Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tách bạch nhiệm vụ xã hội với hiệu quả kinh doanh

Quốc hội giám sát quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty: Tách bạch nhiệm vụ xã hội với hiệu quả kinh doanh

Trọn vẹn ngày làm việc hôm qua (9-11) đã được Quốc hội (QH) dành cho nội dung giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước. Có đến 34 ĐBQH đã phát biểu tại hội trường - trong đó có 2 bộ trưởng - cho thấy đây là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của QH.

Ai hưởng lợi khi nhà nước mất vốn?

Hầu hết các ý kiến ĐBQH phát biểu tại hội trường đã ghi nhận đóng góp của các TĐ, TCT nhà nước vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như vai trò không thể thiếu của các đơn vị này trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, các ĐBQH chưa hài lòng với những thống kê, những đánh giá tổng quát, chưa rạch ròi phần “trách nhiệm chính trị xã hội” với phần “sản xuất kinh doanh”.

ĐB Hà Thanh Toàn (Cần Thơ) cho rằng: “Cần phân định rõ 3 loại hình TĐ, TCT: các TĐ, TCT hoạt động trong các lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh, ổn định quốc gia; trong lĩnh vực xương sống của kinh tế và trong các lĩnh vực phục vụ an sinh XH, từ đó có những chính sách “đối xử” khác nhau. Những gì không thực sự cần thiết thì phải có định hướng giao cho các thành phần kinh tế khác làm”.

Trong khi đó, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) chia sẻ “cái khó” nhìn từ phía các TĐ, TCT nhà nước, khi họ vừa phải tuân thủ mệnh lệnh hành chính, vừa phải thực hiện Luật Doanh nghiệp, mà có khi hai sự “chỉ đạo” này có độ vênh nhất định. ĐB Hải yêu cầu: “Chủ sở hữu vốn chỉ can thiệp khi nào xét thấy vốn nhà nước đang có dấu hiệu bị thất thoát, hoặc sử dụng không hiệu quả”.

Mặt khác, cần sòng phẳng hơn khi xử lý các trường hợp DNNN thua lỗ kéo dài, thậm chí có thể phải dứt khoát tiến hành giải thể các DN “càng để càng thua lỗ kéo dài, lỗ lũy kế càng lớn”. Đây cũng là quan điểm được các ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bày tỏ tại nghị trường.

ĐB Nguyễn Đình Xuân cho rằng, sự phát triển quá nhanh của TĐ, TCT nhà nước thời gian qua dường như đã vượt quá khả năng kiểm soát điều hành và pháp lý của chính các đơn vị đó, cũng như của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước. Nhiều DN lẽ ra phải thực hiện thủ tục phá sản theo Luật Phá sản 2004, thay vì tiếp tục tồn tại èo uột, làm mất vốn nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Từ một khía cạnh khác, ông Xuân đặt câu hỏi “ai là người được hưởng lợi khi nhà nước mất vốn?” và yêu cầu xác lập địa chỉ trách nhiệm cụ thể trong trường hợp này, đồng thời xây dựng cơ chế để địa phương và nhân dân tham gia giám sát, ngăn chặn tiêu cực.

Đáp ứng yêu cầu “trao đổi” của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khi được yêu cầu phát biểu, đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc các TĐ, TCT nhà nước phải bán sản phẩm của mình dưới giá thành để đảm bảo yêu cầu ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính thừa nhận: “Bộ Tài chính cũng có chỉ đạo hạch toán rõ ràng giữa hiệu quả kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội, nhưng bản thân các TĐ, TCT hiện nay cũng khó làm được việc này”.

Xác lập mô hình quản lý hiệu quả

Mặc dù việc thành lập và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được nhiều ĐB coi là hướng đi đúng đắn nhằm phân định rõ ràng chức năng quản lý với chức năng chủ sở hữu vốn của nhà nước, song ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) nói thẳng: “SCIC vẫn chưa hoạt động thật sự hiệu quả”.

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) đồng tình: “Ở SCIC, một cán bộ trẻ chịu trách nhiệm quản lý vốn ở 20 doanh nghiệp thì làm sao có thể tốt như mong muốn?”. Ông Tín đề nghị thành lập bộ phận kiểm soát vốn độc lập tại các TĐ, TCT nhà nước, bộ phận này “không nhận lương do DN trả để đảm bảo tính khách quan”.

Liên quan đến xu hướng đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, mô hình TĐ, TCT được xây dựng đa ngành và lãnh đạo TĐ, TCT được quyền chủ động quyết định đầu tư vào đâu, vấn đề chỉ là quyết định đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải thích, việc này vừa đảm bảo quyền chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh của TĐ, TCT, vừa tạo ra một thị trường cạnh tranh sôi động và đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng. “Sự lo lắng về việc các TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành là chính đáng, nhưng cũng có khi thái quá. Qua kiểm tra ở thời điểm tháng 6-2008, khi nhiều người lo ngại về việc các TĐ, TCT nhà nước ồ ạt đổ vốn vào bất động sản thì con số thực tế nhỏ hơn 5% tổng đầu tư của các doanh nghiệp này”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Tuy nhiên, sau đó, trong phát biểu lần thứ 2 của mình, ĐB Phạm Thị Loan phản biện: “Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói vậy, nhưng trên thế giới chỉ những tập đoàn có hàng trăm năm phát triển, tích lũy vốn, tích lũy kinh nghiệm dày dạn mới có thể gặt hái thành công trong nhiều lĩnh vực. Boeing, Siemens hay Microsoft rất hùng mạnh, nhưng họ đâu cần phải đầu tư đa ngành?”.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm: “Hoạt động đa ngành là cần thiết, nhưng phải xác định ngành chính, nhiệm vụ chính, khi mở sang lĩnh vực khác phải căn cứ định hướng của nhà nước và cân nhắc thực lực của mình. Trong kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh có lãi, có lỗ, nhưng xét tổng thể trong một thời gian dài phải có lãi. Tình trạng lỗ kéo dài phải được xử lý theo pháp luật về kinh doanh và có chế tài trách nhiệm rõ ràng đối với người đứng đầu DN”.

Phó Chủ tịch QH nhận định, cần sớm có luật về đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế của nhà nước, thậm chí có thể có luật riêng về giám sát, kiểm tra, kiểm soát sử dụng vốn nhà nước. UBTVQH sẽ xin ý kiến ĐBQH xem có ban hành nghị quyết về vấn đề này hay không, nếu có sẽ trình QH thông qua vào cuối kỳ họp thứ 6.

Anh Thư

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội HÀ VĂN HIỀN: Xử lý dứt điểm doanh nghiệp thua lỗ kéo dài

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền

Trước đây chúng ta chưa có văn bản quy định nào về điều kiện để một doanh nghiệp Nhà nước được đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất chuyên môn chính của mình. Do đó mới xảy ra tình trạng có tới 47 tập đoàn và tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành như vào tài chính, chứng khoán, bất động sản… với khối lượng tiền khá lớn. Và khi tập đoàn và tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực này thì phần lớn là hiệu quả thấp, thấp hơn so với đầu tư vào ngành chính của mình. Vấn đề đặt ra là tới đây Nhà nước cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này. Chẳng hạn như quy định doanh nghiệp được đầu tư ra ngoài trong trường hợp nào, điều kiện ra sao và trách nhiệm thế nào khi đầu tư kém hiệu quả…

Đối với những tập đoàn và tổng công ty đang gặp khó khăn, ví dụ như các dự án bị thiếu vốn, hay thậm chí có những đơn vị do chiến lược đầu tư nay do tác động của suy thoái kinh tế... thì Nhà nước cũng phải có những biện pháp xử lý để làm sao tránh cho những dự án đó không bị kéo dài ra, bởi càng kéo dài thì chắc chắn sẽ kém hiệu quả. Với những đơn vị tỷ lệ giữa nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng tới trên 10 lần, thậm chí là 14-15 lần, như báo cáo đã nêu thì Nhà nước cũng cần phải xem xét. Có điều cần phải lưu ý là phần lớn những doanh nghiệp có số nợ lớn như vậy thì chủ yếu là vay để đầu tư vào trung hạn và dài hạn.

ĐB TRẦN DU LỊCH, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM: Mô hình tập đoàn hình tháp

ĐB Trần Du Lịch

Tại sao nước nào cũng phải làm kinh tế quốc doanh, bởi vì Nhà nước cần có lực lượng vật chất để can thiệp thị trường và định hướng phát triển cho mục tiêu của mình. Vấn đề nhìn lại là chúng ta có sử dụng lực lượng vật chất này để thực hiện chức năng của Nhà nước theo định hướng thị trường giải quyết khuyết tật của thị trường hay không? Đó là vấn đề cần bàn chứ không phải là có bao nhiêu doanh nghiệp lỗ hay lời thấp. Điểm chung nhất là làm sao tăng tính công khai, minh bạch và cơ chế giám sát là giám sát bên trong và giám sát bên ngoài để vừa mở tính tự chủ cho doanh nghiệp, nhưng vừa xử lý việc bảo đảm sự tuân thủ và động cơ kể cả quyền lợi và vật chất để tạo ra cơ chế.

Qua thực tế hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao tiếp tục đổi mới, kể cả mô hình, để kinh tế Nhà nước trong đó nòng cốt là các tập đoàn, các tổng công ty là sức mạnh vật chất mạnh nhất trong quá trình cạnh tranh. Chúng tôi nhiều lần đề cập đến mô hình phát triển hình tháp. Các tập đoàn, tổng công ty theo mô hình hình tháp và nhà nước không cần nhiều vốn, nhưng nắm đỉnh tháp và bên dưới đa sở hữu các loại cổ phần để phát triển các công ty cổ phần đại chúng. 

Hàm Yên ghi

(Theo SGGP online)

  • Luật An toàn thực phẩm có điều chỉnh sản phẩm khai thác tự nhiên?
  • Hợp tác công - tư: Hướng đi mới để thu hút đầu tư
  • Ba bên phối hợp thu ngân sách
  • Vật liệu thân thiện với môi trường: Đã thực sự thân thiện?
  • Không quy định lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng?
  • Nhiều tiềm năng tạo nguồn nhiên liệu sinh học
  • Kỳ vọng qua những con số
  • Làm rõ trách nhiệm đầu tư ngoài ngành tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi