Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính quyền phó mặc cho doanh nghiệp

Trình độ lao động thấp, thiếu tác phong công nghiệp... là những trở ngại chính hạn chế số lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.

Đề án đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại 62 huyện nghèo (được Chính phủ phê duyệt tháng 4/2009) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thí điểm tại 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã lựa chọn được một số doanh nghiệp (DN) có các hợp đồng khả thi, phù hợp với khả năng của người lao động tại các huyện nghèo. Đây là những DN mạnh, có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ. Các đơn hàng đều được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định kỹ lưỡng nhằm tránh tình trạng người lao động phải về nước trước thời hạn.

Theo Đề án, người lao động được hỗ trợ kinh phí bổ túc văn hoá trọn gói, bao gồm học phí, tài liệu học tập, chi phí sinh hoạt trong thời gian học văn hoá. Ngoài ra, người lao động còn được vay vốn ưu đãi 20 - 30 triệu đồng, trả dần hàng tháng khi đã nhận được công việc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thí điểm việc đào tạo thông qua đơn đặt hàng.

Theo đó, khi nhận được đơn hàng, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tổ chức đấu thầu để chọn ra DN tốt nhất đào tạo và cung cấp lao động theo đúng yêu cầu của bạn hàng, nhằm hạn chế tối đa hoạt động trung gian, môi giới, lừa đảo.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai Đề án, đã có khoảng 1.500 lao động ở các huyện nghèo thuộc 6 tỉnh đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 1.200 người tham gia sơ tuyển. Sau khi sơ tuyển, các DN đã phối hợp với địa phương tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ và đang làm thủ tục cho hơn 1.000 người.

Mới đây, Công ty XKLĐ Châu Hưng đã khai giảng một lớp dạy nghề cho 120 người, đa phần là người dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo của 3 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau khi hoàn tất khóa học (kéo dài 2,5 tháng), số lao động trên sẽ sang Malaysia làm việc với mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex cũng đưa 30 lao động (chủ yếu là người Mông) của hai huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Căng Chải (Yên Bái) sang làm việc tại Libya, với mức lương bình quân 250 USD/tháng, chưa kể làm thêm giờ. Ngoài ra, người lao động còn được miễn phí toàn bộ tiền ăn, ở tại nơi làm việc cùng hai lượt vé may bay đi, về. Dự kiến trong tháng 9, Công ty sẽ đưa thêm 30 lao động của hai huyện này sang Libya.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tại một số huyện, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc, còn phó mặc cho DN, không tiếp tục triển khai đến cấp xã, nên người dân không có thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đăng ký tham gia. Trong khi đó, tỷ lệ lao động không đạt tiêu chuẩn về sức khỏe khá cao, như ở Thanh Hoá và Yên Bái, tỷ lệ này lên tới 30 - 35%.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex cho biết, nhận thức và quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài để thoát nghèo của người lao động tại các huyện chưa cao. Nhiều người còn bỏ về, không đi nữa, mặc dù đã được tuyển chọn, đào tạo và cấp visa. Hơn nữa, trình độ văn hóa thấp, thiếu tác phong công nghiệp là những hạn chế lớn nhất trong quá trình tuyển chọn, đào tạo cho người lao động tại các huyện nghèo.

Do vậy, Công ty đã lựa chọn phương thức thích hợp là chỉ đào tạo tay nghề với thời gian 8 tiếng/ngày như trên thực địa, do đội trưởng hoặc cán bộ quản lý của công ty tại nước bạn đảm nhiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế, các DN XKLĐ vẫn gặp không ít khó khăn. “Chi phí dạy nghề, học văn hóa, ăn ở cho người lao động sẽ do Nhà nước chi trả, nhưng hiện tại, Công ty vẫn phải tạm ứng toàn bộ. Chưa biết khi nào DN mới được hoàn vốn, vì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện”, ông Tống Thanh Tùng nói. Những chi phí trên khá lớn, nên nếu chậm có hướng dẫn, sẽ khó để DN có thể tuyển và đào tạo thêm lao động.

Ngoài ra, một số DN chưa có hợp đồng, hoặc có hợp đồng, nhưng chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận đã về địa phương thông báo tuyển dụng, rồi mua đi bán lại hợp đồng hưởng chênh lệch mà không biết người lao động có đi được hay không. Với thực tế như vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần siết chặt việc giám sát, cũng như có chế tài xử phạt mạnh tay với những DN vi phạm, hạn chế thiệt hại cho người lao động.

(Theo Thanh Hải // Báo đầu tư )

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Doanh nghiệp tự đánh thức bản thân
  • Khuyếch trương thương hiệu bằng bánh trung thu
  • Sức khỏe người lao động: Chăm sao cho đúng
  • Người dân và chủ đầu tư đều có lợi
  • Không chỉ là giá thành
  • 95% hàng hóa ở Metro sản xuất tại Việt Nam
  • Lại bỏ quên “thượng đế” nội
  • Đang lấy lại phong độ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi