Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của ngành năm 2010 phải tăng 12% so với năm 2009, Bộ Công Thương đã giao kế hoạch tổng kinh phí khuyến công năm 2010 là 180 tỷ đồng, tăng 11,2 %, trong đó: kinh phí khuyến công quốc gia 80 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương 100 tỷ đồng.
Với nguồn kinh phí này, Bộ Công Thương chỉ đạo trong năm tới phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; triển khai thành lập Trung tâm khuyến công 2 nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tại khu vực này; tăng cường kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công tại Cục Công nghiệp địa phương và các trung tâm khuyến công.
Theo đó, các giải pháp cần tập trung là:
Thứ nhất, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia và địa phương năm 2010 đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng. Khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch kinh phí khuyến công được phê duyệt, đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, kết quả và tiến độ thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng, thu hút sự chú ý, làm cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nắm được các chính sách của Nhà nước về công tác khuyến công để chỉ đạo, phối hợp tham gia chương trình. Đặc biệt là làm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn biết được chính sách và nội dung hoạt động của chương trình khuyến công, từ đó tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, qua đó góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Thứ ba, nghiên cứu các giải pháp huy động bổ sung các nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác khuyến công, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước đối với công tác này.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công tại Cục Công nghiệp địa phương và các trung tâm khuyến công địa phương. Phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu thực tế của một số địa phương để xây dựng phương án tổ chức bộ máy, mạng lưới khuyến công các cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ năm, các Sở Công Thương cần sớm xây dựng đề án, dự án trình UBND cấp tỉnh, thành phố từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện đi lại đáp ứng cho thực hiện nhiệm vụ của trung tâm khuyến công địa phương.
Giải pháp cuối cùng là trong năm 2010, cần tập trung làm tốt công tác tổng kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn đến năm 2012. Qua đó xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2004/NĐ-CP phù hợp với tình hình hoạt động khuyến công trong giai đoạn tới.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com