Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp cận nguồn vốn ODA: Phải có khả năng "tiêu tiền" hiệu quả

Cầu Phú Mỹ 1 mới được khánh thành có tổng vốn đầu tư hơn 660 triệu USD, trong đó vốn ODA của Nhật chiếm tới gần 65%

Đây là một trong những điều kiện cần thiết đối với khu vực kinh tế tư nhân khi muốn tiếp cập nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Một xu hướng tích cực cần khẳng định là trong những năm gần đây, số vốn ODA mà Việt Nam thu hút được năm sau luôn cao hơn năm trước và đạt đến mức kỷ lục vào năm 2009, bất chấp một số vướng mắc nhất định với nhà tài trợ song phương lớn nhất - Nhật Bản - do vụ tham nhũng liên quan đến Công ty PCI của nước này.

Cả hai cùng trông đợi

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2006 - 2010, cam kết vốn đã vượt chỉ tiêu trước một năm, đạt trên 23,85 tỉ USD so với mức 19 - 21 tỉ đô la dự kiến. Số vốn ký kết thông qua các hiệp định cũng vượt chỉ tiêu trước một năm, đạt 16,66 tỉ USD, so với mức 12,35-15,75 tỉ USD dự kiến. Về giải ngân, dự kiến sẽ đạt 12,9 tỉ USD cho cả thời kỳ 2006-2010.

Điều quan trọng là giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân để thu hút họ chung tay cùng Nhà nước thực hiện các dự án có sử dụng ODA một cách hiệu quả nhất

Tuy nhiên, nói như GS TSKH Nguyễn Mại, “thành tích” này cũng tạo ra những áp lực không hề nhỏ, phần vì điều kiện vay đã kém ưu đãi hơn (Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình), phần vì khả năng hấp thụ và phát huy có hiệu quả nguồn vốn ODA cũng là một thách thức rất lớn. Nhóm sáu ngân hàng phát triển quốc tế vẫn đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực. Một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng công nhận: “Nguồn vốn ODA vào nước ta đã có thể lớn hơn nếu như mức giải ngân vốn ODA của ta đạt bằng và hơn mức trung bình của các nước trong khu vực”. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính của việc giải ngân và sử dụng vốn ODA thấp hơn mức trung bình của khu vực là do từ trước đến nay, vốn ODA đều được sử dụng để đầu tư các dự án công lớn hoặc cho vay lại. Bất kể cách nào, nguồn vốn này cũng chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành hoặc các doanh nghiệp nhà nước quản lý và chi tiêu nên hiệu quả và tính minh bạch chưa cao như mong muốn!

Chính vì thế, việc mở rộng hơn diện thụ hưởng vốn ODA đối với các khu vực ngoài nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án vì lợi ích công, nhất là khi Việt Nam đang cần thúc đẩy mô hình hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân (PPP) trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng - một quyết định được cả hai phía: khối doanh nghiệp tư nhân lẫn các nhà tài trợ trông đợi.

Doanh nghiệp tư nhân cần chứng to khả năng tiêu tiền hiệu quả

Trên thực tế, không phải chưa từng có các doanh nghiệp tư nhân “được” tiêu tiền ODA thông qua một số dự án giao thông, điện; dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... Tuy nhiên, đại đa số doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện dự án ODA đều chưa “chính danh”, họ chỉ thực hiện các “hợp đồng phụ”. Để chủ trương quan trọng của Ban bí thư được hiện thực hóa, trong khi các cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng cơ chế thích hợp thì bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực và uy tín của chính mình để Nhà nước tin tưởng giao vốn cho họ vay - những đồng vốn tuy có được ưu đãi về lãi suất, nhưng vẫn sẽ phải trả đúng kỳ, đúng hạn bằng tiền thuế của nhân dân.

Mặc dù số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã nhanh chóng tăng lên 15 lần trong vỏn vẹn 9 năm - con số cực kỳ ấn tượng - nhưng một nghiên cứu gần đây của Tổ công tác về thi hành Luật Doanh nghiệp đã chỉ ra rằng, số lượng những doanh nghiệp tư nhân thực sự có tầm cỡ còn rất ít ỏi, thậm chí số có quy mô vừa theo thông lệ quốc tế cũng chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Còn theo UNDP thì trong số 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam chỉ có 17 doanh nghiệp tư nhân, mà phần lớn trong số này lại là... các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa! Quy mô vốn chủ sở hữu trung bình của một doanh nghiệp tư nhân tuy đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2005 - 2008 lên khoảng 3,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, nhưng vẫn kém xa mức trung bình là 242 tỷ đồng/doanh nghiệp nhà nước hay 76 tỷ đồng/doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Về quy mô sử dụng lao động, 98,35% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện sử dụng dưới 200 lao động (đại đa số chỉ sử dụng từ 50 lao động trở xuống), trong khi tỷ lệ này tại các doanh nghiệp nhà nước là 55,38% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 70,05%. Những chỉ số quan trọng khác phản ánh chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân như mức độ cải thiện tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản có... của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

12,9 tỷ USD là mức giải ngân ODA dự kiến cho cả thời kỳ 2006 - 2010

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là mức độ minh bạch, công khai về quản lý tài chính trong các công ty tư nhân ở Việt Nam chưa được các nhà quản lý cũng như các công ty kiểm toán quốc tế đánh giá cao.

Có không ít công ty tư nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Số doanh nghiệp báo cáo tài chính theo quy định tại của Luật Doanh nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp tổng số doanh nghiệp, nội dung báo cáo tài chính còn sơ sài, số liệu thường thiếu chính xác và không đầy đủ.

Cần thúc đẩy mô hình hợp tác PPP

Trả lời câu hỏi của Doanh Nhân về vấn đề này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Mitsuo Sakaba ý nhị nói, đây là chính sách nội bộ của Việt Nam, ông không thể bình luận trực tiếp. Hơn nữa, ODA của Nhật là nguồn vốn mà Chính phủ Nhật Bản cho Chính phủ Việt Nam vay, người trả nợ là Chính phủ Việt Nam chứ không phải là các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng Nhật Bản không lo ngại gì về khả năng trả nợ của Việt Nam, đồng thời luôn đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. ''Chỉ riêng trong lĩnh vực hạ tầng đã có một khối lượng khổng lồ các dự án cần thực hiện tại Việt Nam. Hình thức hợp tác PPP có vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án'' Đại sứ Nhật Bản nhận định.

Trong việc xây dựng một cơ chế cho tư nhân tiếp cận vốn ODA, vị Đại sứ nói thêm, điều quan trọng nhất là giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân để thu hút họ chung tay cùng nhà nước thực hiện các dự án có sử dụng ODA một cách hiệu quả nhất.

(Theo Ngọc Khánh // Báo Doanh nhân)

  • Ưu tiên điện cho sản xuất, xuất khẩu
  • Việt Nam xếp thứ 16 về chỉ số cơ hội thị trường mới nổi
  • Tháng 5 và 6-2010: Miền Bắc có thể thiếu điện nghiêm trọng
  • Đẩy mạnh liên kết vùng
  • Tìm giải pháp cho giai đoạn hậu khủng hoảng
  • Dùng khí tự nhiên tiết kiệm 50% phí nhiên liệu
  • SCIC được thoái vốn theo nhiều cách
  • Bộ Công an được chuyển nhượng đất tại 40 Hàng Bài và 54 Trần Hưng Đạo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi