Nếu thành lập tập đoàn thì vốn chủ sở hữu của DN có thể tính bằng hàng chục tỷ USD, có thể vươn lên làm tổng thầu các dự án lớn của VN và quốc tế |
Sau khi Bộ Xây dựng có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét phê duyệt đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VN với đề xuất chọn Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị VN với đề xuất chọn Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị VN (HUD) làm nòng cốt, nhiều ý kiến chuyên gia cũng như DN cho rằng, việc thí điểm thành lập hai tập đoàn theo đề xuất trên chưa nhắm đúng vào mục tiêu và mũi nhọn mà chúng ta đang hướng đến.
Theo đề án của Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VN là tên gọi chung của tổ hợp các DN độc lập, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí nặng. Quy mô tập đoàn với tổng giá trị tài sản là 51.139 tỷ đồng, tổng số lao động trên 81.000 người. Còn Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị VN là tên gọi chung của tổ hợp các DN độc lập hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển nhà và đô thị, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng... Quy mô tập đoàn với tổng giá trị tài sản là 30.125 tỷ đồng, có tổng số lao động trên 78.000 người. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc thành lập hai tập đoàn này chưa thể hiện tính chuyên môn hoá cao, giúp DN VN cạnh tranh với DN nước ngoài trong việc tổng thầu các dự án, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn.
Chọn “xây” - bỏ “lắp”?
Hiện nay, cả nước có 9 tập đoàn kinh tế nhà nước, gồm Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp tàu thủy, Bưu chính - viễn thông, Than và khoáng sản, Bảo Việt, Dệt may, Công nghiệp cao su VN và Tập đoàn Công nghiệp ôtô VN. Hầu hết các tập đoàn này đều được “đôn” lên từ những TCty lớn ở từng lĩnh vực đặc thù. Nhưng trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí... dường như có quá nhiều “ông lớn” nên việc chọn ai làm nòng cốt cho việc thành lập tập đoàn thành ra khó khăn.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, thực tế hiện nay, việc thành lập một tập đoàn xây dựng công nghiệp là cần thiết, tuy nhiên tập đoàn phải tạo thành sức mạnh cả về chất lượng lẫn quy mô, tính đến cơ cấu của mỗi ngành. Ông Ngãi đưa ví dụ: Một dự án xây dựng nhà máy phát điện thì phần xây chỉ chiếm 40%, còn phần lắp và thiết bị chiếm đến 60%, còn đối với các dự án nhiệt điện, kể cả tuabin khí và nhiệt điện than thì phần thiết bị và lắp chiếm 70%, còn 20 % phần xây. Tuy nhiên, điều đó còn không quan trọng bằng việc tập đoàn cần phải có sức mạnh, tiềm lực để có khả năng tổng thầu EPC (từ giám sát, xây dựng... theo một quy trình khép kín). Chính vì vậy, tập đoàn cần phải nhắm vào DN nòng cốt, xây dựng tốt về thương hiệu và làm ăn có hiệu quả.
Trong phát triển ngành năng lượng, trong đó có ngành điện, khí, ngành than, các ngành khác như xi măng, lọc hoá dầu... Từ nay đến năm 2025 chúng ta cần trên dưới 300 tỷ USD để đầu tư cho các dự án. Riêng ngành điện đến năm 2015 chúng ta cần 32 nghìn MW điện, đến 2020 chúng ta cần 48 – 50 nghìn MW điện, năm 2025 chúng ta cần 60 - 70 nghìn MW điện, nghĩa là sản lượng điện sẽ tăng gấp 5 – 6 lần sản lượng điện bây giờ. Rõ ràng là nhà nước cần phải xây dựng và đầu tư vào nhiều dự án trong đó có nhiệt điện than, nhiệt điện khí, hướng tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân...
Như vậy, riêng trong lĩnh vực năng lượng với đầu tư đến năm 2025 trên dưới 300 tỷ USD, nếu số tiền này các tập đoàn kinh tế VN trúng thầu được cả thì sẽ đem lại lợi ích rất lớn đất nước về cả công ăn việc làm, giảm nhập siêu, đặc biệt không phụ thuộc nhiều vào nước ngoài nhiều. Ngược lại, nếu không tập hợp được sức mạnh tổng hợp thì sẽ khó khăn cho chúng ta, bởi việc không nhận được tổng thầu các dự án lớn đồng nghĩa với chúng ta phải làm thuê cho các DN nước ngoài ngay trên sân nhà.
Vốn và... hơn thế nữa
Điều quan trọng nhất theo các chuyên gia, nếu tập đoàn của chúng ta tổng thầu các dự án lớn việc chúng ta có cơ hội nâng cao trình độ cơ giới hoá, phát huy nội lực... Rất nhiều năm qua các TCty của chúng ta đã và đang phát triển rất tốt những yếu tố này qua các dự án thuỷ điện, hầu hết các dự án thuỷ điện lớn, lọc hoá dầu, đường sá, cầu đường... Điều đó cho thấy tiềm lực cũng như sự trưởng thành của các TCty. Tuy nhiên sức mạnh của các TCty này nếu không được hội tụ lại thành những tập đoàn kinh tế lớn, khó có sức mạnh tổng hợp mà sẽ vẫn chỉ manh mún, nhỏ lẻ so với các DN nước ngoài.
Ví dụ Lilama vừa rồi tham gia đấu thầu dự án Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD. Như vậy Lilama cần 20% vốn chủ sở hữu, nghĩa là DN này phải có 340 triệu USD làm vốn đối ứng bằng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, từ trước đến nay, dù Lilama làm rất nhiều dự án lớn nhưng kể cả vốn nhà nước cấp và vốn tụ có bổ sung của DN này cũng chỉ đến 37 - 40 triệu USD - không đủ làm vốn đối ứng cho dự án này. Tuy nhiên, nếu thành lập tập đoàn với sự quan tâm đầu tư của nhà nước thì vốn chủ sở hữu của DN có thể tính bằng hàng chục tỷ USD, có thể vươn lên làm tổng thầu các dự án lớn của VN và quốc tế.
Muốn như vậy, việc xây dựng cơ khí phải trở thành ngành then chốt công nghiệp nặng, và cơ khí lắp máy phải đi đôi với nhau. Làm sao để chúng ta có thể đủ sức chế tạo các thiết bị điện trong các dự án điện than khí, thủy điện... Chính vì vậy, theo ông Bùi Doãn Tạo - TGĐ TCty cơ khí xây dựng Coma, không nên gom các tập đoàn không chuyên môn cao, chéo ngành nghề, đặc biệt là không tập hợp được tính chuyên môn hoá cao trong điều hành quản lý.
Theo đánh giá chung, số lượng thiết bị cơ khí chế tạo của VN đã chiếm tỷ trọng khoảng 50 – 60% yêu cầu của các nhà máy (trừ những thiết bị lớn như: tuabin, máy phát, nồi hơi, hệ thống điều khiển). Nếu tập hợp được các DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí thì việc tiến tới chế tạo các thiết bị chủ lực có hàm lượng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn như: tua bin, máy phát, lò hơi, thiết bị điều khiển, lúc đó có thể làm chủ và cung ứng tới 80 – 90 % thiết bị cho các dự án khỏi phải nhập ngoại, ngoài ra có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới. Hàng năm tiết kiệm được hàng chục tỷ USD cho đất nước, do không phải nhập khẩu với giá cao và lại phát huy được nội lực của các đơn vị cơ khí trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí VN, thành viên Ban chỉ đạo CK trọng điểm của Chính phủ : Đầu tư ngành cơ khí cần tương xứng tiềm lực Nhìn chung công nghiệp cơ khí nước ta mới đạt trình độ gia công kết cấu thép. Ngành cơ khí VN hiện vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến để được nâng tầm thực hiện phần cơ khí chế tạo máy, để sản xuất được các máy công tắc, thiết bị đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Căn cứ vào kế hoạch phát triển các ngành kinh tế và công nghiệp nước ta đến 2010, tầm nhìn 2020, các chuyên gia cho rằng thị trường của ngành cơ khi VN rất lớn, cỡ 259 tỷ USD về thị trường cơ khí công nghiệp, trong đó có năng lượng, vật liệu xây dựng, khai thác mỏ... Nhưng tính chung hàng cơ khí phục vụ cho dân sinh và phát triển kinh tế xã hội là hàng nghìn tỷ USD. Vì vậy, nếu Nhà nước không đầu tư thích đáng xây dựng chuyên ngành cơ khí chế tạo phát triển để đủ nội lực hội nhập khu vực và quốc tế, ngành cơ khí sẽ mất thị trường, người VN lại đi thuê và không thể xây dựng một nước CNH – HĐH vào năm 2020. Ông Lê Văn Quế - Chủ tịch HĐQT TCty Sông Đà : Quan trọng là quy tụ sức mạnh Mô hình tập đoàn có thể có hai dạng, một là thành lập theo hướng chuyên ngành hoặc thành lập từ việc tập hợp các đơn vị vào với nhau dưới dạng đa ngành. Tuy nhiên, không nhất thiết phải theo mô hình nào mà quan trọng là việc thành lập như thế nào để đưa ra phương án tốt nhất, để xây dựng được một tập đoàn có đủ sức mạnh. Tập đoàn quy mô phải lớn mạnh đề chúng ta đứng vững trên tổng tài sản lớn với những điều kiện nhân lực, công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ông nguyễn Gia Du - TGĐ TCty xây dựng công nghiệp: Hãy xuất phát từ ngành mũi nhọn Tập đoàn của VN khác với tập đoàn của nước ngoài, Nhà nước cần thể hiện vai trò trong việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ. Tuỳ mục tiêu cần những ngành nghề nào đi với nhau để quyết định chứ không phải tự nguyện, theo cảm hứng thì tập đoàn sẽ rất lỏng lẻo. Chính vì vậy, Nhà nước cần chọn ra một số lĩnh vực “mũi nhọn” để thành lập tập đoàn về công nghiệp cơ khí chế tạo chứ không thể ôm nhiều. Bởi thực tế bao nhiêu năm nay chúng ta đã sản xuất được ôtô đâu, nội địa hoá cũng chưa được bao nhiêu. Chúng ta cần chọn một sản phẩm nào đó, cho một tập đoàn hướng tới có thể sản xuất được bao nhiêu phần trăm. |
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com