Đại biểu Vũ Quang Hải chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - Ảnh: TTXVN. |
Không nằm trong nhóm các vấn đề được tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sáng 18/11, song khai thác than ở đồng bằng sông Hồng và các dự án bauxite vẫn nằm trong chất vấn của hai vị đại biểu Quốc hội đến từ Hưng Yên và Khánh Hòa.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã dành thời gian trả lời trực tiếp về các vấn đề này.
"Mới chỉ nghiên cứu"
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho biết đã nhận được trả lời của Bộ trưởng về nội dung Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam trình Chính phủ cho khai thác thí điểm mỏ than sông Hồng. Trong đó có một điểm tại xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km, nằm trong vùng vành đai 4, vành đai 5 của Hà Nội và dự kiến sẽ chiếm đất khoảng 25 km. Sau đó sẽ mở rộng trong khu vực tỉnh Hưng Yên là 450 ha, ảnh hưởng đến khoảng 180 nghìn hộ dân.
Theo đại biểu Hải, tại văn bản trả lời, Bộ trưởng cũng đã thừa nhận rằng sẽ có tác động nhất định đến môi trường và có khả năng làm lún sụt mặt đất, tác động ảnh hưởng đến nước mặt, nước ngầm. Vì tầm nước ngầm nằm trong khoảng 150 - 250m, trong khi khai thác than ở độ sâu là 350 đến khoảng 650m. Các công trình dân sinh, đặc biệt là các công trình đê điều, công trình có liên quan đến văn hóa, xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo dự kiến thì tại khu vực này cũng sẽ xây dựng một nhà máy nhiệt điện.
"Xin hỏi Bộ trưởng là cử tri rất quan tâm đến vấn đề vì sao một dự án quan trọng như vậy lại giao cho một cơ quan của một tổng công ty của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản đảm nhiệm. Tại sao không lập một cơ quan cấp Nhà nước để giải quyết toàn bộ những việc liên quan?", đại biểu Hải chất vấn.
“Xin phép Quốc hội dành khoảng thời gian báo cáo kỹ hơn về nội dung này”, Bộ trưởng Hoàng nói và cho biết, bể than đồng bằng sông Hồng được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về tài nguyên. Chất lượng than không cao nhưng phù hợp cho sản xuất điện, sản xuất xi măng.
Vùng than ở đồng bằng sông Hồng phân bổ trên diện tích khoảng 3.500 km2, chủ yếu là trên địa bàn của các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và thành phố Hải Phòng, trong phạm vi khoảng 3.500 km2, nằm ở độ sâu khoảng 300m đến 1.700 m với trữ lượng dự báo khoảng 210 tỷ tấn, gấp khoảng 20 lần so với trữ lượng than ở vùng bể than Quảng Ninh.
Bộ trưởng cho biết thêm, theo đánh giá bước đầu thì với trình độ công nghệ như hiện nay chúng ta có thể khai thác khoảng độ 1/3 trong số này, tức là khoảng 60 tỷ tấn. "Nếu như không có các phát hiện mới thì thời gian tới đây việc cung cấp các nguyên liệu hóa thạch cho sản xuất điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ chúng ta thiếu nhiên liệu để phát điện", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắc còn hơn 20 vị đại biểu đang chờ chất vấn, Bộ trưởng Hoàng thưa lại rằng “rất băn khoăn nếu như vấn đề được đặt ra mà lại không được báo cáo với Quốc hội một cách chi tiết và đầy đủ”. Vì câu chuyện bể than ở đồng bằng sông Hồng mới đang ở giai đoạn nghiên cứu nhưng cũng đã được dư luận quan tâm.
Tiếp dòng thông tin, Bộ trưởng khẳng định, rằng dự án nếu làm thí điểm thì không phải chỉ giao cho một đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có liên quan, các bộ, các ngành xem xét, thẩm định đề án về quy hoạch khai thác than ở đồng bằng sông Hồng.
"Trên cơ sở đó nếu thấy có cơ sở thì có thể xem xét đề xuất Chính phủ cho làm thí điểm, quy mô rất nhỏ. Sau khi làm thí điểm nếu xác định được công nghệ phù hợp và mục đích sử dụng phù hợp thì lúc đó mới triển khai việc đầu tư và khi đầu tư sẽ báo cáo với Quốc hội những nội dung có liên quan đến đề án", Bộ trưởng nói.
“Tôi xin khẳng định đến giờ phút này Chính phủ chưa có bất cứ một quyết định nào về khai thác than ở đồng bằng sông Hồng, mới đang ở giai đoạn nghiên cứu và xem xét đề án thử nghiệm”, Bộ trưởng Hoàng kết thúc phần trả lời chất vấn về bể than sông Hồng.
Các dự án bauxite vẫn "trong tầm kiểm soát"
Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) chất vấn, "kỳ họp Quốc hội trước đặt vấn đề rất lớn về khai thác bauxite Tây Nguyên, đề nghị Bộ trưởng cho biết tiến độ của hai dự án đó như thế nào và hướng đề xuất phát triển khai thác bauxite ở Tây Nguyên?".
Theo trả lời của Bộ trưởng thì cách đây không lâu Bộ đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đi kiểm tra hai dự án.
Theo đó, dự án bauxite ở Tân Rai, Lâm Đồng triển khai đúng tiến độ, không để xảy ra các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án cũng như theo đánh giá của chính quyền địa phương dự án sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2010 với công suất chế biến 600.000 tấn alumin.
Dự án thứ hai là dự án Nhân Cơ tại tỉnh Đắc Nông, Bộ trưởng cho biết cũng đã kiểm tra. Mặt bằng của dự án Nhân Cơ về cơ bản đã triển khai xong, chính quyền địa phương rất mong muốn triển khai sớm dự án này sau khi đánh giá được hiệu quả kinh tế.
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã gửi báo cáo kiểm tra lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật đối với dự án này. Theo con số mà tập đoàn báo cáo sau khi kiểm tra thông số đầu vào và các thông số đầu ra thì chênh lệch không lớn so với tính toán ban đầu. Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) cũng đã kiểm tra, hiện nay đã gửi báo cáo cho hội đồng thẩm tra được thành lập với sự chủ trì của Bộ Công Thương.
"Khi thẩm định, thẩm tra lại đánh giá về hiệu quả kinh tế và thực hiện theo đúng chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, nếu thấy rằng đảm bảo hiệu quả thì chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội, báo cáo với Chính phủ về đề xuất triển khai tiếp dự án thứ hai. Đây cũng là nguyện vọng của nhân dân, đảng bộ và chính quyền tỉnh Đắc Nông", Bộ trưởng nói.
“Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội, hai dự án này hiện nay đang triển khai theo đúng tinh thần mà Quốc hội đã yêu cầu, theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, của Chính phủ, và tôi xin khẳng định là đang nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta”, Bộ trưởng Hoàng trả lời.
(Theo Nguyên Hà // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com