Ở nước ta, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giữ vị trí ngày càng quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước với việc hàng năm đóng góp hơn 40% cho GDP, tạo ra 50% việc làm mới, 78% mức bán lẻ, 33% giá trị sản lượng công nghiệp.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nguồn vốn để đổi mới công nghệ sản xuất - Ảnh mang tính minh họa |
Bên cạnh nỗ lực nội tại để vượt qua các khó khăn nhưthiếu vốn, khó tiếp cận đất đai làm mặt bằng kinh doanh, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu, trình độ quản trị doanh nghiệp hạn chế, các DNVVN đã nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất
Xác định tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với phát triển kinh tế đất nước theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, những năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp lớn nhằm phát huy đến mức cao nhất hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh cũng như tiềm năng của loại hình kinh tế này.
Có thể thấy rõ, hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện và ngày càng có chuyển động tích cực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và bình đẳng hơn, tình trạng phân biệt, đối xử so với các DNNN giảm nhiều.
Tuy nhiên, các DNVVN vẫn đối mặt không ít vướng mắc như thiếu vốn, trình độ quản trị doanh nghiệp, năng lực am hiểu chính sách còn hạn chế..Do đó, thời gian tới, bên cạnh tạo môi trường thuận lợi để DNVVN tự lực vươn lên, thì cũng cần những “ngoại lực” mạnh hơn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vừa ra khỏi suy thoái.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp: ”Để tạo bước đột phá trong tháo gỡ khó khăn về vốn cho DNVVN, cần nghiên cứu, ban hành chính sách mới. Trong đó, vấn đề trọng tâm đặt ra là phải thay đổi điều kiện cho vay, cụ thể là chuyển từ hình thức cho vay phổ biến hiện nay là thế chấp sang tín chấp”.
Còn ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng ”việc tháo gỡ khó khăn về vốn là điểm mấu chốt, giúp DN sớm ổn định sản xuất, kinh doanh”. Hiệp hội cũng đã có kiến nghị lập quỹ hỗ trợ DNNVV và tiếp tục thúc đẩy thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ DN của Chính phủ, VCCI đã đề xuất một số giải pháp: tăng cường thông tin và đối thoại về thực trạng nền kinh tế nhằm dự báo và định hướng chính xác cho DN; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ kinh phí cho DNNVV xúc tiến xuất khẩu; miễn, giảm thuế thu nhập cho DN mới thành lập…
Cuối năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về trợ giúp phát triển cho DNNVV. Các giải pháp hỗ trợ cụ thể đã được đưa ra, bao gồm: vốn, đào tạo nghề, thị trường, mặt bằng sản xuất... trong đó đáng lưu ý nhất là chính sách xây dựng Quỹ Phát triển DNNVV.
Trước đó, trong Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về các chính sách trợ giúp và quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển DNNVV cũng có quy định liên quan đến việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV.
Đầu năm 2010, trong Dự thảo về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010 mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện có nội dung chính là giãn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2010 của DNNVV sẽ được nộp chậm ba tháng. Cụ thể, thuế tạm nộp của quý I/2010 được gia hạn đến 30/7, của quý II được gia hạn đến 29/10, quý III đến 31/1/2011 và quý IV đến 29/4/2011. Thuế phải nộp theo quyết toán thuế năm 2010 được gia hạn đến 30/6/2011.
Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan nhất khu vực
Có thể khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ cùng nhiều cơ chế ưu đãi dành cho DNNVV đã trợ giúp kịp thời có hiệu quả cho DNNVV vượt qua nhiều khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. DNNVV tin tưởng vào chính sách của Chính phủ và lạc quan nhìn về tương lai.
Điều đó được minh chứng qua kết quả khảo sát mới nhất của ngân hàng HSBC, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam tăng 10 điểm trong quý IV/2009, đạt mức cao nhất kể từ khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính vào quý IV/2008 và đứng đầu danh sách khảo sát mức độ tin tưởng của các DNVVN tại các nước trong khu vực.
71% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tin rằng, tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng tới sẽ cao hơn năm 2009. Về triển vọng về đầu tư vốn, các DNVVN Việt Nam cũng lạc quan hơn khi nói về kế hoạch đầu tư kinh doanh của mình trong nửa đầu năm 2010. Hơn một nửa trong số họ (66%, tăng lên từ 58% của quý II/2009) đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào hoạt động kinh doanh, 32% cho biết sẽ duy trì ở mức cũ (con số quý II/2009 là 38%) và chỉ có 1% có kế hoạch cắt giảm đầu tư (con số cũ là 3%).
Trong cuộc khảo sát lần này, lần đầu tiên các DNVVN được hỏi về dự định mở rộng giao thương quốc tế của họ và các hoạt động kinh doanh quốc tế khác như hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Tại Việt Nam, cứ 3 doanh nghiệp được hỏi thì có 2 doanh nghiệp cho biết ở một mức độ nào có họ cũng có hoạt động kinh doanh quốc tế. 53% DNVVN Việt Nam cho biết họ dự định gia tăng các hoạt động kinh doanh quốc tế vào năm 2011.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com