Ông Đào Ngọc Thắng trả lời phỏng vấn bền lề hội thảo. Ảnh: Thanh Thương |
Bên lề hội thảo "kinh nghiệm bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) xung quanh việc làm thế nào đề doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận với vốn ngân hàng.
TBKTSG Online: Thưa ông, nhiều doanh nghiệp hiện nay than phiền là khó tiếp cận với vốn ngân hàng, điều này có đúng không? Ông Đào Ngọc Thắng: Về phương diện là một ngân hàng được giao nhiệm vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, VDB được làm việc với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy vậy, tất nhiên không phải doanh nghiệp nào đến xin bảo lãnh tại VDB đều được đồng ý. Ví dụ như từ đầu năm đến nay có 1.900 doanh nghiệp gửi hồ sơ bão lãnh đến VDB nhưng chỉ có 1.600 hồ sơ là được duyệt. Có nhiều lý do nhưng phổ biến nhất là do phương án sản xuất kinh doanh không khả thi, vốn chủ sở hữu không đủ 10% so với yêu cầu dự án đề ra, doanh nghiệp nợ quá hạn mà không có cam kết trả nợ. Với dự án xây dựng thì vì có liên quan đến đất đai, các loại giấy phép. Với các doanh nghiệp mà năng lực quản lý chưa tốt thì việc thiết lập được hồ sơ xin bảo lãnh vay vốn cho các dự án liên quan đến xây dựng là rất khó. Phải mất bao lâu thì doanh nghiệp mới nhận được vốn vay? Theo quy định của chính phủ thì khi doanh nghiệp đưa hồ sơ đến VDB đầy đủ thì không quá 20 ngày VDB sẽ phải trả lời đồng ý hay không đồng ý bảo lãnh. Khi có thông báo bảo lãnh rồi thì doanh nghiệp sẽ chuyển đến ngân hàng thương mại. Nhà nước cũng đã quy định là trong vòng 7 ngày làm việc, ngân hàng phải xem xét hồ sơ được gửi đến, nếu đồng ý cho vay thì tiến hành giải ngân. Như vậy, tính ra là trong vòng 1 tháng, nếu doanh nghiệp làm trôi chảy thì có thể nhận được khoản vay. Trên lý thuyết thì là vậy, còn thực tế ra sao, thưa ông? Trên thực tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nếu dự án khả thi, các hồ sơ đầy đủ, khâu thẩm định nào cũng nhanh thì thời gian được thông qua cũng sẽ nhanh. Nếu doanh nghiệp gửi hồ sơ không hợp lệ, phải bổ sung hồ sơ thì thời gian sẽ kéo dài. Thực tế hiện nay việc doanh nghiệp nhỏ bổ sung hồ sơ là chuyện bình thường vì nhiều doanh nghiệp không rành rẽ việc thực hiện thủ tục vay vốn. Thêm vào đó, doanh nghiệp khi đã có thông báo của VDB nhưng đến ngân hàng này không được phải đến ngân hàng kia nên thời gian bị kéo dài ra, nhiều khi là ngân hàng con phải xin phép ngân hàng mẹ… nên thời gian nhận tiền có thể chậm hơn. Thực tế, một doanh nghiệp sau khi có thông báo bảo lãnh thì khoảng 15 ngày có thể nhận được tiền. VDB có cách nào để giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian nhận vốn không? Hiện nay, điều kiện vay tại VDB được nới rộng hơn, đó là doanh nghiệp lỗ cũng được cho vay với cam kết là sẽ trả nợ ngân hàng, và có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Vì thực tế, một doanh nghiệp nhỏ và vừa mới bước vào sản xuất kinh doanh thì lỗ là chuyện bình thường. Vì vậy ngân hàng vẫn nên cho vay nhưng phải kiểm soát phương án chặt chẽ. Bên cạnh đó doanh nghiệp rất yếu về việc làm thủ tục nên VDB đang cố gắng đơn giản hóa cho doanh nghiệp. VDB đang hướng đến việc giảm khoảng 40% thủ tục để doanh nghiệp dễ làm hơn. Các hiệp hội ngành nghề cũng nên hướng dẫn tập huấn cho doanh nghiệp lập phương án chuẩn, thành thạo. Và doanh nghiệp phải xem xét khả năng quản lý, tiềm lực tài chính của mình đến đâu, nếu nguồn lực mình nhỏ, muốn làm lớn thì phải xem có quản lý được không. Vì không có nguồn lực tài chính thì tính khả thi không cao, điều này rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Để các ngân hàng không kéo dài thời gian xét duyệt hồ sơ, VDB khống chế là thông báo bảo lãnh chỉ có giá trị trong 1 tháng. SBA (hiệp hội doanh nghiệp nhỏ của Mỹ) bảo lãnh cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng, bằng cách qua một tổ chức tình nguyện hướng dẫn cụ thể các bước để vay vốn, góp ý cách lập phương án sản xuất kinh doanh, sau đó SBA bảo lãnh cho doanh nghiệp được vay vốn của ngân hàng". Việt Nam có thể thành lập một tổ chức như SBA không? SBA đã thành lập được hơn 60 năm. Các phương pháp hỗ trợ của SBA đối với doanh nghiệp là rất khả thi. Vì SBA có tổ chức tư vấn độc lập là SCORE, nơi tập hợp của các tình nguyện viên là các thầy cô giáo, những người đã từng kinh doanh nay đã nghỉ hưu, họ giúp cho việc tư vấn doanh nghiệp miễn phí. Điều này chắc chắn VDB không thể làm được, vì chính VDB là người xét duyệt hồ sơ cho vay. Nhưng hướng mà VDB sẽ đề xuất cho chính phủ là đưa các hiệp hội trở thành những tổ chức tư vấn độc lập. Những tổ chức này sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp thiết lập hồ sơ đăng ký vay vốn và góp ý cho các phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
(Theo Thanh Thương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com