Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia có nhiệm vụ phối hợp với hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia phục vụ đánh giá hiện trạng phóng xạ môi trường, thiết lập hệ cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường và theo dõi, cảnh báo mọi diễn biến bức xạ bất thường trên lãnh thổ Việt Nam.
Một nhà máy điện hạt nhân - Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT).
Định kỳ kiểm tra an toàn bức xạ
Nghị định quy định rất chặt chẽ về đo lường, kiểm định bức xạ. Theo đó, các thiết bị thuộc danh mục thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân phải kiểm định, hiệu chuẩn phải được kiểm định, hiệu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng; sau khi lắp đặt thiết bị hoặc sửa chữa có ảnh hưởng đến tính năng an toàn và độ chính xác của thiết bị và kiểm định theo định kỳ.
Bộ Khoa học và Công nghệ thiết lập, duy trì chuẩn đo lường bức xạ quốc gia; ban hành quy định cụ thể việc kiểm định, hiệu chuẩn và danh mục thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân phải kiểm định, hiệu chuẩn.
Cơ sở luyện thép phải có biện pháp phát hiện nguồn phóng xạ
Luật NLNT gồm 11 Chương, 93 Điều quy định về phát triển, ứng dụng NLNT và bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động trong lĩnh vực NLNT. |
Nhằm phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát, cơ quan hải quan tại cửa khẩu được trang bị phương tiện kỹ thuật, thực hiện các biện pháp cần thiết để phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân tại cửa khẩu. Ngoài ra, các cơ sở sử dụng sắt, thép phế liệu để luyện thép phải có biện pháp hoặc thiết bị để phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân.
Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc có thông tin về nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp, chưa được khai báo có trách nhiệm thông báo ngay cho UBND hoặc cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Sở Khoa học và Công nghệ.
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành những công việc bức xạ phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
Nghị định cũng quy định rõ, việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, hoạt động của tàu bển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện việc giám sát hoạt động này.
Đãi ngộ nhân lực
Nhằm thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT, Nghị định quy định rõ, chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực NLNT làm việc trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về tuyển dụng làm việc; bổ nhiệm vào vị trí chủ trì các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và quản lý; ưu đãi về điều kiện làm việc, phương tiện, đi lại, nhà ở; giao lưu khoa học và hợp tác quốc tế...
Người làm việc trong lĩnh vực NLNT hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp với mức tối đa là 70% mức lương theo ngạch, bậc. Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trong lĩnh vực NLNT đạt loại giỏi trở lên được ưu tiên tuyển dụng làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng NLNT của Nhà nước.
Người học các chuyên ngành trong lĩnh vực NLNT bậc đại học và sau đại học được Nhà nước chi trả chi phí đào tạo và được cấp học bổng nếu học ở trong nước và hỗ trợ chi phí đào tạo nếu học ở nước ngoài.
(Theo Tuấn Khang // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com