Để kích cầu mạnh hơn việc sử dụng máy móc cơ khí nông nghiệp theo Quyết định số 497/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần có chính sách đồng bộ ở tất cả các địa phương.
Hạn mức cho vay thấp khiến cho việc mua máy nông nghiệp của nông dân gặp khó khăn |
Trên thực tế, việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp từ ngân sách địa phương đã được Chính phủ cho phép triển khai thực hiện từ năm 2004. Quyết định này nhằm đẩy nhanh quá trình cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, thúc đẩy sản xuất máy móc trong nước, chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Cơ chế hỗ trợ theo phương thức tỉnh hỗ trợ nông dân cho vay vốn 70- 80% tổng giá trị vốn vay với lãi suất ưu đãi, hoặc hỗ trợ 50 - 100% lãi suất tiền vay, thời gian trả vốn và hỗ trợ lãi suất vay 3 năm. Đối tượng được vay và hỗ trợ lãi xuất tiền vay gồm các hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản gần bờ, diêm dân...
Theo đánh giá của Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), tại 35 tỉnh, thành phố thực hiện phương thức hỗ trợ nói trên, mặc dù tỷ lệ cơ giới hoá trong nông nghiệp tăng lên đáng kể với hàng chục nghìn máy nông nghiệp đã đến với nông dân, song do ngân sách địa phương hạn hẹp nên việc triển khai chương trình hỗ trợ nông dân mua máy trả chậm gặp một số vướng mắc, thậm chí một số tỉnh sau một thời gian thực hiện đã phải tạm ngừng, dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn.
Theo thống kê, địa phương triển khai hiệu quả nhất như Hưng Yên mới chỉ cung ứng được trên 300 máy, các tỉnh còn lại khoảng 200 máy/tỉnh. Chia sẻ ý kiến này, đại diện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho rằng, còn thiếu chính sách nhất quán ở tất cả các địa phương trong việc hỗ trợ nông dân. Cụ thể, như khi ngân hàng thẩm định không đồng ý đảo nợ cho rất nhiều hộ có nhu cầu vay để mua máy (khi đã có khế ước vay cũ); thủ tục vay vốn và giải ngân tại ngân hàng còn nhiều khó khăn.
Nhiều tỉnh lại không quy định rõ rằng, đây là một chương trình vay vốn độc lập với các chương trình vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp khác. Do vậy, nông dân đã vay vốn ở các dự án trước không có cơ hội vay vốn ở chương trình hỗ trợ mua máy nông nghiệp.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, đồng thời đẩy mạnh kích cầu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngày 17/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 497/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Qua 4 tháng triển khai, nông dân đã có cơ hội tiếp cận với máy móc, phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến. Song, do thời hạn giải ngân quá ngắn (chỉ đến ngày 31/12/2009) nên việc triển khai gặp không ít khó khăn.
Theo khảo sát, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cần khoảng 15.000 máy gặt đập liên hợp, nhưng hiện mới có 3.000 máy đang hoạt động. Thanh Hóa hàng năm gieo cấy trên 250.000 ha lúa, riêng khâu thu hoạch cần tới 3.000 máy gặt đập, nhưng hiện tại toàn tỉnh có chưa đầy 100 máy, khâu làm đất cũng chỉ đạt 30% cơ giới hoá.
VEAM kiến nghị, cần quy định rõ việc vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp là một chương trình riêng, một dự án độc lập không phải thế chấp và không bị ảnh hưởng tới các khoản vay khác, đồng thời, ngân hàng cần có quy chế thuận tiện và đơn giản hoá thủ tục tạo điều kiện để nông dân được hưởng chính sách kích cầu của Nhà nước.
Việc cho vay vốn nên thống nhất qua kênh Ngân hàng NN&PTNT vì đây là hệ thống ngân hàng có chi nhánh tới tận các huyện ở hầu hết các địa phương. Đồng thời, để tránh sự gian lận đưa máy nhập khẩu vào để hưởng chế độ hỗ trợ từ ngân sách, đảm bảo quyền được hưởng các dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng của người nông dân, cần quy định rõ máy do Việt Nam sản xuất là máy có tỷ lệ nội địa hoá từ 60% trở lên, giao cho doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực chủ trì trong việc sản xuất và cung cấp máy cho nông dân.
Ông Lê Phấn Hải, Trưởng phòng kinh doanh VEAM cho biết, thực tế triển khai hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp đã có không ít trường hợp sử dụng tiền ngân sách để mua máy ngoại nhập. Bên cạnh đó, hạn mức cho vay thấp cũng khiến cho việc mua máy nông nghiệp của nông dân gặp không ít trở ngại.
Theo ông Võ Hùng Anh (Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch), hiện tại, giá máy gặt đập liên hợp loại rẻ nhất cũng hàng trăm triệu đồng/chiếc, loại bình thường vào khoảng 150-200 triệu đồng/chiếc, máy cày, máy xới có công suất đủ lớn cũng xấp xỉ trăm triệu đồng.., trong khi quy định chỉ cho vay tối đa là 50 triệu đồng....
Ông Hải cho biết, VEAM đã đặt mục tiêu và lên kế hoạch ưu tiên hàng đầu trong năm 2009 để triển khai đưa máy nông nghiệp tới tất cả các tỉnh trên cả nước. Vấn đề cung ứng máy móc không đáng lo ngại, bởi đơn vị có khả năng đáp ứng 200.000 máy mỗi năm.
(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com