Lắp đặt thiết bị công nghệ dàn khoan cho JVPC |
Ngay từ đầu năm, hoạt động SXCN trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức như: giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng trên thế giới tăng mạnh; lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng ở mức cao, các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Sớm nhận thức điều này, Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP tháng 1-2010 nhằm bảo đảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều giải pháp thúc đẩy SXCN, như: điều hành linh hoạt công cụ tiền tệ, chính sách tín dụng, thuế, tạo điều kiện cho DN và người dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Ðến tháng 4-2010, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP vào tháng 4-2010 về ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, trong đó chỉ đạo Bộ Công thương rà soát, đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; bảo đảm hàng hóa lưu thông thuận lợi; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Do đó, SXCN mặc dù có nhiều khó khăn, thậm chí, tháng 2 chỉ đạt giá trị gần 51 nghìn tỷ đồng, bằng 97% so cùng kỳ năm 2008, giảm gần 12 nghìn tỷ đồng so tháng 1-2010, nhưng từ các tháng sau, tình hình được cải thiện. Quý I-2010, giá trị SXCN đạt hơn 173 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN các tháng sau luôn cao hơn các tháng trước. Năm 2010 cũng là năm diễn biến thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài nên các nhà máy thủy điện không phát đủ công suất, dẫn đến tình trạng thiếu điện, phải cắt điện luân phiên, nhất là các tháng 6 và 7, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương liên tục chỉ đạo ngành điện và các đơn vị liên quan khắc phục mọi khó khăn, huy động mọi nguồn phát, kể cả nguồn giá thành cao, bảo đảm cung ứng đủ điện... Những tháng cuối năm, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp: giá các nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, nhiều nước lớn điều chỉnh chính sách tiền tệ, ảnh hưởng không nhỏ tới các nước khác; tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do trong nước tăng cao và biến động giá vàng tạo áp lực lên giá cả tiêu dùng, lương thực, thực phẩm; các tỉnh miền trung, Nam Trung Bộ bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, mưa lũ hoành hành, ảnh hưởng lớn sản xuất và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành, đến nay, giá trị SXCN tháng 11 ước đạt gần 71,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng 10 và tăng 14,3% so với tháng 11-2009. Tính chung 11 tháng, con số này đạt 717,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ, là mức cao so với các lĩnh vực khác. Hiện chưa có con số chính thức, song nhiều khả năng, giá trị SXCN năm 2010 vượt chỉ tiêu (12%) của ngành đề ra. Giá trị SXCN 11 tháng của các DN ngành công thương tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị SXCN có mức tăng trưởng cao hơn mức kế hoạch chung của ngành, như điện sản xuất tăng 13,7%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 18%; khí hóa lỏng tăng 93,6%; sữa bột tăng 22,7%; tủ lạnh, tủ đá tăng 18,8%; vật liệu xây dựng, như kính thủy tinh tăng 18,3%, xi-măng tăng 14,9% so cùng kỳ năm 2009... Ngành công nghiệp đã tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 64,3 tỷ USD, tăng 24,5%, cao hơn bốn lần so chỉ tiêu Quốc hội đề ra (hơn 6%), góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu xuống còn 16,6%, tỷ lệ thấp nhất trong những năm qua. Nhiều khả năng, con số này sẽ dưới mức 20% năm 2010.
Nhiều công trình quan trọng đi vào hoạt động trong năm 2010, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của toàn ngành: các tổ máy nhiệt điện và thủy điện các dự án được đưa vào vận hành với tổng công suất gần 1.900 MW. Tổ máy 1 (công suất 400 MW) Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) vừa hòa lưới quốc gia lần đầu, góp phần cung cấp thêm một nguồn điện quan trọng cho sản xuất và đời sống. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành ổn định, sản xuất luôn đạt, thậm chí vượt công suất thiết kế, bảo đảm cung cấp các loại xăng dầu phục vụ hiệu quả hoạt động kinh tế, góp phần giảm lượng hàng phải nhập khẩu. Cũng trong năm 2010, nhiều công trình trọng điểm đã được khởi công như các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, công trình khai thác dầu khí, sản xuất thép... Nhiều công trình trọng điểm khác đang đẩy nhanh thi công, vượt tiến độ đề ra như Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Thủy điện Sơn La... Thị trường trong nước nói chung phát triển khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng qua đạt gần 1.425,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so năm 2009. Ngành công thương cơ bản bảo đảm đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống, cho các thị trường miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, bảo đảm an sinh xã hội. Trước tình hình giá cả cuối năm biến động phức tạp, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo kịp thời về bình ổn thị trường, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng, 'sốt' giá; kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi đầu cơ, lợi dụng nâng giá...
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành cũng bộc lộ một số hạn chế như: Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, do đó phải nhập khẩu nhiều nguyên, vật liệu, phụ liệu cho sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu, chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế nên tăng trưởng công nghiệp vẫn chưa thật sự mang tính bền vững, lâu dài. Phát triển công nghiệp hướng vào xuất khẩu nhưng chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị gia tăng cao mà vẫn tập trung vào các sản phẩm có tỷ lệ gia công lớn như da giày, dệt may, dây và cáp điện... nên hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn ở mức thấp. Phát triển nguồn điện chưa đáp ứng kịp yêu cầu, tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên vẫn tiếp diễn mùa cao điểm nắng nóng, ảnh hưởng không nhỏ sản xuất và đời sống. Nhiều dự án, công trình của ngành còn chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng, ảnh hưởng sự phát triển chung, nhất là các dự án nguồn điện.
Dự báo năm 2011, kinh tế thế giới tuy tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chưa vững chắc và còn nhiều khó khăn. Các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản tăng trưởng chậm. Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng ơ-rô và thâm hụt ngân sách cao ở nhiều nước có thể gây biến động về tỷ giá giữa các đồng tiền, tác động mạnh xuất nhập khẩu, đầu tư, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Năm 2011 cũng là năm có nhiều ý nghĩa quan trọng: năm đầu triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, năm đầu - năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát cho phát triển kinh tế năm 2011 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 từ 7 đến 7,5%. Trên cơ sở đó, ngành công thương đặt mục tiêu giá trị SXCN năm 2011 tăng khoảng 15,2% so năm 2010 (số liệu của Cục Công nghiệp địa phương thuộc Bộ Công thương tại Văn bản số 430/CNÐP-KHTH, cuối tháng 11-2010).
Ðể hoàn thành mục tiêu trên, năm 2011, ngành công thương tiếp tục chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, tăng tỷ trọng công nghiệp chế tác có giá trị gia tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển các ngành sản xuất trong nước có khả năng thay thế hàng nhập khẩu. Tập trung khai thác cao nhất thị trường trong nước. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'.
Ðổi mới cơ cấu, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư vào những ngành, lĩnh vực sản xuất có chất lượng, công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng môi trường, có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động hợp tác sản xuất các thiết bị công nghệ cao trong một số ngành công nghiệp mà nước ta có thế mạnh; khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ sử dụng các nguyên, vật liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước cho các DN.
Các tập đoàn, tổng công ty, DN trong ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, làm tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường. Tập trung thực hiện các giải pháp để tăng nhanh nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, thực hiện kiên quyết và hiệu quả việc tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng.
Tăng cường năng lực, sản xuất nhiều hàng hóa bảo đảm cung ứng những nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, xăng dầu, phân bón, thép...; tăng cường kiểm soát thị trường, chống mọi hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, nhập lậu, làm hàng giả, không bảo đảm các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật, về vệ sinh an toàn thực phẩm..., không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, 'sốt' giá. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua đã chỉ rõ: Muốn bình ổn thị trường thì cái gốc là phải tăng cường năng lực sản xuất trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu và giảm nhập khẩu.
Ðẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành và đưa vào vận hành các công trình, hạng mục công trình trọng điểm, các dây chuyền sản xuất quan trọng để tăng năng lực sản xuất, nhất là sớm hoàn thành các tổ máy, nhà máy điện để góp phần tăng công suất cho hệ thống điện quốc gia.
(Theo Tùng Lâm/NDDT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com