Ngày 28-8, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo "Cải cách thủ tục hải quan trong quản lý hàng gia công xuất nhập khẩu” (XNK) nhằm lấy ý kiến về bộ thủ tục hành chính (TTHC). Đây là bước đầu tiên của ngành hải quan trong thực hiện giai đoạn hai của Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007- 2010 (gọi tắt là Đề án 30) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
20 nhóm vấn đề kiến nghị
Chi cục Hải quan cửa khẩu Nội Bài làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Linh Tâm |
Ông Hoàng Việt Cường, Tổng Cục phó Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, kết thúc giai đoạn một của Đề án 30, ngành hải quan đã công bố bộ thủ tục gồm 239 TTHC về quản lý nhà nước có liên quan đến hải quan. Đây là cuộc hội thảo đầu tiên lấy ý kiến bắt đầu cho cuộc rà soát bộ TTHC nhằm hoàn thiện thủ tục hải quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Ba tiêu chí rà soát gồm sự cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp của TTHC. Sau khi rà soát, sẽ đơn giản hóa ít nhất 30% trong bộ TTHC hiện hành.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các DN trong VITAS và Hiệp hội Da giày (LEFASO) đã kiến nghị bãi bỏ hoặc đơn giản hóa 20 nhóm vấn đề rườm rà không cần thiết vốn gây tốn kém và làm khó cho DN. Ví dụ, về hình thức và nội dung hợp đồng gia công, quy định là phải ghi chính xác số lượng sản phẩm gia công, giá gia công, thời hạn và phương thức thanh toán ngay khi ký hợp đồng, còn các DN cho là chỉ nên ghi những điều khoản chung. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch VITAS cho rằng, không thể ghi chính xác chi tiết này ngay khi ký hợp đồng bởi còn rất nhiều vấn đề mà người mua và người bán có thể thỏa thuận lại. Nhiều DN yêu cầu phải đơn giản hóa thủ tục XNK tại chỗ. Theo đó, thay vì mỗi lần nhập khẩu nguyên vật liệu gia công tại chỗ đều phải làm thủ tục và chịu sự giám sát của hải quan như hoạt động XNK thông thường thì có thể làm thủ tục khai báo hải quan theo hợp đồng hoặc định kỳ hằng tháng. Thực tế, hoạt động XNK tại chỗ thường được giao hàng nhiều lần theo yêu cầu của sản xuất. Nếu mỗi lần giao hàng đều phải mời hải quan đến làm thủ tục, nhiều khi 2 - 3 ngày hải quan mới đến thì DN không thể ngừng sản xuất để chờ được và DN sẽ… không thực hiện.
Các vấn đề khác liên quan đến định mức, quản lý nguyên phụ liệu, xử lý nguyên liệu tồn đọng, chứng từ thanh toán qua ngân hàng… cũng được DN chỉ ra nhiều bất cập và đề nghị sửa đổi.
Hải quan cũng than… khổ vì thủ tục!
Ông Đặng Thành Tô, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều thủ tục nhiêu khê đang "hành" cả DN và hải quan. Đó là hàng loạt các văn bản thừa mà bấy lâu nay vẫn đang thực hiện. Ví dụ, để thực hiện lấy mẫu, DN phải có đơn, trong khi, đó là vấn đề quản lý của hải quan, hiển nhiên phải làm. Ông Tô cũng chỉ ra nhiều mẫu đơn vô lý khác, đó là đơn đề nghị hải quan ngoài cửa khẩu lấy mẫu và niêm phong, đơn chuyển cửa khẩu. Theo ông, mỗi chi cục hải quan ngoài cửa khẩu đã có một mã số. Mỗi tờ khai của DN đều đã được ghi mã số này, chỉ cần mở ra nhìn là quản lý được nhưng vẫn phải làm đơn. Ông Tô cũng cho rằng, ngành hải quan cứ đi "làm hộ" những ngành khác rồi đẻ ra những thủ tục không cần thiết, như quy định gửi thông báo cho chi cục thuế địa phương khi làm hồ sơ chứng từ XNK tại chỗ để cục thuế theo dõi thuế giá trị gia tăng…
Mâu thuẫn giữa hải quan và DN là một chuyện "biết rồi, nói mãi", bởi một bên muốn quản lý chặt chẽ và một bên muốn được thuận lợi nhất. Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Hải quan đã cho phép áp dụng phương thức quản lý rủi ro, vì vậy nên mạnh dạn áp dụng, cho DN tự kê khai và viết cam kết tự chịu trách nhiệm, chỉ cần kiểm tra một số DN có vấn đề mà thôi. Đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng đơn giản hóa TTHC cũng phải từ hai phía. Trên thực tế, có rất nhiều DN chủ quan với hàng hóa của mình. Có DN khi hàng hóa về đến cảng thì hợp đồng đã hết thời hạn gần 1 năm; có DN khi đi làm thủ tục hải quan nhưng cái gì cũng mù mờ vì chỉ giao người chở hàng đưa đi… gây khó khăn cho hải quan!
Ông Hoàng Việt Cường khẳng định, các vấn đề DN và hải quan kiến nghị sẽ được tổng cục tiếp thu, trong quyền hạn của mình sẽ giải quyết, hoặc bàn bạc với các bộ, ngành như Bộ Công thương để giải quyết những vấn đề liên quan. Đây chỉ là bước đầu trong tiến trình cải cách. Sau khi giai đoạn hai của Đề án 30 hoàn thành, TTHC sẽ được đơn giản hóa từ quy trình, giấy tờ và thời gian. Và ngành hải quan sẽ tiếp tục cải cách để giảm thời gian thông quan cho DN, đẩy mạnh XNK, khả năng cạnh tranh cho DN Việt Nam.
(Theo Đặng Loan/HNMO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com