Đại diện của 50 doanh nghiệp có sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu đã đến Trung tâm Thú y Vùng VI vào ngày 23-7 để cùng bàn về việc thực hiện một số quy định mới
Do gần đây có việc hàng trăm tấn sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm khuẩn, quá hạn sử dụng, hàng không được phép sử dụng cho người nhưng lại bán ra thị trường, Cục Thú y đã phải yêu cầu các doanh nghiệp (DN) không nhập khẩu sản phẩm pín và nội tạng động vật về làm thực phẩm cho người; hàng không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Y tế thì không được nhập khẩu mà phải tái xuất, chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy; không chấp nhận chiếu xạ những lô hàng nhiễm khuẩn.
Đối với hàng đã làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu và đang trên đường nhập về VN, nếu không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y thì sẽ tiếp tục được chiếu xạ.
Chiếu xạ: Nên hay không?
Đại diện Công ty Vissan cho rằng sản phẩm gia súc, gia cầm ngoại nhập là rất tốt, trên thế giới có đến 37 nước chấp nhận việc chiếu xạ thì VN cũng phải tuân thủ. Ông Trần Đình Quốc Hương, trợ lý giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm VN (Vinafood), phụ họa thêm: “Tại sao không theo hiệp ước quốc tế, nếu không sẽ ảnh hưởng đến ngoại giao, quyền lợi quốc gia”. Chủ một DN khác cho rằng cần cân nhắc hơn vì hàng thực phẩm của chúng ta xuất đi Mỹ cũng bị buộc chiếu xạ.
Các chuyên gia về an toàn thực phẩm thì cho rằng DN đã thiếu hiểu biết vì nông sản, thủy sản của chúng ta khi xuất khẩu nếu bị nhiễm “thứ này, thứ nọ” thì các nước cũng buộc tái xuất hoặc tiêu hủy chứ đâu có chiếu xạ để thành sản phẩm an toàn; chẳng hạn trái thanh long xuất đi Mỹ buộc phải chiếu xạ là để diệt trứng ruồi; thịt ếch xuất đi Mỹ phải chiếu xạ là nhằm giúp bảo quản tốt hơn.
Cơ quan chức năng kiểm tra hàng của Vinafood chứa tại kho lạnh ở Bình Dương
Đại diện cơ quan thú y phân tích: Không biết sản phẩm gia súc, gia cầm ngoại nhập tốt cỡ nào mà khi nhập về thì rất nhiều lô hàng bị nhiễm khuẩn, buộc phải chiếu xạ. Cánh gà, đùi gà ở nước ngoài là loại thải ra, giá bán cực rẻ; phụ phẩm gia súc, gia cầm nhiều nước không sử dụng cho người nhưng vẫn được nhập về bán cho dân mình ăn; liệu có an toàn không khi sản phẩm người ta thải ra thì rất dễ bị nhiễm khuẩn do không được bảo quản tốt?
Bà Trương Thị Kim Châu, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, nói: “DN không được so sánh là hàng ngoại tốt, còn hàng trong nước không an toàn để dễ dãi nhập hàng về. Sản phẩm gia súc, gia cầm trong nước đều là hàng tươi sống, tiêu thụ nhanh, được cơ quan thú y kiểm soát, giám sát chặt chẽ”. Ông Mai Văn Hiệp, Cục phó Cục Thú y, cho rằng có DN chỉ biết quyền lợi của mình mà quên đi lợi ích của người tiêu dùng. Thông lệ quốc tế tùy theo từng khu vực có khác nhau, thứ người ta bỏ đi mà mình mang về để ăn thì DN giải thích như thế nào?
Có chồng chéo trong quy định ghi nhãn?
Các DN cho rằng việc ngưng chiếu xạ chẳng khác nào “bóp” chết họ và sẽ không ai dám nhập sản phẩm gia súc, gia cầm về vì lo ngại không bảo đảm chất lượng và không được chiếu xạ như trước mà buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy, làm thức ăn chăn nuôi.
Phía cơ quan quản lý thì khẳng định lâu nay nhiều DN vẫn làm ăn đàng hoàng, nhập hàng chất lượng tốt, không có lô hàng nào bị nhiễm khuẩn thì không hề chiếu xạ lần nào; việc siết chặt kiểm soát là để đào thải những DN làm ăn gian dối, nhập hàng cận đát, hàng phế thải. Ông Hiệp cho biết thêm là ngoài việc chấn chỉnh, sắp tới Cục Thú y sẽ kiểm tra tất cả các kho lạnh có trữ hàng gia súc, gia cầm.
Các DN cho biết hiện vẫn còn khá nhiều lô hàng bị nhiễm khuẩn đã được chiếu xạ nhưng khi đưa hàng ra thị trường thì thú y không cho phép lưu thông. Theo bà Châu, việc này đã được UBND các quận báo cáo lên UBND TPHCM để xin ý kiến chỉ đạo cũng như có hướng xử lý tiếp theo. Quan điểm của Sở Y tế TPHCM là không đồng ý cho sản phẩm chiếu xạ được tiêu thụ trên thị trường.
Phía các DN cũng than rằng có sự chồng chéo trong các quy định về hạn sử dụng, ghi nhãn giữa cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài. Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Phòng Kiểm dịch Thú y Cục Thú y, cho rằng nếu trên bao bì chỉ ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng thì nhà nhập khẩu phải yêu cầu phía đối tác ở nước ngoài cung cấp giấy tờ chứng minh hạn sử dụng là bao lâu. Hạn sử dụng ghi 2 năm là căn cứ vào đâu khi quy định trong nước đối với hàng động vật đông lạnh tối đa chỉ 18 tháng với điều kiện ở nhiệt độ âm 180C.
Nhiều siêu thị không bán hàng Vinafood Ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Citimart, cho biết hiện siêu thị không bày bán sản phẩm của Vinafood. Hệ thống siêu thị Co.opMart cũng đã ngưng kinh doanh các sản phẩm của Vinafood từ hồi tháng 4 vì không thống nhất được giá cả. Đại diện Maximark cũng cho biết năm ngoái có bày bán mặt hàng xúc xích do Vinafood nhập khẩu, nhưng từ đầu năm nay do không tiếp tục ký hợp đồng nên hàng của Vinafood cũng không còn. Được biết, thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu của Vinafood là tại các chợ, bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp và các cơ sở chế biến. |
(Theo Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI/NLĐ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com