Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bùng phát thủy điện ở Quảng Nam: Lợi hay hại?

Hôm qua (4-12), Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị chuyên đề phát triển thủy điện trên địa bàn (với 58 thủy điện được phê duyệt - PV). Các sở ngành tỉnh Quảng Nam, chuyên gia thủy điện của các bộ ngành TƯ và Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) đã đặt lên bàn cân lợi và hại của thủy điện. 

Những bất cập... 

Tại hội nghị, có đại diện các huyện có thủy điện và các huyện bị tác động bởi thủy điện như: Nam Giang, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Đại Lộc… Ngoài việc khẳng định lợi ích của thủy điện, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại của thủy điện đã tác động tiêu cực đến địa phương như vấn đề phá rừng, di dân gây mất bản sắc văn hóa bản làng, “lũ nhân tạo” chồng lên lũ tự nhiên đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại các vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn mà điển hình nhất là trong cơn lũ chưa từng có trong lịch sử hồi cuối tháng 9-2009. 

Hồ thủy điện A Vương xả lũ đã gây ra lũ chồng lên lũ ở vùng hạ du sông Vu Gia hồi cuối tháng 9 vừa qua ở Quảng Nam

Ông Huỳnh Tấn Sâm, Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, cho rằng Dự án thủy điện Sông Tranh 2 có quy mô lớn, vùng ảnh hưởng rộng với diện tích ngập nước xấp xỉ 2.500 ha đất các loại, trên 1.200 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp. “Công trình này triển khai đã làm người dân (chủ yếu là dân tộc thiểu số) bỏ lại làng bản cũ mồ mả tổ tiên, đất đai ruộng vườn mà phải mất cả chục năm mới có được, để đối mặt với nhiều khó khăn khi đến nơi mới. Việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 đã tác động xấu đến môi trường, nhất là rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ bị mất với diện tích lớn không dễ gì tái tạo” – ông Sâm cho biết. 

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập, là người đưa ra quyết định “sống còn” dùng thuốc nổ đánh vỡ đập hồ Phú Ninh để cứu hàng chục ngàn dân Quảng Nam năm 1999, cho biết: Tôi đồng ý A Vương vận hành xả lũ theo đúng quy trình của Bộ Công thương nhưng vấn đề ở chỗ, đây là một quy trình sai. Theo quy trình này, hồ thủy điện chỉ có hai nhiệm vụ là an toàn công trình và an toàn phát điện hoàn toàn không đả động gì đến tham gia cắt lũ và giảm lũ.

Ông Mai Anh Súy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, khẳng định, cơn lũ hồi cuối tháng 9 vừa qua là do Thủy điện A Vương xả lũ khiến “lũ nhân tạo chồng lên lũ tự nhiên” đã nhấn chìm toàn bộ huyện Đại Lộc. Điều đáng nói, việc A Vương xả lũ vào ban đêm, đúng vào thời điểm vùng hạ du có mức lũ đạt mức báo động 3 đã khiến cả chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc không trở tay kịp, thiệt hại do lũ gây ra rất lớn. 

Về các bất cập trong vấn đề di dân, ông Trần Văn Hải, Trưởng ban quản lý Dự án thủy điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), lý giải: Chủ đầu tư cũng không biết đất ở đâu để cấp cho dân, nếu muốn có đất thì chính quyền địa phương phải chỉ địa điểm để họ giao cho dân. Còn việc chuyển đất từ rừng nguyên sinh sang đất sản xuất cho dân thì chủ đầu tư không thể tự tay làm được. Việc xây dựng các công trình hạ tầng ở các khu tái định cư chất lượng kém và không phù hợp, ông Hải hứa sắp tới sẽ tìm cách cùng chính quyền địa phương tháo gỡ. 

Đề nghị phải điều chỉnh quy trình vận hành hồ 

Tại hội nghị, cả các địa phương bị tác động bởi thủy điện và Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đều đề nghị tỉnh Quảng Nam và các bộ ngành TƯ cần xem xét, rà soát, nghiên cứu thật kỹ trước khi triển khai dự án để làm sao giảm thiểu những tác động xấu của thủy điện đến đời sống dân sinh vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn cũng như đánh giá lại quy trình vận hành hồ thủy điện A Vương. 

Thủy điện A Vương bị buộc tội xả lũ làm tan hoang vùng hạ du sông Vu Gia

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam kiêm Phó ban Chỉ huy PCLB Quảng Nam, cho rằng: Qua thực tế kết quả vận hành của công trình thủy điện A Vương trong một năm qua (cụ thể là đợt lũ cuối 9-2009) đã cho thấy việc tính toán về lưu lượng, về mực nước của công trình này là “lý thuyết”. Việc thiết kế hồ thủy điện có dung tích phòng lũ rất nhỏ hoặc không bố trí dung tích phòng lũ nên công trình không đáp ứng được nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ và giảm lũ cho vùng hạ du. Cụ thể, hồ A Vương có dung tích phòng lũ khoảng 17 triệu m³ nước trên 343 triệu m³ toàn hồ; hồ thủy điện sông Bung 4 có dung tích phòng lũ 47 triệu m³ trên 510 triệu m³ tổng hồ… 

BCH PCLB tỉnh Quảng Nam cũng cảnh báo việc thủy điện tích nước gây khô hạn cho vùng hạ du. Đơn cử cho việc này là vào tháng 7-2008, khi công trình thủy điện A Vương tích nước để chuẩn bị phát điện đã gây ra một đợt hạn hán tại một số địa phương của Quảng Nam; tháng 7-2009, khi công trình thủy điện A Vương đóng nước để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị phục vụ nghiệm thu công trình đã làm cho lưu lượng và mực nước tại đập dâng An Trạch (Hòa Vang, Đà Nẵng) thiếu hụt nước đột ngột, gây ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An. 

Trung ương nói gì? 

Trước những “bão tố” trên, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện A Vương, một lần nữa nói như đinh đóng cột: “Việc vận hành hồ thủy điện A Vương luôn bám theo và đã vận hành đúng quy trình do Bộ Công thương ban hành trong đợt lũ vừa qua đã thể hiện vai trò tích cực khi có thủy điện A Vương với các kết quả đạt được là đã điều tiết giảm được một phần lũ cho hạ du, cắt được đỉnh lũ cấp 2 và đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đập dâng - đập tràn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là bảo đảm an toàn tối đa cho vùng hạ du thông qua việc đảm bảo khả năng chịu đựng lũ theo đúng thiết kế của công trình”. 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Trung ương Trần Quang Hoài, dù không nêu cụ thể trường hợp của A Vương nhưng cho rằng: Qua hai cơn bão lũ số 9, 11 đã bộc lộ một số nhà máy thủy điện chưa quan tâm đến vấn đề cắt lũ hạ du. Hầu hết các chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm quản lý, muốn giảm giá thành đầu tư nên không đầu tư hết các nhiệm vụ của hồ đập. 

Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) Lê Hữu Thuần, cung cấp một thông tin đáng suy ngẫm. Đó là, hầu hết các thủy điện đều chưa có phê duyệt về đánh giá môi trường chiến lược. Quy hoạch thủy điện đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 6-2007, đối với các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ thì Chính phủ giao cho UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng theo Luật Bảo vệ môi trường hầu hết đều chưa có phê duyệt về đánh giá môi trường chiến lược. Có đánh giá được tác động môi trường chiến lược, thì mới đánh giá được tác động môi trường nói chung. Đặc biệt đối với tài nguyên nước về số lượng và chất lượng về khai thác sử dụng nguồn nước liên quan đến việc khai thác nguồn nước hạ lưu trong điều kiện có sự biến đổi khí hậu lớn ảnh hưởng đến nước ta hiện nay. 

Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho rằng, phát triển thủy điện ở Quảng Nam nhằm hai mục tiêu là góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của quốc gia và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở miền núi của tỉnh.

Qua thực tiễn triển khai, cho thấy giải quyết các vấn đề tác động của các dự án còn nhiều bất cập như: Việc tái định cư cho dân, chưa gắn liền với quy hoạch đất sản xuất, chưa nghiên cứu kỹ văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào trong việc bố trí tái định cư; việc triển khai dự án thủy điện sẽ mất đi một số diện tích rừng nhất định. Có nơi để xảy ra tình trạng vi phạm về bảo vệ tài nguyên rừng, đặc biệt, các nhà máy thủy điện A Vương vận hành vào cuối tháng 12-2008, thủy điện Sông Côn 2 vận hành tháng 8-2009. Đây là lần đầu tiên hai nhà máy thủy điện này thực hiện quy trình vận hành khi gặp lũ lớn kèm theo bão số 9-2009 vừa qua; nhưng do chưa tính toán hết các yếu tố ở phạm vi hạ du, nên đã làm tăng mức độ ngập lụt và thiệt hại ở vùng hạ du của tỉnh

(Theo NGUYÊN KHÔI // SGGP Online)

  • TP Hồ Chí Minh thực hiện xã hội hóa - Chủ động xử lý rác sinh hoạt
  • TPHCM: Tăng giá nước từ 1/3/2010
  • Biến đổi khí hậu làm tổn thương miền Trung
  • Nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở Hà Nội
  • Thành lập khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang
  • Nam Ðịnh xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn trợ giúp hộ nghèo
  • Hà Nội: Giá cát tăng 50% vì... sông cạn
  • Kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng đạt gần 900 triệu USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi