việc xây dựng tuyến đường bộ ven biển khoảng 5.889,78 ha (trong đó diện tích đất nông nghiệp ước tính khoảng 333,97 ha).
Được biết, trong Giai đoạn I (từ nay đến năm 2020) sẽ tập trung xây dựng các đoạn tuyến tại các vùng kinh tế trọng điểm và 15 khu kinh tế ven biển đã được xác định trong Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020 gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam (Nghệ An), Vũng áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiê Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Văn Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Định An (Trà Vình), Năm Căn (Cà Mau). Giai đoạn II (sau năm 2020) sẽ xây dựng mới các đoạn chưa có đường để hình thành tuyến đường bộ ven biển trên toàn quốc và nâng cấp, cải tạo các đoạn tuyến theo quy mô đã được xác định trong quy hoạch nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến đường bộ ven biển quốc gia. Nước ta có tới 3.260 km đường bờ biển. Hiện tại, đã hình thành các quốc lộ dọc ven biển và một số địa phương, một số khu kinh tế biển đã xây dựng hoặc lập quy hoạch các tuyến đường ven biển. “Đây là hoạt động khởi đầu cho việc hoàn thiện sớm tuyến đường bộ ven biển đi qua các khu vực kinh tế biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020. Quy hoạch chi tiết toàn tuyến đường bộ ven biển là rất cần thiết, được xây dựng nhằm tạo sự thống nhất và phối hợp tốt với các quy hoạch khác của khu vực ven biển tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế biển”, ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá. |
(Theo Phương Mai // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com