Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bế mạc ASEAN 16: Coi trọng gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế

"Các vị lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến liên kết kinh tế ASEAN".
Tại Hội nghị  cấp cao ASEAN 16 , các vị lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến liên kết kinh tế ASEAN thông qua các thỏa thuận đã có, coi trọng gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác kinh tế - tài chính Đông Á…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 16 phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao ASEAN 16, sáng 9/4.

Theo Thủ tướng, Hội nghị đã nhất trí cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang nổi lên.  “Chúng tôi nhất trí rằng bên cạnh việc tiếp tục tăng cường liên kết ASEAN, cần đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của Hiệp hội với các đối tác thông qua các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1, tăng cường hoạt động của các diễn đàn khu vực hiện có, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo, như ASEAN+3, EAS, ARF…”, Thủ tướng thông báo.

Cũng liên quan đến việc mở rộng vai trò của ASEAN tại khu vực, Hội nghị cấp cao ASEAN 16 đã thống nhất việc tổ chức Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng theo công thức ASEAN+8 để giúp tăng cường quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh giữa ASEAN với các đối tác. Hội nghị giao cho các bộ trưởng quốc phòng ASEAN bàn việc triển khai sớm.

Hội nghị cũng nhất trí tăng cường phối hợp lập trường trong ASEAN về các vấn đề khu vực và toàn cầu, cũng như tại các diễn đàn quốc tế. Trên tinh thần đó, các nước ASEAN ủng hộ Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-20 trong năm 2010; và Chủ tịch ASEAN sẽ tiếp tục tham dự G-20 như một cơ chế thường xuyên.

Đánh giá về kết quả các phiên họp trong hai ngày qua, Thủ tướng cho rằng Hội nghị đã thành công tốt đẹp.

Các vị lãnh đạo ASEAN đã khẳng định lại quyết tâm đẩy mạnh hành động hướng tới mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhất là tăng cường công tác giám sát việc thực thi và huy động nguồn lực; hoàn thiện bộ máy tổ chức, cải thiện phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác…

Ngoài ra, lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí đẩy mạnh triển khai Sáng kiến kết nối ASEAN để tạo nền tảng kết nối về hạ tầng cả phần cứng và phần mềm, hỗ trợ tăng cường liên kết kinh tế và xây dựng cộng đồng ASEAN.

Các kết quả cụ thể gồm có: thông qua Nghị định thư về giải quyết tranh chấp; thống nhất về nguyên tắc việc thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN và cam kết thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) vào tháng 5/2010; ra mắt Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC)…

Cũng tại Hội nghị lần này, các vị lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến liên kết kinh tế ASEAN thông qua các thỏa thuận đã có, coi trọng gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác kinh tế - tài chính Đông Á…

Trả lời báo chí, Thủ tướng cho biết hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mê Công luôn là một trong những ưu tiên của ASEAN. Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo ASEAN đã bàn nhiều đến vấn đề phát triển tiểu vùng sông Mê Công, trong đó có việc tăng cường kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực sông Mê Công; cùng với việc lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên lưu vực sông Mê Công với sự nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

ASEAN cũng hoan nghênh kết quả tại Hội nghị thượng định lần thứ nhất các nước Ủy hội sông Mê Công tại Hua Hin (Thailand) trong hai ngày 4-5/4 vừa qua. Hội nghị cũng bày tỏ sự ủng hộ cam kết của các nước Ủy hội sông Mê Công trong việc tăng cường hợp tác sử dụng, quản lý, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên của sông Mê Công.

Thủ tướng cũng cho biết, đại diện các nước Trung Quốc, Myanmar tham gia Hội nghị Hua Hin cũng bày tỏ sự nhất trí cao với tuyên bố chung của Hội nghị này.

Về câu hỏi liên quan đến chủ đề biển Đông, Thủ tướng cho biết, vấn đề duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn trên biển Đông là lợi ích chung và cũng là mối quan tâm lớn của các nước ASEAN, cũng như các nước trong khu vực.

Các nước liên quan đã xây dựng nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và cùng hợp tác ở khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC), văn bản ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, các bên liên quan đều đã khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện DOC. Hiện nay, các bên liên quan nỗ lực đang thúc đẩy thực hiện Cam kết này. Các quan chức ASEAN và Trung Quốc cũng đã thống nhất sẽ sớm nhóm họp để bàn biện pháp thúc đẩy triển khai thực hiện DOC.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện DOC, cũng như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, để góp phần thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển Đông”, Thủ tướng khẳng định.

(Theo Anh Quân // Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi