Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ hội và thách thức

Thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), trên trục giao thương giữa vùng tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, Ðồng Tháp Mười và TP Hồ Chí Minh; là điểm hội tụ của nhiều hệ thống đường giao thông thủy, bộ, hàng không nối liền các tỉnh trong vùng và liên vận quốc tế; là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh, với Cam-pu-chia, nút mở của tứ giác kinh tế Cần Thơ-Cà Mau-Kiên Giang-An Giang, là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vị thế ấy tạo cho TP Cần Thơ tầm vóc của đô thị trung tâm với nhiều chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế - văn hóa - xã hội của cả vùng...

Do vậy, yêu cầu và nhiệm vụ mới của TP Cần Thơ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước nói chung và ÐBSCL nói riêng là phát triển TP Cần Thơ thành một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng. Việc TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I đã hiện thực hóa vị thế của thành phố.

 

Nhiệm vụ trung tâm hàng đầu của Ðảng bộ và nhân dân TP Cần Thơ là hướng tới một thành phố phát triển bền vững, bảo đảm ba yếu tố: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, làm tốt công tác an sinh xã hội. Trong thời gian qua, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác, liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hình thành các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu du lịch hiện đại, quy mô lớn, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, "sạch", dịch vụ có giá trị gia tăng lớn và có tác động đến cả vùng như: dịch vụ vận tải, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính, thông tin liên lạc. Song song với đó, tập trung xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng mạnh vào xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ-kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao và đa dạng cho cả vùng ÐBSCL.

 

Ðể các nhiệm vụ trên được thực hiện đạt kết quả thì khâu đột phá trước hết phải tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó điểm mấu chốt là hạ tầng kỹ thuật giao thông cả đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng hải và đường hàng không, để tạo lực hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với TP Cần Thơ và ÐBSCL đầu tư.

 

Song song với đó, TP Cần Thơ đang triển khai chương trình xây dựng và phát triển giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, nhằm xây dựng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đón đầu cung ứng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đến đầu tư tại TP Cần Thơ và ÐBSCL. Cùng với Trường đại học Cần Thơ và Ðại học Y dược Cần Thơ là hai cơ sở đào tạo đội ngũ trí thức quy mô bậc nhất của vùng hiện nay, đang phối hợp triển khai 12 danh mục công trình, dự án do trung ương quản lý trên địa bàn và 23 danh mục công trình, dự án do TP Cần Thơ quản lý có liên quan đến giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ theo Quyết định số 366/QÐ-TTg ngày 20-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ðây là những công trình trọng điểm không chỉ cho TP Cần Thơ mà còn phục vụ cho cả vùng ÐBSCL. Cơ sở vật chất đang được triển khai, nhưng vấn đề quan trọng là con người. Cùng với việc thực hiện từ năm 2006 đề án đào tạo ở nước ngoài 150 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau đại học. UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2011 nhằm thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau đại học, có chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của địa phương về tham gia công tác, mức hỗ trợ ban đầu đối với giáo sư là 100 triệu đồng, với tiến sĩ là 60 triệu đồng.

 

Mặt khác, vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm khi đến đầu tư tại TP Cần Thơ và ÐBSCL là được hưởng những cơ chế, chính sách gì. Ðây là điều mà TP Cần Thơ rất quan tâm và kiến nghị với Trung ương cho phép ÐBSCL được hưởng cơ chế đặc thù, ưu đãi về chính sách đất đai, thuế, vốn tín dụng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án trên địa bàn.

 

Hiện nay, hàng loạt những công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật đầu mối cấp vùng tại TP Cần Thơ đang trên đà hoàn thành. Ðầu năm 2009, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hoàn thành giai đoạn 1 và khai trương tuyến bay Cần Thơ-Hà Nội, giữa năm 2009 khởi công xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn 2 và khu hậu cần Logístíct, đồng thời hoàn thành nạo vét, duy tu tuyến luồng Ðịnh An-Cần Thơ. Ðầu năm 2010, cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành và thông xe, cuối năm 2010 Cảng hàng không Cần Thơ sẽ khánh thành giai đoạn 2 đường hạ, cất cánh và khai trương đường bay quốc tế... Những công trình này tạo ra cơ hội rất lớn cho TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL phát triển.

 

CẦN THƠ hội đủ những điều kiện để trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, y tế và văn hóa. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay, TP Cần Thơ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Ðộc lập hạng nhì và Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc T.Ư, đây là một bước chuyển mang tính đột phá tạo tiền đề để xác lập vị thế mới của thành phố.

 

Giữ vai trò là đô thị loại I trực thuộc T.Ư, vinh dự và trách nhiệm, cơ hội và thách thức đan xen nhau, đòi hỏi TP Cần Thơ phải phấn đấu hơn nữa, vì sự phát triển của cả vùng ÐBSCL. Xét về cơ hội, TP Cần Thơ sẽ tạo ra động lực mới, làm tiền đề thúc đẩy phấn đấu, phát huy, khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực, vị trí địa chính trị, lựa chọn cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu còn lại của Nghị quyết số 45-NQ/T.Ư. Bước chuyển của đô thị này sẽ trực tiếp cải thiện được mức sống và môi trường sống. Ðiều kiện sống của người dân được nâng cao thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật - xã hội và môi trường đô thị. Người dân đô thị ngày càng chú trọng đến chất lượng các loại hình dịch vụ văn hóa và có nhiều điều kiện để chọn lựa cách thức hưởng thụ giá trị văn hóa. Trong tổ chức đời sống văn hóa, người dân đô thị: cơ bản khắc phục được tác phong sản xuất nhỏ, trì trệ, luộm thuộm, tự phát, manh mún; hình thành tác phong công nghiệp hiện đại; xây dựng được ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân và ý thức cá nhân, từng bước hình thành xã hội công dân. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị sẽ được đầu tư tăng cao và đồng bộ theo hướng xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại hơn, là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư  trong và ngoài nước đầu tư nhiều vào thành phố và khu vực, tạo nên sức bật mới cho cả khu vực ÐBSCL.

 

Ðứng trên vị thế của một đô thị loại I, cũng phải thấy rằng một số thách thức ảnh hưởng tới sự phát triển, đó là quy mô nền kinh tế nhỏ, công nghiệp hóa chưa cao, trong khi đó tiến trình đô thị hóa nhanh hơn, sẽ phát sinh các vấn đề như: kiến trúc thiếu đồng bộ, giao thông tắc nghẽn, nước thải sinh hoạt, di dân tự do và các vấn đề xã hội nan giải khác. Việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, áp lực đối với hạ tầng và các dịch vụ đô thị là khó tránh khỏi, vì tỷ lệ tăng trưởng dân số cao và dòng người nhập cư không chính thức từ nông thôn ra thành phố tăng song hành với quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, dẫn đến thiếu các nhu cầu tối thiểu về nước sạch, hạ tầng kỹ thuật, chưa nói đến các nhu cầu về việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị  đã được tập trung đầu tư khá lớn nhưng chưa thật sự đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng một đô thị hiện đại. Tốc độ đô thị hóa tác động xấu đến môi trường sinh thái, môi trường sống, môi trường văn hóa. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, trật tự đô thị  chưa được bảo đảm. Trật tự và văn minh đô thị chưa được lập lại, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vệ sinh công cộng còn rất phổ biến. Năng lực quy hoạch, quản lý nâng cấp, phát triển đô thị còn chưa đáp ứng. Nhận thức và sự tham gia của cộng đồng chưa cao.

 

Ðể hoàn thiện một số tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật còn chưa đạt hoặc đạt xấp xỉ, TP Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45-NQ/T.Ư ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị và Quyết định số 366/2009/QÐ-TTg ngày 20-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ. TP Cần Thơ cần xác định mục tiêu ưu tiên phát triển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đô thị, tăng mật độ dân cư đô thị; tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, nâng cao tính đồng bộ về hạ tầng giao thông với các loại hình hạ tầng khác có liên quan như: cấp điện, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vận tải công cộng... Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch đô thị theo hướng ổn định, bền vững, có bản sắc. Triển khai xây dựng hệ thống công trình công cộng dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao có quy mô lớn cấp vùng, có nhiều công trình điểm nhấn tạo dấu ấn riêng cho đô thị. Bằng nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ các nguồn vốn vay, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn đối ứng của TP Cần Thơ, bảo đảm cho các chỉ tiêu còn thấp so với quy định trong một, hai năm tới đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đô thị loại I.

 

NHIỆM vụ còn lại của năm 2009 là hết sức khó khăn, nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên đây, chúng ta đồng thời thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tạo tiền đề phát triển nhanh hơn vào các năm tiếp theo. Việc TP Cần Thơ được Chính phủ công nhận là đô thị loạiI là niềm vui, vinh dự lớn lao, đồng thời là một dấu mốc quan trọng tạo đà cho quá trình công nghiệp hóa. Ðây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ tiếp tục phấn đấu hơn nữa để thực hiện thắng lợi các mục tiêu còn lại của Nghị quyết số 45-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị là trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

 

Một trong những vấn đề trọng tâm của TP Cần Thơ là đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính hơn nữa, để nâng cao năng lực chỉ đạo quản lý và điều hành của chính quyền các cấp. Thường xuyên theo dõi nắm thông tin để đề xuất và tổ chức thực hiện cho sát với diễn biến tình hình; tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, tổ chức thực hiện để đưa các chính sách đi vào đời sống xã hội; tăng cường công tác phối hợp, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời thực hiện các khó khăn, vướng mắc của cơ sở, tạo điều kiện để cơ sở triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

 

Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ phát huy tinh thần tự chủ, khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, phát huy tính năng động sáng tạo, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là đô thị loại I. TP Cần Thơ năng động để đáp ứng sự trông đợi của toàn vùng ÐBSCL.

 

Trần Thanh Mẫn
Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ

 

Các dự án mời gọi đầu tư của Cần Thơ phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư

 

I - Lĩnh vực du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch:

 

- Khu du lịch Cồn Ấu

 

- Khu du lịch cù lao Tân Lộc

 

- Khu du lịch vườn cò Bằng Lăng

 

- Xây dựng Khách sạn - Hội nghị Khu du lịch Cái Khế

 

II - Lĩnh vực Khu công nghiệp, công nghệ cao:

 

- Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn II

 

- Khu công nghiệp Ô Môn

 

- Khu công nghiệp Bắc  Ô Môn

 

- Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung

 

- Khu nông nghiệp công nghệ cao

 

- Nhà máy xử lý nước thải công nghiệp - Khu công nghiệp Hưng Phú.

 

III - Lĩnh vực thương mại -công nghiệp chế biến:

 

- Trung tâm thương mại cấp vùng

 

- Nhà máy chế biến đóng gói cây ăn trái xuất khẩu cấp khu vực ÐBSCL

 

IV - Lĩnh vực hạ tầng giao thông:

 

- Ðường nối quốc lộ 91 - đường Nam sông Hậu

 

- Xây dựng cầu chữ Y

 

- Khu kho bãi dịch vụ hậu cần Logistic cảng Cái Cui

 

V - Lĩnh vực đô thị và dân cư:

 

- Khu tái định cư Phú An

 

- Xây dựng Khu đô thị 20.000 ha

 

- Xây dựng Khu đô thị mới Nam Cần Thơ

 

Ngày 26-8-2009, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ  tổ chức Lễ kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám - Quốc khánh 2-9; đón nhận Huân chương Ðộc lập hạng nhì và quyết định công nhận thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Trong ngày này, thành phố Cần Thơ tổ chức khánh thành, khởi công xây dựng các công trình trọng điểm của thành phố, như khánh thành công trình bờ kè cồn Cái Khế, khánh thành công trình hồ Xáng Thổi và khởi công xây dựng Bệnh viện đa khoa thành phố. 

 

Công trình bờ kè cồn Cái Khế nhằm chống sạt lở và tạo mỹ quan cho khu du lịch, thương mại và thể thao cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, với kinh phí đầu tư gần 68 tỷ đồng, có chiều dài bờ kè là 1.900 mét. Công trình Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ, với quy mô 500 giường bệnh, diện tích quy hoạch là 24.800 m2, tổng vốn đầu tư là 853 tỷ đồng, thêm phần trang thiết bị là 147 tỷ đồng, dự kiến thi công xây dựng trong 35 tuần, hoàn thành và đưa vào khám, chữa bệnh cho nhân dân vào cuối năm 2012.

(Theo Trần Thanh Mẫn // Báo Nhân dân điện tử)

  • Đầu tư hạ tầng giao thông tại TPHCM - Vấn đề cấp bách
  • Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang: Khai phá tiềm năng vùng lúa gạo
  • Thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm : Đồng Nai về đích sớm
  • Cảng Quảng Ninh : Bứt phá qua... bão lốc!
  • Bến Tre là khu vực đầu tiên ở Đông Nam Á nhận chứng chỉ MSC
  • Tây Ninh điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
  • Tuyến trục giao thông Hà Đông được tăng giá đất 40%
  • Khô hạn nghiêm trọng ở miền Bắc: Chuyển trồng lúa sang hoa màu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi