Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở Hà Nội

Thu hoạch cá điêu hồng của gia đình chị Phạm Thị Thơm (Xã Đồng Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội).
Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) Hà Nội giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được thành phố phê duyệt, tạo điều kiện cho người chăn nuôi có thể làm giàu. Bên cạnh những chính sách đầu tư của Nhà nước, ngành thủy sản Hà Nội đang đối mặt nhiều thách thức từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Làm thế nào để ngành phát triển bền vững và thật sự mang lại hiệu quả cho người nông dân?
 
Nuôi thủy sản lợi hơn trồng lúa

Xã Ðông Mỹ (Thanh Trì) là vùng thủy sản rộng lớn của thành phố (với 110 ha diện tích mặt nước nuôi trồng). Mỗi năm, Ðông Mỹ cung cấp cho Hà Nội khoảng 700 tấn cá, tôm các loại. Chủ tịch UBND xã Lê Tuấn Minh cho biết: Với quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã tập trung "dồn điền, đổi thửa", chuyển diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Thành phố đầu tư cho xã 13 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, hệ thống mương) tới từng hộ nuôi thủy sản. Từ vùng thủy sản tập trung, xã đang tiếp tục triển khai xây dựng đề án Phát triển vùng nuôi thủy sản chất lượng cao gắn liền với du lịch sinh thái, trang trại tổng hợp, rồi tiến tới xây dựng thương hiệu thủy sản Ðông Mỹ. Tổng kết chung toàn xã, bình quân mỗi ha NTTS cho thu nhập 102 triệu đồng (với năng suất trung bình 7 tấn/ ha/ năm), so với trồng lúa ở thời điểm trước khi chuyển đổi, chỉ đạt 15 đến 25 triệu đồng. Một số hộ đầu tư thâm canh lớn đạt tới 150 triệu đồng (cho lãi ròng 25 triệu đồng/ha). Ðến Ðông Mỹ vào thời điểm này, đâu đâu cũng thấy bà con nói về tiếp nhận kỹ thuật nuôi những giống thủy đặc sản mới (tôm càng xanh, cá điêu hồng). Chị Phạm Thị Thơm cho biết, nhờ sự hỗ trợ về tài chính (40% tiền giống, 20% tiền thức ăn) và kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông cá điêu hồng của gia đình chị bán lứa vừa rồi thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. Tính cả sáu ha nuôi cá khác, mỗi năm gia đình chị lãi từ 200 đến 250 triệu đồng. Còn các hộ gia đình ở các xã Cổ Ðô, Vạn Thắng (Ba Vì) làm phép tính so sánh: Nuôi cá có thể đánh bắt quanh năm theo kiểu "đánh tỉa, thả bù", gắn với nuôi vịt, "lấy ngắn nuôi dài" mà hiệu quả lại gấp ba, bốn lần trồng lúa.

Thiếu tính bền vững

Theo Chi cục Thủy sản thành phố, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có hơn 30 nghìn ha mặt nước có khả năng NTTS, trong đó, 6.700 ha ao, hồ nhỏ, 19.800 ha ruộng trũng. Một số sông như sông Ðà, sông Hồng, sông Tích, sông Bùi, sông Ðáy... cũng có khả năng phát triển nuôi cá lồng. Tuy nhiên, diện tích đưa vào nuôi thả hiện nay mới đạt 17.800 ha, năng suất bình quân thấp, chỉ đạt ba tấn/ha/năm. Do các ao, hồ nhỏ đều gần khu dân cư, lại bị ô nhiễm, đồng thời diện tích ao hồ dần bị thu hẹp nên phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh, chưa tạo được nhiều vùng thủy sản tập trung, với quy mô lớn. Cơ cấu vẫn là một số giống truyền thống, chất lượng giống chưa cao... Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Nguyễn Viết Ðể, hiện nay người NTTS thường chỉ làm theo cảm tính, dựa vào kinh nghiệm, nhiều hộ còn sử dụng thức ăn chưa hợp lý, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nguồn vốn của nông dân đầu tư vào NTTS còn hạn hẹp, các nguồn vay hỗ trợ lại khó tiếp cận, nên bà con gặp rất nhiều khó khăn cho việc đầu tư lớn để mở rộng sản xuất. Cho dù ngành thủy sản Hà Nội có lợi thế lớn về thị trường, song người nông dân vẫn luôn phải đối mặt với áp lực mùa vụ, giá chưa cao do cung vượt cầu, do chưa có cơ sở chế biến thủy sản ngay trên địa bàn.

Phát triển những vùng thủy sản tập trung, thâm canh

Ðể mở hướng phát triển cho ngành thủy sản Hà Nội theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính bền vững, tháng 7-2009, UBND thành phố phê duyệt Chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng. Theo đó, sẽ tập trung chuyển đổi các vùng ruộng trũng, trồng hoa màu kém hiệu quả sang NTTS, chủ yếu đầu tư xây dựng vùng thủy sản tập trung tại một số huyện: Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Ðức... Ðây là những vùng có thể chủ động nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các cơ sở sản xuất con giống; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, nhằm bảo đảm cung ứng con giống đạt yêu cầu chất lượng cao, an toàn dịch bệnh, đồng thời tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi thâm canh, thủy đặc sản. Mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích NTTS toàn thành phố đạt 23 nghìn ha và năm 2020 đạt 24 nghìn ha; tương ứng tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt khoảng 115 nghìn tấn, năm 2020 là 132 nghìn tấn. Trong đó, đẩy năng suất bình quân lên hơn 5 tấn/ha; diện tích nuôi thâm canh lên 10,4% đồng thời giảm phương thức nuôi quảng canh xuống còn 18%. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng cho biết: "Hiện thành phố đã phê duyệt và đang chỉ đạo triển khai tiếp bốn dự án vùng thủy sản tập trung, gồm 430 ha của huyện Ba Vì, 250 ha ở huyện Ứng Hòa, 100 ha ở huyện Thanh Oai và 150 ha ở huyện Mỹ Ðức". Tại đây, thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng, còn huyện, xã hỗ trợ thêm đường phân nhánh vào từng lô. Người dân chỉ việc đầu tư đào đắp bờ ao (mỗi lô 0,5 ha), mua cá giống, thức ăn, công chăm sóc. Ðể chủ động tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng một hợp tác xã thủy sản tại xã Ðông Mỹ và dành Quỹ khuyến nông thành phố cho bà con vay không lãi suất để đầu tư nuôi thâm canh, với mục tiêu đẩy nhanh năng suất cá từ 7 tấn/ha lên 12 đến 15 tấn/ ha.

Có thể nhận thấy, ngành thủy sản Hà Nội đang có "thế và lực" để phát triển nhờ những chính sách đầu tư mạnh và hợp lý, tạo cơ sở vững chắc cho người dân tăng thêm thu nhập bằng chính nghề này. Hơn thế nữa, NTTS còn có nhiều thuận lợi về thị trường tiêu thụ sản phẩm do hiện nay, sản lượng thủy sản mới đáp ứng được khoảng 25 đến 30% nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Tuy nhiên, để Chương trình NTTS thật sự phát huy hiệu quả cần có sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ban, ngành hữu quan trong việc tuyên truyền, đẩy nhanh "tốc độ" chuyển đổi ruộng đất ở các vùng dự án, quy hoạch từng vùng, thời hạn thuê đất mang tính bền vững hơn (ít nhất 20 đến 30 năm), tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp cho người dân phát triển sản xuất. Và cũng cần tính đến "đầu ra" ổn định bằng việc quy hoạch, xây dựng các chợ đầu mối nhằm giảm áp lực tiêu thụ cũng như có chính sách khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến thủy sản.

(Bài và ảnh: HẢI PHƯƠNG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Thành lập khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang
  • Nam Ðịnh xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn trợ giúp hộ nghèo
  • Hà Nội: Giá cát tăng 50% vì... sông cạn
  • Kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng đạt gần 900 triệu USD
  • Cải thiện môi trường đầu tư ở Lâm Đồng góp phần chống suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay
  • Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị qua 20 năm đổi mới
  • Phát triển kinh tế trang trại ở Hà Nội: Còn nhiều rào cản
  • Chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL: Quanh con tôm lại 'nóng'
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi