Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiếu điện, tiết kiệm vẫn là một giải pháp tối ưu

Cải tạo lưới điện, chống quá tải trong cấp điện mùa hè 2010. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Theo dự báo của các ngành chức năng, tình hình cạn kiệt nước còn tiếp diễn đến tháng 6, thủy văn trên các sông ở ba miền sẽ tiếp tục thấp hơn từ 30-50%.

Khả năng huy động các nguồn điện càng trở nên khó khăn hơn vì diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng và khô hạn xảy ra trên diện rộng khiến mực nước các hồ thủy điện tiếp tục xuống thấp mà không có nước về bổ sung, các nhà máy thủy điện không đủ nước sản xuất đầy tải cả ngày.
 
Lao đao vì cắt điện

Bắt đầu từ ngày 21/4, hàng loạt các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu bị cắt điện, nhiều trạm điện của các quận đã ngưng cung cấp điện trên diện rộng.

Cùng ngày, hầu hết dọc các tuyến đường thuộc phường Tân Quý, phường Phú Thạnh, phường Phú Thọ Hòa (Tân Phú), các tuyến đường thuộc quận Tân Bình, các xưởng sản xuất cho công nhân nghỉ làm vì lịch cắt điện, nhiều công ty do đơn hàng gấp nên phải duy trì sản xuất bằng cách dùng máy phát điện.

Tình trạng cắt điện luân phiên đã khiến nhiều công ty dù cố gắng thích nghi vẫn gặp không ít khó khăn và thiệt hại.

Ông Trịnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thêu Thành Huy (đường Bình Long, quận Bình Tân), cho biết: “Nếu năng suất giảm xuống 50% sẽ gây thiệt hại về kinh tế hơn 1.000 USD/ngày cho công ty."

Nỗ lực tiết kiệm

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho biết Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về bài toán cân bằng năng lượng với nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng, trong khi việc thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng truyền thống cũng như năng lượng mới, tái tạo còn rất hạn chế.

Vì vậy, bài toán trước mắt và khả thi nhất vẫn là việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng hiện tại. Mặc dù triển khai khá rộng với hơn 100 đề án, trở thành nhiệm vụ trọng tâm ở nhiều ngành, doanh nghiệp nhưng đến nay, việc tiết kiệm năng lượng chỉ đạt kết quả rất khiêm tốn.

Tính toán của ngành điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, so với nhu cầu thực tế và mức được EVN phân bố, thành phố chỉ cần tiết giảm khoảng 1,1 triệu kWh/ngày sẽ hạ nhiệt được “cơn khát” điện.

Với mức điện dùng thắp sáng sinh hoạt, hành chính sự nghiệp hiện chiếm gần 18 triệu kWh/ngày, nếu các hộ gia đình và cơ quan, doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 6% sản lượng điện tiêu thụ sẽ góp phần tiết kiệm hơn 1 triệu kWh/ngày. “Và như vậy, thành phố sẽ không thiếu so với sản lượng được phân bổ,” ông Lê Văn Phước, Giám đốc Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Hiện ngành điện thành phố đã chỉ đạo 15 đơn vị điện lực khu vực rà soát lại danh sách khách hàng quan trọng và ưu tiên cấp điện như các bệnh viện, khu quân sự, công an... đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát mức tiêu thụ điện.

Ngành đã chủ động làm việc với khách hàng cùng thỏa thuận công suất điện dự kiến sử dụng với các mức độ ưu tiên đáp ứng cụ thể khác nhau tùy vào nhu cầu sử dụng điện trong tình huống xảy ra thiếu điện.

Riêng Công ty Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành điều chỉnh thời gian đóng mở đèn hợp lý để cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng. Theo ông Phước, từ đây đến hết tháng 6, ngành sẽ hạn chế việc cấp điện mới cho các thiết bị công nghiệp có công suất trên 5MW và các doanh nghiệp không được giải quyết nhu cầu mua thêm điện so với nhu cầu đã đăng ký.

Ông Lê Văn Phước cũng cho biết trong thời gian tới, Công ty Điện lực thành phố sẽ tích cực tuyên truyền thông tin về tiết kiệm điện và tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp không tiết kiệm điện.

Ngoài ra, để việc cắt điện không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đóng trên địa bàn, ngành điện lực thành phố đã tăng cường công tác quản lý giám sát mức tiêu thụ điện, đồ thị phụ tải của các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất... và bố trí làm việc trực tiếp với các khách hàng lớn để nói rõ tình trạng khó khăn về cung ứng điện hiện nay, đề nghị khách hàng chia sẻ và có kế hoạch chủ động trong sản xuất, giãn bớt nhu cầu điện, tiết kiệm từ 5-10%./.

(Báo Tin Tức)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi