Đánh giá về tình hình xử lý rác trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM (Sở TN-MT) tự tin khẳng định: Thành phố đã chủ động xử lý được rác sinh hoạt.
Doanh nghiệp nhà nước cũng phải vay tiền... đầu tư
Nhiều năm trước, TPHCM gần như phải đầu tư hoàn toàn cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác (trừ các dây rác dân lập do tư nhân đầu tư). Với hàng trăm tỷ đồng/năm, chi phí này đã trở thành gánh nặng thực sự cho ngân sách thành phố.
![]() |
Các xe rác dân lập chờ đưa lên xe ép rác mang vào bãi xử lý rác. (Ảnh chụp trên đường Trần Phú, quận 5 TPHCM). Ảnh: Đức Trí |
Tuy nhiên, hiện nay mọi việc đã thay đổi. Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT cho biết, ngay cả Công ty Môi trường đô thị là doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay muốn đầu tư xây dựng bãi nhận rác hay nhà máy xử lý chất thải nguy hại… đều phải đi vay và tự cân đối để tồn tại và phát triển. Ngân sách thành phố đã không chi đầu tư cho những công việc này. Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Môi trường đô thị đặt tại Khu xử lý rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi đã lắp đặt xong lò đốt công suất 21 tấn/ngày. Dự kiến cuối tháng 12-2009 lò đốt sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh Công ty Môi trường đô thị, TPHCM cũng đã tạo điều kiện cho hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực xử lý và tái chế rác. Công ty Việt Star là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư tái chế xử lý rác thải thành phân compost và tái chế nhựa. Hiện nay, thiết bị tái chế nhựa của Việt Star đã được lắp đặt xong; thiết bị ủ phân chậm hơn, đến đầu năm 2010 mới hoàn thành. Tuy nhiên, trong quý 1-2010, Việt Star đã có thể đi vào sản xuất khoảng 600 tấn phân compost/ngày và bắt đầu tái chế nhựa.
Công ty Tâm Sinh Nghĩa cũng đang xây dựng nhà máy chế biến phân compost công suất 1.000 tấn/ngày tại Củ Chi. Nếu không có gì thay đổi, vào khoảng giữa và cuối năm 2010, khoảng 3.200 tấn rác thải của thành phố sẽ được hai doanh nghiệp Tâm Sinh Nghĩa và Việt Star tái chế thành phân bón, nhựa và các vật liệu khác thay vì chôn lấp như hiện nay.
Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã xây dựng khu xử lý rác tại xã Đa Phước huyện Bình Chánh. Hiện nay VWS đã có thể tiếp nhận hết 3.000 tấn rác/ngày và đang xây dựng sàn trung chuyển rác, dự kiến đến cuối tháng 12-2009 sẽ hoàn thành. Nhà máy phân loại rác của VWS dự kiến đầu năm 2010 sẽ đi vào hoạt động. Riêng nhà máy xử lý nước rỉ rác sẽ hoàn thành vào giữa năm 2010.
Cùng với bãi rác Phước Hiệp của Công ty Môi trường đô thị, bãi rác Đa Phước của VWS đang tiếp nhận lượng rác thải ra mỗi ngày của thành phố, ước khoảng 6.200 tấn/ngày.
Người xả rác phải trả chi phí xử lý rác
Đây là một trong những quan điểm mới về bảo vệ môi trường đang được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng. Những người đưa ra quan niệm này lý luận: khi người xả rác phải trả chi phí bảo vệ môi trường thì buộc họ phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
TPHCM cũng đang triển khai thực hiện theo quan điểm này. Khoảng tháng 5-2009, TPHCM đã bắt đầu cho điều chỉnh phí xử lý rác đối với các hộ dân và các tổ chức xã hội cho sát gần hơn với chi phí xử lý rác. Hiện thành phố đang chi trả khoảng 700 tỷ đồng cho các khu xử lý rác. Cũng theo TS Nguyễn Trung Việt, cho đến khi người xả rác phải chi trả bằng với chi phí xử lý rác mà thành phố trả cho nhà đầu tư thì gánh nặng về xử lý rác của ngân sách thành phố sẽ được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, công tác xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn TPHCM vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Rác sinh hoạt vẫn được chôn lấp là chủ yếu. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, nếu không xảy ra khủng hoảng kinh tế và một số khó khăn về mặt thủ tục thì một số nhà máy tái chế rác của thành phố đã có thể hoạt động. Tuy vậy, theo lộ trình mới thì từ năm 2010 đến 2015 thành phố sẽ phấn đấu xử lý được khoảng 50% lượng rác thải thành phân compost, 30% lượng rác sẽ được đốt để phát điện, 10% được tái chế và chỉ còn khoảng 10% là chôn lấp.
“Chỉ tiêu này rất có cơ sở để thực hiện, bởi qua năm 2010 hàng loạt nhà máy sẽ bắt đầu chế biến rác thành phân compost và hiện cũng có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề sản xuất điện từ rác”, ông Phước nói.
Một vấn đề nữa cũng không được như mong muốn trong công tác xử lý rác ở TPHCM là việc phân loại rác từ nguồn triển khai còn chậm. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trung Việt, chương trình này đang được khởi động lại ở quận 1, 4, 5, 6, 10 và Củ Chi. Việc phân loại rác từ nguồn thành công sẽ là cơ sở để thành phố xử lý hết và hiệu quả lượng rác thải ra.
(Theo NGUYỄN KHOA // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com