Tổng cục Hải quan là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan.
Phát triển hải quan điện tử để phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn |
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính vừa được Thủ tướng ký ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ 15/3/2010.
Tổng cục Hải quan được giao 15 quyền hạn và nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ đặc thù: Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện tải xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan còn có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật hải quan; tổ chức nghiên cứu khoa học để ứng dụng khoa học và công nghệ vào ngành.
Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Hải quan ở Trung ương có 11 tổ chức hành chính giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 4 tổ chức sự nghiệp trực thuộc.
Hiện tại, có 33 Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Tổng cục Hải quan. Các Chi cục hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh... và 33 Cục Hải quan cấp tỉnh nói trên đều có tư cách pháp nhân.
Về mặt tổ chức, Thủ tướng quy định Tổng cục Hải quan có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng.
Từng bước hiện đại hóa ngành Hải quan
Với cái tên đầu tiên là “Sở Thuế quan và thuế gián thu” được thành lập với mục đích đảm bảo việc kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu và duy trì nguồn thu ngân sách, Hải quan Việt Nam không ngừng chăm lo xây dựng, hoàn thiện và nâng cao cơ sở pháp lý - quản lý Nhà nước để ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn của nước Việt Nam. Từ chỗ Hải quan Việt Nam còn phải tạm thời sử dụng những quy định nghiệp vụ về thuế quan của chính quyền thực dân đến nay đã xây dựng và ban hành được “Điều lệ Hải quan”, Pháp lệnh Hải quan và tiếp đó là Luật Hải quan Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2002.
Hải quan Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) từ ngày 01/07/1993 và từ đó cũng đã mở rộng quan hệ với tổ chức Hải quan thế giới và Hải quan khối ASEAN.
Hiện nay, việc thực hiện tự động hóa thủ tục hải quan đã được thực hiện ở tất cả các địa bàn trọng điểm, các cửa khẩu quốc tế, quốc gia. Ngành phấn đấu tự động hóa quy trình thủ tục hải quan đối với 95% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn cả nước, tự động hóa công tác kiểm tra giám sát Hải quan. Nhờ đó, tăng nhanh khả năng thông quan hàng hóa. Kể cả việc khai hải quan được chủ yếu được thực hiện qua mạng tin học.
Đến năm 2010, Hải quan Việt Nam phấn đấu trở thành Hải quan tiên tiến trong khu vực ASEAN, diện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, với phương châm hành động là “Thuận lợi - Tận tụy - Chính xác“. Tầm nhìn đến năm 2010 và 2020 là quản lý Hải quan hướng tới tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư và du lịch, thực hiện Hải quan điện tử, cơ quan Hải quan hoạt động có tính chuyên nghiệp, minh bạch và liêm chính
(Nguồn: Quyết định số 2/2010/QĐ-TTg // Tinchinhphu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com